Vụ bê bối thông tin của Facebook: Người dùng ở Việt Nam bị ảnh hưởng gì?

Trước xìcăngđan Facebook để lộ lọt thông tin của 50 triệu người dùng, chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena - cho rằng: “Hầu hết ứng dụng nào cũng thu thập dữ liệu của người dùng, chỉ khác nhau là ở mục đích sử dụng như thế nào thôi”.

Theo chuyên gia Võ Đỗ Thắng, nhiều năm nay Facebook cho phép các nhà phát triển ứng dụng trên nền tảng Facebook thu thập thông tin, dữ liệu người dùng. Và cũng không riêng gì Facebook mà những mạng xã hội hay nền tảng khác trên Internet cũng thế, chẳng là Facebook có số người dùng lớn nhất (hơn 2,1 tỉ người dùng) cho nên khi xảy ra vụ việc thì gây chấn động hơn.

Các nhà phát triển ứng dụng trên nền tảng Facebook được phép dùng các công cụ và kết nối dữ liệu với người dùng Facebook, qua đó có thể khai thác được danh sách bạn bè của họ và những thông tin liên quan. Đối với những ứng dụng nhỏ, dữ liệu thu thập được có thể được phân tích sử dụng phục vụ nội bộ hoặc công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với những ứng dụng lớn, dữ liệu thô sẽ được đưa về các hệ thống máy chủ phân tích, tách lớn, phân loại v.v… để sử dụng cho từng mục tiêu cụ thể, chí ít là nhằm mua quảng cáo đưa thông tin trúng đích.

Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav - cho rằng, ngày nay việc phân tích dữ liệu của hàng triệu, hàng chục triệu người dùng đã được áp dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích sâu vào thói quen, sở thích, hành vi… của từng lớp người dùng, từ đó đưa thông tin quảng cáo đến đúng đối tượng đang cần hoặc khách hàng tiềm năng.

Cần nhớ rằng, ứng dụng Thisisyourdigitallife gây ra xìcăngđan lộ lọt thông tin ban đầu chỉ đưa ra khảo sát với 270.000 người dùng, nhưng thông qua đó nó dần lan tỏa vào các danh sách bạn bè của người dùng Facebook đi đến thu thập dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook.

Theo ông Ngô Tuấn Anh, hiện nay các ứng dụng thu thập dữ liệu trên Facebook tại Việt Nam nếu có thì cũng theo cơ chế tương tự như vậy. Tuy nhiên chuyên gia này quan sát, hiện việc thu thập dữ liệu người dùng tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mục đích chủ yếu là sử dụng cho công việc kinh doanh, thương mại.

Chuyên gia Võ Đỗ Thắng nêu quan điểm, nếu thông tin thu thập được phục vụ cho công việc của chính doanh nghiệp mà phổ biến nhất là nhằm phát triển kinh doanh thì còn có thể chấp nhận. Song nếu thông tin được bán cho bên thứ tư, phục vụ cho rất nhiều mục đích khác nhau gây phiền hà, tổn hại đến quyền lợi hay quyền tự do cá nhân của người dùng thì phải coi là vi phạm.

Như trong vụ việc của Facebook đang gây xôn xao, thông tin của 50 triệu người dùng Facebook đã được sử dụng cho chiến dịch chính trị, thậm chí cũng có thể dùng để lan truyền tin giả, sẽ gây nhiều hệ lụy khác cho các cá nhân và xã hội.

Thêm một góc độ được ông Võ Đỗ Thắng lưu ý, là việc lơi lỏng đối với các nhà phát triển ứng dụng thu thập thông tin người dùng trên Facebook bằng các công cụ quét rất dễ tạo điều kiện cho mục đích khai thác thông tin để cạnh tranh không lành mạnh. Đơn cử như thông qua thu thập thông tin trên các Fanpage của đối thủ để lần ra chiến lược truyền thông - marketing; lần ra tập khách hàng cùng với các hành vi, sở thích tiêu dùng để cạnh tranh lại.

Tin mới