Võ tướng đất Hoan Châu chỉ huy vạn quân đào sông, đắp lũy chỉ trong 1 đêm

(Baonghean.vn) - Năm 1591, chỉ trong 1 đêm, vị tướng trấn thủ đất Hoan Châu này đã dẫn hàng vạn quân đào xong sông gọi là "Sông Nhà Mạc" và đắp nhiều thành lũy gọi là "Nhất dạ thành" ở vùng Duyên Hà, Hậu Tái, Thái Bình.

Võ tướng trấn thủ đất Hoan Châu

Nằm gần dòng Lam giang, miếu Tiên Đô hay còn gọi là đền Tiên Đô thuộc làng Đặng Lâm, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương là nơi thờ Mạc Đăng Lượng, tự là Cát Giang Tử, tước hiệu Minh Nghĩa Đại Vương.

Trong suốt 14 năm trấn thủ đất Hoan Châu, ông đã xây dựng nơi đây thành một vùng đất trù phú, lương thực đầy đủ, ngành nghề phát triển, đời sống nhân dân no ấm.

Ảnh: Ngọc Phương
Nhà thờ họ Hoàng Trần được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, nơi thờ thần tổ Mạc Đăng Lượng. Ảnh: Ngọc Phương
Mạc Đăng Lượng tức Hoàng Đăng Quang sinh năm 1496, quê ở xã Cao Đôi, huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương). Ông là cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi và có quan hệ họ hàng với hoàng tộc nhà Mạc.

Năm 17 tuổi, ông đỗ tiến sĩ và làm quan tước Quốc Công dưới triều hậu Lê, do chán ghét các phe phái tranh giành ngôi vua, ông cáo quan về ở ẩn tại nơi sinh ra là làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương xưa (nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Năm 1527, Mạc Thái Tổ lập lên triều Mạc, cho mời ông ra phò tá, ban tước Hoàng Quận Công.

Trong chiến tranh, Nam - Bắc triều ngày 16/2/1535 (năm Đại Chính thứ 7) phụng chiếu Mạc Thái Tông, ông cùng em trai Mạc Đăng Tuấn đã đưa hơn 1 vạn quân vào trấn thủ đất Hoan Châu, đóng quân xứ Tiên Đô, lập 2 tuyến phòng thủ từ huyện Nam Đường tới phủ Anh Sơn.

Tuyến 1 ở Phủ Anh Sơn, cả một vùng Tây Bắc giáp động núi Lĩnh Sơn, Đông Nam giáp sông Lam ngày nay. Tuyến 2 ở các huyện Hưng Nguyên, Nghi Xuân, Nam Đường, Thanh Chương; phía Nam giáp động núi Lĩnh Sơn, phía Bắc giáp núi Đại Huệ. Ngài có công chiêu lập 137 hộ dân tiền thân các dòng họ lớn ở Tổng Đặng Sơn (ngày nay thuộc 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Đặng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).

Những trận chiến lịch sử

Từ tháng 7/1571 tới năm 1575, dưới sự chỉ huy của Phụ Chính Khiêm Vương Mạc Kính Điển, Hoàng Quận Công Mạc Đăng Lượng, Thạch Quận Công Nguyễn Quyện cùng các tướng nhà Mạc tiến đánh vùng Thanh Nghệ. Trong trận Lèn Hai Vai (Yên Thành), đội quân đã đánh thắng Lai Quận Công Phan Công Tích. Tháng 10/1584, nhà Mạc tấn phong ông Hoàng Quận Công Phủ Tả Đô Đốc tước Minh Nghĩa Đại Vương, sau tấn phong Phó Quốc Vương Triều Mạc. 

Kiệu cổ rước Mạc Đăng Lượng (Hoàng Đăng Quang) từ nhà thờ họ Hoàng Trần đến miếu Tiên Đô vào dịp tế họ đầu năm. Ảnh: Ngọc Phương
Kiệu cổ rước Mạc Đăng Lượng (Hoàng Đăng Quang) từ nhà thờ họ Hoàng Trần đến miếu Tiên Đô vào dịp tế họ đầu năm. Ảnh: Ngọc Phương
Năm 1591, ông dẫn hàng vạn quân chỉ 1 đêm đã đào xong sông gọi là "Sông Nhà Mạc" và đắp nhiều thành lũy gọi là "Nhất dạ thành" ở vùng Duyên Hà, Hậu Tái, Thái Bình. Năm 1592, Thăng Long thất thủ, nhà Mạc thất thế, ông đổi tên thành Hoàng Đăng Quang (sau này là thần tổ của dòng họ Hoàng Trần - Nhà thờ Hoàng Trần đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia) về ở ẩn vùng Chân Lộc, Thanh Chương, Nam Đường. Tại đây ông sống ẩn dật, chiêu dân lập ấp, dạy học, làm thuốc, làm nông trang đến cuối đời.

Năm Hoằng Định thứ 2 (1602), ông đến dâng hương chứng kiến việc di dời mộ cụ Nguyễn Cảnh Hoan từ Rú Nguộc, huyện Thanh Chương về Rú Cấm, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương. Sinh thời, mặc dù Mạc Đăng Lượng và Nguyễn Cảnh Hoan ở 2 chiến tuyến khác nhau nhưng rất trọng nghĩa khí của nhau. 

Năm 1604, Mạc Đăng Lượng (Hoàng Đăng Quang) qua đời, hưởng thọ 108 tuổi. Sau khi mất, mộ ông và vợ được song táng tại Rú Cật thuộc dãy núi Đại Huệ. Duệ hiệu của ông là: Lê triều Tiến sỹ tước Quốc Công, Mạc Triều Hoàng đại tướng (Hoàng Quận Công) Phó Quốc Vương, gia phong Thái Quốc Công, tặng Hiển Công Vương, gia tặng Minh Nghĩa Đại Vương, thăng Tiên Đô miếu (Đền Tiên Đô)...

Hàng năm, con cháu thuộc 5 chi đều đến viếng mộ ông. Việc chăm sóc thường xuyên do chi họ Hoàng Văn ở Nam Lĩnh trông coi. Mộ ông và vợ được xây dưới chân núi Đại Huệ theo hình chữ nhật, dài 4,25m và rộng 2,50m. Năm 1992, con cháu 5 chi họ Hoàng đã di chuyển mộ phần hai ông, bà Mạc Đăng Lượng và Mai Thị Huệ về hợp táng tại nghĩa trang họ Hoàng Trần ở Hòn Lửa, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương.

Trải qua thời gian, miếu Tiên Đô không còn, mãi đến năm 2014, chính quyền địa phương xã Đặng Sơn và con cháu dòng họ Hoàng Trần đã cho xây dựng lại bia miếu Tiên Đô trên nền đất xưa. Ngày 16/6 âm lịch hàng năm, chính quyền địa phương tổ chức trang trọng lễ húy nhật tại bia miếu này./.

Tin mới