“Với đồng lương như hiện nay, có ai giỏi vào làm giáo dục?"

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, các Bộ, ngành cần tìm cách giải quyết bài toán ngân sách tăng lương cho giáo viên chứ không phải chỉ nói không làm được.

Trong dự thảo Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất nội dung lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự ủng hộ của 2 bộ trực tiếp liên quan là Bộ Tài Chính và Bộ Nội vụ.

Nhà giáo, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

“Với đồng lương như hiện nay, có ai giỏi vào làm giáo dục?" ảnh 1
Nhà giáo, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội TS Nguyễn Tùng Lâm.

PV: Thầy có chia sẻ gì trước việc Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ phản đối đề xuất tăng lương giáo viên của Bộ Giáo dục- Đào tạo với lý do chưa đủ nguồn lực và không khả thi?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Theo tôi, 2 Bộ Tài chính và Nội vụ, một gác cửa về tài chính, một gác cửa về nhân sự, cái mà họ lo là đúng. Tuy nhiên, các tư lệnh ngành phải có nhiệm vụ giúp cho Chính phủ, Đảng thực hiện đường lối ý tưởng, tìm cách kêu gọi sáng kiến từ mọi người để đưa ra cách giải quyết chứ không phải phản đối như vậy.

Trong Nghị quyết 29, lương giáo viên được xếp cao nhất, các tư lệnh ngành phải có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết này, chứ không thể nói chung chung là ngân sách không đủ hay chờ đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.

Tại sao chúng ta phải đưa tiền lương giáo viên lên cao nhất?

Thực tế, việc nâng dần tiền lương của các ngành là điều tất yếu cần làm trên con đường phát triển của đất nước.

Ngành giáo dục là ngành đặc thù, có nhiệm vụ đào tạo ra những thế hệ tương lai, quyết định vận mệnh của dân tộc.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, robot có thể làm thay đổi nhân lực của nhiều ngành, nhưng ngành giáo dục thì không, vì giáo dục không chỉ là dạy kiến thức mà còn dạy làm người.

Bất kỳ quốc gia nào muốn cất cánh đều phải bắt đầu từ giáo dục. Các trường học không tạo ra robot nhưng sẽ tạo ra những người thông minh để làm ra robot.

Vì thế, tôi cho rằng cần đề cao vị trí của nhà giáo mới có thể thu hút người tài. Nhưng với đồng lương, chính sách đãi ngộ như hiện nay, thử hỏi, có ai giỏi vào làm giáo dục?

Trong kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT chủ trương chỉ chọn những học sinh giỏi vào sư phạm, chắc được mấy người? Thực tế, học sinh bình thường đã không suy nghĩ vào sư phạm, chứ đừng nói đến học sinh giỏi. Tôi cho rằng chúng ta tăng lương giáo viên là để trả đúng theo lao động của người thầy giáo trong vị thế cuộc cách mạng 4.0.

Còn như hiện nay, ta vẫn đang dùng tư duy cũ để làm việc mới, không phải theo kiểu kinh tế thị trường. Chúng ta phải đầu tư cho người lao động, tạo điều kiện để họ cống hiến, sáng tạo thì mới mong có những giá trị mới, có môi trường tốt hơn.

Hơn nữa, tôi cho rằng không cần tăng lương đồng loạt cho tất cả giáo viên mà chỉ tăng lương cho những người xứng đáng, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục.

Đây mới thực sự là đòn bẩy để kích thích nhà giáo lao động, sáng tạo và cũng là để họ cảm thấy yên tâm, được đối xử tử tế, từ đó tập trung vào công việc.

Hiện nay, giáo viên không sống nổi bằng đồng lương từ việc dạy học, họ phải làm rất nhiều việc, còn việc dạy dỗ lại là thứ yếu. Tôi cho rằng bất cứ điều hạn chế nào trong xã hội hiện nay đều bắt nguồn từ giáo dục. Tại sao xã hội vẫn đang có quá nhiều tình trạng tham ô, tham những, tất cả đều bắt nguồn từ sự dạy dỗ.

Là người làm giáo dục lâu năm, tôi cho rằng, chính ngành giáo dục phải nhận lỗi.

PV: Bộ Nội vụ cho biết ngoài khoản tiền lương, hiện nay giáo viên đang được nhận những khoản trợ cấp khác, mà mức tối đa bằng 70% lương cơ bản. Thầy nghĩ sao về lý lẽ này mà các Bộ đưa ra để phản đối việc tăng hạng lương cho giáo viên?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Không phải mỗi ngành giáo dục được nhận trợ cấp. Hiện nay các ngành về cơ bản đều không sống bằng lương mà sống bằng thu nhập. Nhưng ngành giáo dục lại không có gì. Tôi cho rằng, có thể bỏ phụ cấp, nhưng tiền lương phải khác, sao cho họ đủ để sống.

PV: Thầy có kiến nghị gì, để những nội dung trong nghị quyết 29 được đưa vào cuộc sống, nâng cao vị thế, vai trò và cả đời sống cho người thầy?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi cho rằng các Bộ ngành cần tham mưu cho Chính phủ để tìm lời giải cho bài toán chứ không đơn giản là đứng nói không làm được, đây không chỉ là việc riêng của Bộ GD-ĐT.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên có hội nghị triệu tập tất cả các Bộ trưởng cùng ngồi lại bàn với nhau về cách thực hiện Nghị quyết 29 để nắm tình hình các Bộ trưởng đã, đang và sẽ thực hiện Nghị quyết như thế nào. Có như vậy giáo dục nước nhà mới năng động lên được.

Cũng nói thêm rằng, hiện nay chúng ta đang sống vì dự án. Ta vay ngân hàng, vay ODA để thực hiện, nhưng khi dự án hết tiền thì lại đắp chiếu để đó. Đây là thực trạng chung của tất cả các ngành, không riêng gì ngành giáo dục.

Từ đó đặt ra vấn đề cần chi tiêu ngân sách cho ngành giáo dục thật hiệu quả. Chúng ta vẫn có những dự án khoa học mất cả đống tiền, nhưng lại đắp chiếu. Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc cần làm mạnh tay, những dự án nào để xảy ra tình trạng này cần quy trách nhiệm xử lý thật nghiêm người trực tiếp phụ trách. Đó cũng là con đường để gom ngân sách trả tiền lương cho giáo viên.

Tin mới