Vũ Cát Tường: 'Tôi muốn nam lẫn nữ đều có thể yêu mình'

Ca sĩ "Cô gái ngày hôm qua" cho rằng âm nhạc của cô không giới hạn tuổi tác, giới tính, không gian và thời gian.

- Chị vừa tổ chức thành công đêm nhạc mừng tuổi 25. Chương trình để lại dư âm thế nào trong chị?

- Tôi vẫn xem đi xem lại đĩa ghi hình buổi diễn. Không khí đó, cảm giác đó tôi chưa từng trải qua. Sân khấu lớn với hơn 3.000 khán giả nhưng mọi người đã kết nối được với nhau và kết nối được với âm nhạc của tôi.

Đêm nhạc đánh dấu chặng đường bốn năm hoạt động nghệ thuật của tôi. Quãng đường đó không dài nhưng như những người xung quanh đánh giá, tôi trưởng thành rất nhanh. Điều ý nghĩa lớn nhất với tôi sau bốn năm là tôi tìm đến được những người tốt với mình, tầm nhìn của tôi rộng mở hơn.

Vũ Cát Tường trong đêm concert kỷ niệm 25 tuổi.

Vũ Cát Tường trong đêm concert mừng sinh nhật tuổi 25 hôm 14/10.

- Sự trưởng thành của chị thể hiện ở những thay đổi nào?

- Tôi không còn là kẻ chập chững vào đời, cái gì cũng sợ hãi, lúc nào cũng dễ bị người ta hiếp đáp. Bốn năm qua, tôi gặp nhiều khó khăn vì sự non nớt trong việc nhìn người. Nhiều khi tôi nghĩ người đó sẽ đi cùng mình nhưng ruốt cuộc lại hại mình. Sự non nớt đẩy tôi vào nỗi cô độc cực độ, khiến bản thân tự hỏi tại sao trên đời không có ai khiến cho mình tin tưởng.

Đến giờ điều điều quan trọng nhất tôi làm được là vực dậy bản thân, lấy lại lòng tin vào những điều tốt đẹp ở con người, cuộc sống.

Showbiz là một xã hội thu nhỏ, là nơi tập hợp những điều dữ dội nhất, thách thức bản lĩnh, lòng tin của một con người. Càng bị thách thức, tôi càng mạnh mẽ. Càng bị quăng vào chỗ tồi tệ, tôi càng phải tin vào điều lương thiện. Cuộc đời này vẫn còn nhiều điều tốt đẹp.

- Ai giúp đỡ chị những lúc khó khăn?

- Khán giả là nguồn ủng hộ lớn nhất đối với tôi. Những lúc vấp ngã, bị lừa, đọc bình luận của khán giả, tôi nghĩ: "À, ngoài kia mọi người vẫn yêu thương mình". 

Tôi còn có người yêu luôn ở bên. Chúng tôi yêu nhau được ba năm. Tuy nhiên, tôi không để cho người yêu thấy lúc nào mình cũng thất bại, tôi cũng phải giữ lòng tự trọng chứ. Vì thế, tôi thường tự giải quyết khó khăn của bản thân. Tôi không thích than vãn khi ở cạnh người yêu của mình.

- Khán giả từng thích thú khi chị mặc váy lên sân khấu trong khi chị vốn gắn liền với với phong cách tomboy. Vì sao chị không thay đổi sang hình ảnh nữ tính để  chiều người xem hơn?

Tôi mặc chiếc váy đó vì tôi thích nó. Tuy nhiên, tôi không muốn mình là người dễ đoán mà muốn khán giả tò mò về mình. Hơn nữa quan điểm trong âm nhạc của tôi là không giới hạn về tuổi tác, giới tính, không gian và thời gian. Càng ngày điều đó sẽ càng rõ hơn từ cách tôi ăn mặc đến sáng tác, ca hát. Tôi muốn làm sao cả nam và nữ đều yêu được mình, già hay trẻ đều thưởng thức được nhạc của mình.

Phong cách thời trang lẫn âm nhạc đều không chịu tác động từ ai mà do ý thích và sự mày mò của tôi. Có thể cách "phiêu" khi hát của tôi ảnh hưởng từ những người thầy như anh Thanh Bùi, chị Phương Uyên nhưng sau vài tháng học, tôi tự khám phá bản thân và định hình phong cách cho mình.

Ca sĩ cho rằng trong mỗi người có sự mạnh mẽ của nam giới và sự yếu đuối của nữ giới ở một chừng mực nào đó.

Ca sĩ cho rằng trong mỗi người có sự mạnh mẽ của nam giới và sự yếu đuối của nữ giới ở một chừng mực nào đó.

- Trương Quốc Vinh - cố nghệ sĩ huyền thoại người Hong Kong - từng quan niệm:"Một nghệ sĩ đạt tới trình độ cao nhất là khi có thể hòa hợp hai giới tính nam - nữ vào một. Bản thân nghệ thuật không tồn tại giới tính". Chị nghĩ gì về điều này?

Tôi đồng ý với quan điểm đó. Trong mỗi người luôn có sự mạnh mẽ của nam giới và sự yếu đuối nhất định của phụ nữ. Không ai có thể khẳng định rằng mình không bao giờ khóc, mình luôn mạnh mẽ.

Tôi không gồng lên để trở thành một hình mẫu nào đó, cũng không cố gắng trở thành người không khiếm khuyết, không nỗi đau. Tôi muốn là chính tôi, được bộc lộ theo cảm xúc của mình. Mà tâm hồn thì không giới tính, không quốc tịch. Đau đớn hay hạnh phúc cũng không giới tính, chỉ có trái tim cảm nhận nó như thế nào.

* MV "Vài phút trước" của Vũ Cát Tường

- Tư duy về giới tính đó của chị xuất hiện từ bao giờ?

- Nó xuất hiện từ lúc tôi cắt tóc năm 2013. Sau khi cắt tóc, tôi cảm thấy chuyện tóc ngắn tóc dài, cái váy hay bộ vest trở nên quá bình thường. Chuyện người khác bình luận "con bé này nam tính quá, con bé này đẹp xấu" cũng không còn ảnh hưởng tới tôi. Với tôi, cái đẹp là từ tâm hồn.

Điều tôi bận tâm là làm được gì trong cuộc đời. Ví dụ hôm nay tôi sáng tác được bài này, ngày mai tôi làm được gì khác.

- Ai đặt cho chị nghệ danh Cát Tường - một cái tên mang ý nghĩa về sự an lành, chúc phúc?

- Tự tôi đặt cho mình. Khi sinh ra, tôi được bà ngoại đặt tên là Phượng Tường. Hồi bốn, năm tuổi, xem Hoàn Châu cách cách thấy hay có câu "hoàng thượng, hoàng hậu cát tường", thích quá nên tôi đòi đổi tên dù lúc đó chỉ là con nít, chưa hiểu "cát tường" nghĩa là gì. Sau này tôi mới hiểu "cát tường" là may mắn, tốt đẹp.

Cuộc đời tôi như vậy đấy, từ nhỏ tới lớn, thích gì là chọn cái đó, không ai cản hay ép buộc được vì tôi cứng đầu, ương ngạnh. Tôi đã dùng món đồ gì thì đó phải là đồ tôi thích, còn không tôi không dùng hoặc dùng cái dở nhất. Ví dụ hồi đại học, bạn nào trong lớp cũng dùng máy tính bình thường thôi nhưng ngay đầu năm một, tôi bảo mẹ "con muốn mua máy Apple". Mẹ đã vay tiền mua máy cho tôi. 

Nhưng tôi cũng hứa với mẹ mình sẽ tận dụng các món đồ một cách tối ưu nhất. Với chiếc máy tính, từ năm hai tôi học sáng tác, phối khí, đăng ký các lớp học online ở nước ngoài.

Mẹ đã chắt chiu, dành mọi điều tốt đẹp nhất cho tôi, giấu sự khó khăn cho riêng mình. Giờ đây khi thành người trưởng thành, tôi ý thức về trách nhiệm của mình với gia đình. Là trụ cột kinh tế trong nhà, tôi mong muốn lo được cho người thân càng nhiều càng tốt. Nhưng tôi không muốn khoe khoang điều mình làm được vì đó là bổn phận.

* Vũ Cát Tường hát nhạc phim "Cô gái đến từ hôm qua"

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới