Vòng tròn hạnh phúc

Ở Việt Nam vẫn “lưu truyền” câu chuyện về cách dạy con của các bậc phụ huynh phương Tây, rằng cứ đến 18 tuổi, cha mẹ sẽ “đuổi” con ra khỏi nhà để chúng bắt đầu cuộc sống tự lập. Thực ra, điều này hoàn toàn sai. Sự thật là các bậc cha mẹ phương Tây không hề đuổi con cái ra khỏi nhà. Lựa chọn ra sống riêng là của bọn trẻ.

Sau này về Việt Nam, tôi nhận ra một điều là cách giáo dục con của người Việt không chỉ “tạo ra” những đứa trẻ phụ thuộc mà còn “tạo ra” những ông bố bà mẹ phụ thuộc không kém. Một trong số những chủ đề gây tranh cãi thường xuyên và nhức nhối nhất giữa con cái và bố mẹ ở Việt Nam là việc bọn trẻ nên định cư ở thành phố lớn hay về quê để sống gần bố mẹ. Nhiều phụ huynh Việt bị ám ảnh bởi viễn cảnh không còn nhìn thấy con cái trong tầm mắt, tầm tay của mình. Nhiều người đau khổ vì cảm thấy bị “quay lưng” khi những đứa trẻ lớn lên và vươn cánh rời khỏi tổ ấm gia đình, tìm đến những vùng trời mới. Nhiều người cho rằng con cái nên sống cùng bố mẹ như một sự trả ơn, đền đáp lại những năm tháng thơ bé sống trong vòng tay bố mẹ.

Chẳng lẽ mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái chỉ đơn giản là sự cho vay và trả lại – một cuộc trao đổi, một mối ràng buộc về trách nhiệm – chỉ vậy thôi sao?

Tôi có một cô bạn bị người yêu phản bội, đã không ngừng khóc lóc mà hỏi tôi rằng: “Mình đã cho anh ta nhiều như vậy, sao anh nỡ làm thế với mình?”. Tôi im lặng không trả lời vì không muốn xát thêm muối vào vết thương lòng của cô ấy. Nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ: Chúng ta thường quá đề cao những việc mình làm cho người khác mà quên nghĩ đến việc người khác tiếp nhận chúng như thế nào. Điều đó có quan trọng với họ không? Họ có biết ơn ta không? Hay rất có thể, họ chỉ thản nhiên đón nhận nó như việc mỗi sáng ngủ dậy và thấy mặt trời mọc ở hướng Đông. Cũng tương tự như vậy, trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, bố mẹ thường có xu hướng đong đếm những việc mình làm cho con mà quên mất rằng một phần nhiều trong số đó là những thứ mà lũ trẻ thậm chí chẳng hề yêu cầu. Hoặc tệ hơn thế, chúng không hề mong muốn điều đó.

Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ của mình, tôi đã nhiều lần tranh luận với mẹ về những điều tôi muốn làm và những điều mẹ muốn tôi làm. Khi cuộc tranh luận có dấu hiệu không thể tìm đến một điểm chung, mẹ tôi thường kết thúc nó bằng lý do cũ rích (mà tôi tin là bất cứ đứa con nào cũng nghe đến phát chán): “Chỉ vì mẹ muốn tốt cho con mà thôi”, hoặc một lý do khác được mẹ sử dụng thường xuyên không kém: “Sau này con sẽ hiểu”. Vấn đề là, làm sao chúng ta biết chắc điều gì tốt hay không tốt cho người khác trong khi ta đang nhìn nhận vấn đề của họ từ góc nhìn của bản thân? Một người huyết áp thấp sẽ thấy biết ơn nếu ta đưa cho họ chiếc kẹo, nhưng cũng chiếc kẹo ấy nếu đưa cho người bị tiểu đường thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Định nghĩa “tốt cho con” của các bậc phụ huynh Việt Nam thường quy chiếu về một mô týp: có việc làm ổn định (nhà nước thì càng tốt), nếu làm nhà nước thì phải có biên chế (để về già được nhận lương hưu – không nhiều nhặn gì nhưng bố mẹ thích thế vì nghe có vẻ yên tâm hơn), con gái phải lấy chồng trước 26 tuổi, con trai phải lấy vợ trước 30 tuổi. lấy vợ lấy chồng phải môn đăng hộ đối, gia đình vợ/chồng phải là gia đình cơ bản (gia đình cơ bản là khái niệm chỉ ở Việt Nam mới có thì phải?), phải sinh con và phải có cả trai lẫn gái thì mới gọi là gia đình hoàn hảo…

Nhưng nếu có được tất cả những điều trên, mà con cái chúng ta vẫn không thấy hạnh phúc thì sao?

Và nếu làm được cho con cái tất cả những điều trên, mà những người làm cha mẹ vẫn không thấy hạnh phúc vì không được con cái ghi nhận và biết ơn thì sao?

Tất cả chúng ta đang sống trong một cái vòng luẩn quẩn. Con cái phụ thuộc vào cha mẹ vì cứ sống mãi trong sự bao bọc, che chở. Cha mẹ phụ thuộc vào con cái vì không có mục đích sống nào khác ngoài chăm lo cho con cái. Nếu tự nhìn lại những năm tháng ta đã sống, liệu có được bao nhiêu trong số đó ta dành để sống cho chính bản thân mình? Hay ta luôn phải chạy theo những trách nhiệm và ràng buộc mang tên bố mẹ, con cái, gia đình và rộng hơn nữa là định kiến và lề thói xã hội? Nhiều lúc tôi nghĩ đến tôi của 30, 40 năm sau và tự hỏi, tôi sẽ sống vì điều gì và cảm thấy hạnh phúc vì điều gì? Nếu hạnh phúc của tôi lúc đó chỉ phụ thuộc vào khoảng cách giữa nhà tôi và nhà con cái tôi thì cuộc sống đó mới tẻ nhạt làm sao.

Cuối cùng tôi nhận ra rằng, những gì chúng ta đang thiếu có lẽ là một chút ích kỷ để biết sống cho bản thân nhiều hơn. Nhưng đồng thời, sự ích kỷ đó cũng là sự cứu rỗi cho ta và những người mà ta yêu quý. Bởi, nếu ta xem hạnh phúc của ta như trách nhiệm đặt lên vai họ, thì tất cả chúng ta sẽ sống mãi trong gánh nặng của người khác và cứ như thế thành một vòng tuần hoàn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thay vào đó, sao ta không tự có trách nhiệm với hạnh phúc của bản thân, và bằng cách đó, ta cũng khiến những người thương ta hạnh phúc hơn lên. Bởi suy cho cùng, yêu thương là gì nếu không phải là muốn thấy người mình yêu thương hạnh phúc?