Vòng tay yêu thương

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã và đang có nhiều cố gắng, nỗ lực để giúp đỡ những người con ly hương vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Huyện nghèo hỗ trợ vé máy bay đón công dân về quê

huyện miền núi cao Quỳ Châu, tỷ lệ hộ nghèo hiện khoảng 19,74%. Theo thống kê của phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện: Tổng số công dân của huyện đang làm việc ở nước ngoài là 530 người; đang làm việc tại các công ty ngoại tỉnh là 4.771 người (thành phố Hồ Chí Minh là 261 người, Bình Dương là 517 người, Đồng Nai là 144 người…).

Chị Lô Thảo Ngân (22 tuổi, xã Châu Hoàn), làm việc tại một công ty ở Nhật Bản đã được 3 năm tâm sự: “Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn. Điều kiện sản xuất, việc làm ở địa phương hạn chế thì đi xuất khẩu lao động là một hướng tốt. Tiền lương em gửi về giúp cho bố mẹ xây lại nhà khang trang hơn, giúp chị gái và em trai học đại học… Ai mà không muốn được sống cùng gia đình, được sống ở chính quê hương. Nhưng vì tương lai sau này thì cần phải cố gắng vậy”.

Huyện Quỳ Châu hỗ trợ vé máy bay cho 203 công dân trở về quê. Ảnh: Thành Cường
Huyện Quỳ Châu hỗ trợ vé máy bay cho 203 công dân trở về quê. Ảnh: TTTT Quỳ Châu

Thế nhưng, đại dịch Covid-19 xuất hiện, phá hỏng nhiều giấc mơ, dự định tốt đẹp. Nhiều nhà máy, công xưởng đóng cửa. Rất nhiều lao động mất việc làm, cái đói, cái nghèo, nguy cơ nhiễm bệnh hiện hữu trước mắt. Chị L.T.T (28 tuổi, ở huyện Quỳ Châu, làm việc tại tỉnh Bình Dương) nói về sự tiến thoái lưỡng nan: “Những lúc khó khăn như thế này. Nhà máy đóng cửa, tiền tích trữ cạn dần. Ở lại thì sợ mắc Covid-19, ai cũng muốn trở về quê tạm lánh nạn một thời gian. Cũng muốn đi xe máy về quê nhưng đường về xa quá, sức khỏe có hạn, lại đang mang bầu. Về cũng lo vì không biết mình có nhiễm Covid-19 hay không, lỡ mà mắc rồi lại mang bệnh về cho gia đình, cho quê hương…”.

Trong lúc nguy nan, chị L.T.T và nhiều lao động huyện Quỳ Châu đang ở các tỉnh vùng dịch phía Nam đã nhận được “phao cứu sinh”. Đó là việc huyện Quỳ Châu tổ chức chuyến bay đón công dân về từ tâm dịch phía Nam. Cụ thể: Do dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phía Nam diễn biến phức tạp, nhằm giảm áp lực trong phòng, chống dịch, cũng như bảo vệ con em mình, huyện Quỳ Châu đã kêu gọi hỗ trợ vé máy bay đón người dân đang học tập, lao động tại các tỉnh, thành phía Nam trở về tránh dịch. Kinh phí của chuyến bay này do các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn đóng góp thông qua Ủy ban MTTQ huyện.

Đối tượng được đón trở về là người có hoàn cảnh khó khăn là lao động tự do bị mất việc làm, người già trên 60 tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai có hoàn cảnh khó khăn, được hỗ trợ toàn bộ chi phí. Để đón công dân từ các tỉnh phía Nam về quê, huyện Quỳ Châu đã triển khai kế hoạch cho người dân đăng ký qua trang Đăng ký về Nghệ An và Hội đồng hương; thực hiện xác minh và tiến hành lựa chọn đối tượng ưu tiên để lên chuyến bay này.

Lãnh đạo huyện Quỳ Châu có mặt tại sân bay đón tiếp và động viên các lao đông trở về từ các tỉnh phía Nam. Ảnh: TTTT Quỳ Châu
Lãnh đạo huyện Quỳ Châu có mặt tại sân bay đón tiếp và động viên các lao động trở về từ các tỉnh phía Nam. Ảnh: TTTT Quỳ Châu

Ông Lê Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu chia sẻ: “Con người là vốn quý nhất của xã hội, quê hương. Lúc bình an thì quê hương chính là “bàn đạp” để con em, vươn xa; lúc thiên tai, dịch dã thì quê hương là chốn bình an, luôn giang rộng vòng tay đón con em trở về bao bọc. Chuyến bay đón công dân từ vùng dịch trở về ngoài ý nghĩa đó còn là biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh”.

18h 50 phút tối ngày 11/8, chuyến bay mang số hiệu VN9262 mang theo 203 công dân Quỳ Châu gồm 192 người lớn và 11 trẻ em đáp xuống sân bay Vinh, trở về an toàn… Từ Nhật Bản, Lô Thảo Ngân theo dõi sát “hành trình yêu thương” và chia sẻ: “em đã khóc vì nghĩa cử cao đẹp của một huyện nghèo “dám” hỗ trợ vé máy bay để đưa con em mình về, trong khi nhiều địa phương khác chưa làm được”.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, sau chiếc kính chống giọt bắn, nhiều người khi đặt chân xuống mảnh đất quê nhà cũng đã khóc, chị L.T.T là một trong số đó. Từ đây hành trình của họ về nhà còn rất ngắn. Sau khi xuống sân bay, tất cả công dân được cách ly phòng chống dịch 14 ngày, đảm bảo an toàn… Trước đó, ở huyện Quỳ Châu đã dấy lên phong trào ủng hộ các công dân, huyện nhà chống dịch. Rất nhiều người đã ủng hộ bằng lương thực, tiền mặt giúp cho huyện nhà có thêm nguồn lực phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh, nhất là ủng hộ đồng bào đang thực hiện cách ly tại các cụm cách ly của huyện.

Cứu đói, bố trí việc làm

Cùng với quan niệm “Con người là vốn quý nhất”, “còn người còn của”, một huyện miền núi nghèo khác của Nghệ An là huyện Kỳ Sơn cũng đã và đang ra sức giúp đỡ con em mình vượt qua cơn “bĩ cực”… Theo thống kê, huyện Kỳ Sơn có khoảng gần 18.000 người đang sống và làm việc ở ngoại tỉnh, trong đó có hơn 10.000 người có nhu cầu trở về địa phương. Tính từ ngày bùng phát dịch lần thứ tư (từ ngày 27/4) đến nay, đã có gần 2.900 công dân trở về địa phương.

Lực lương chức năng huyện Kỳ Sơn làm thủ tục khai báo, tiếp nhận lao động trở về quê bằng xe máy. Ảnh: Thành Cường
Lực lượng chức năng huyện Kỳ Sơn làm thủ tục khai báo, tiếp nhận lao động trở về quê bằng xe máy. Ảnh: Thành Cường

Phòng chống Covid-19, tất cả các công dân Kỳ Sơn khi trở về đều được thực hiện khai báo y tế, test nhanh kháng nguyên và đưa đi cách ly tập trung tại 47 trường học mầm non, trường học nội trú trên địa bàn. Song song với đó, huyện Kỳ Sơn cũng đã tích cực chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong khu cách ly. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly tập trung, để người dân yên tâm thực hiện cách ly phòng, chống dịch. Thông qua các nguồn vận động, mỗi công dân trở về được hỗ trợ ban đầu từ 5-10 kg gạo, 1 thùng mì tôm.

Không chỉ phải giải quyết khó khăn trước mắt, huyện nghèo biên giới này đang đối mặt với nỗi lo đảm bảo đời sống ít nhất 2 tháng để người dân có thể ổn định cuộc sống sau khi hồi hương. “Huyện Kỳ Sơn vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ gạo cứu đói cho các hộ dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó có nhóm lao động trở về từ miền Nam nói trên. Theo tính toán, để mỗi khẩu được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng trong ít nhất 2 tháng thì toàn huyện cần hơn 500 tấn gạo để cứu đói", ông Lê Hồng Lập, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn cho biết.

Hầu hết các công dân trở về đều thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. Dịch bùng phát, mất việc làm, mất thu nhập, họ mới trở về quê. Các công dân trở về địa phương chủ yếu là lao động phổ thông, làm việc tự do, không được đào tạo nghề bài bản. Một lượng lớn công dân trở về quê không có việc làm, dẫn đến dễ bị các đối tượng khác lợi dụng, tham gia vận chuyển, buôn bán chất cấm, làm gia tăng bất ổn về an ninh và tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, việc thiếu việc làm có thể khiến người dân vào rừng mưu sinh, vi phạm lâm luật.

Huyện Kỳ Sơn huy động nguồn xã hội hóa hỗ trợ các khu cách ly tập trung trên địa bàn. Ảnh: Thành Cường
Huyện Kỳ Sơn huy động nguồn xã hội hóa hỗ trợ các khu cách ly tập trung trên địa bàn. Ảnh: Thành Cường

Giúp đỡ công dân hồi hương, huyện Kỳ Sơn đang thực hiện nhiều biện pháp, tập trung vào giải quyết việc làm cho những người này. Cụ thể, huyện đang cho tiến hành phát phiếu điều tra nhu cầu của các lao động sau khi hết dịch hoặc khi dịch tạm ổn. Tại phiếu điều tra có các mục như: Tiếp tục quay lại nơi làm việc cũ; tìm việc làm mới trong tỉnh; làm việc tại địa phương…

Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Đối với số lao động trở về địa phương mà không có nhu cầu quay lại nơi làm việc cũ thì huyện sẽ đề nghị các công ty, xí nghiệp đang thi công các công trình giao thông, xây dựng trên địa bàn, ưu tiên các đối tượng này. Đồng thời, huyện cũng đã lên kế hoạch đào tạo nghề cho các đối tượng là lao động trong độ tuổi; hỗ trợ cây, con, tạo điều kiện vay vốn sản xuất; vận động người dân khai hoang phục hóa các ruộng nước lâu nay bị bỏ để đi làm ăn xa; khôi phục lại các dự án trồng chè, trồng cây dược liệu dưới tán rừng; làm du lịch cộng đồng…

“Sắp tới, Ban quản lý rừng phòng hộ sẽ trả cho Kỳ Sơn 72.000ha rừng. Giao cho dân thì bình quân mỗi hộ được từ 5 - 15ha để khoanh nuôi bảo vệ, đồng thời triển khai trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, ổn định lâu dài”, ông Nguyễn Hữu Minh cho biết.

Không chỉ riêng 2 huyện Quỳ Châu và Kỳ Sơn, mà tất cả các địa phương, người dân trong tỉnh đã và đang “hết sức, hết lòng” giúp đỡ công dân hồi hương, lao động gặp khó khăn do Covid-19. Toàn tỉnh đã thiết lập 604 cơ sở cách ly tập trung với quy mô trên 22.000 giường, hiện đang thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe cho hơn 22.389 người về từ vùng dịch, đối tượng liên quan ca bệnh. Người dân, các doanh nghiệp, tổ chức đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền, hàng (quy đổi) đã tiếp nhận 165,9 tỷ đồng.

Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chung tay hỗ trợ huyện nghèo Kỳ Sơn chống dịch. Ảnh: Thành Cường
Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chung tay hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: Thành Cường

Và cả người Nghệ An trong tâm dịch cũng được hỗ trợ, tiếp sức từ quê nhà. Ngày 6/8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản thông báo về việc hỗ trợ người dân Nghệ An ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với mức 1 triệu đồng/hộ từ nguồn kinh phí ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh. Trước mắt, hỗ trợ khẩn cấp 2.000 hộ, tương đương 2 tỷ đồng để giúp những người con quê hương vượt qua khó khăn, cùng địa phương sở tại đẩy lùi đại dịch./.

Tin mới