Vụ giám thị chép bài bị đình chỉ: Đánh giá cao sự dũng cảm và trung thực của học sinh

(Baonghean.vn) - Sự việc cô giáo Nguyễn Thị Lê Hằng, Giáo viên Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách – Thanh Chương, bị học sinh 'tố' trên Facebook vì có  hành vi 'ăn cắp chất xám' trong quá trình làm giám thị tại cuộc thi chọn học sinh giỏi tỉnh năm 2016 – 2017 đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Nghệ An đã ghi lại ý kiến của một số giáo viên, phụ huynh và những người hiện đang làm công tác trong ngành giáo dục…

Lê Phương Anh – Học sinh lớp 11C5 – Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – tác giả của bức “tâm thư”: "Cho em chọn lại em cũng sẽ vẫn nói thế"

Cả lớp em đều dự thi HSG tỉnh môn tiếng Anh. Sau khi thi xong, chúng em ngồi quây lại và kể về chuyện ở phòng thi. Sau khi nghe các bạn ở phòng thi 26 kể lại sự việc trên, xác minh thông tin từ các nguồn khác cho thấy sự việc là có thật, là lớp trưởng, em thấy mình phải có trách nhiệm lên tiếng. Việc đưa thông tin lên facebook cá nhân, mục đích chính của em là chỉ muốn công bằng với tất cả các thí sinh dự thi. Em biết mình sẽ gặp phiền phức nhưng cho đến giờ em cảm thấy em không sai. Cho em chọn lại em cũng sẽ vẫn nói thế.

Học sinh Lê Phương Anh. Ảnh: Facebook
Học sinh Lê Phương Anh. Ảnh: Facebook 

Chị Lưu Thị Huyền – Phường Hà Huy Tập (Giáo viên và là phụ huynh của Thủ lĩnh thanh niên ASEAN 2015 – Nguyễn Lưu Cảnh Hào): "Đừng tạo ra áp lực cho con trẻ"

Là người công tác trong ngành giáo dục , tôi thấy rằng công bằng đối với học sinh đã trở thành đạo đức nghề nghiệp và cần phải đặt lên hàng đầu, đặc biệt là đối với học trò. Trong mắt học trò, các cháu còn ngây thơ, nếu chúng ta công bằng sẽ tạo cho học trò niềm tin vào cuộc sống. Và vì vậy, người làm nghề cần phải chú trọng, phải xem đó là phẩm chất của một người thầy giáo. Bởi nhà giáo vừa là thẩm phán, vừa là luật sư.

Bản thân tôi cũng thấy rằng, với một kỳ thi học sinh giỏi, trượt không có nghĩa là thất bại. Chúng ta không nên coi đó là áp lực. Hãy xem nó là một trải nghiệm, một sân chơi cho các cháu, giống như thể thao vậy. Có thể phong độ là nhất thời mà đẳng cấp là mãi mãi.

Ngay với con của tôi, cháu cũng đã từng thất bại rất nhiều. Nhưng tôi vẫn nói với con: thất bại nghĩa là thành công. Chính những lúc mình chưa được như mong muốn là lúc mình nghiêm túc nhìn lại bản thân để có bài học cho mình. Thực tế, hàng nghìn lời nói của phụ huynh cũng không bằng một lần các cháu thất bại. Vượt qua được khó khăn đó, nghĩa là các cháu thể hiện được bản lĩnh của mình và sẽ trưởng thành hơn.

Tôi cũng thấy rằng, ngày nay, chính phụ huynh, giáo viên lại tạo áp lực cho học sinh bằng các thành tích thi cử. Nếu để các cháu tự tạo ra áp lực thì các cháu sẽ cố gắng. Nhưng nếu bị áp đặt đôi khi hiệu quả lại ngược lại…

Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách nơi cô Lê Hằng đang công tác. Ảnh: tư liệu
Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách nơi cô Lê Hằng đang công tác. Ảnh: tư liệu

Nhà giáo ưu tú Phạm Huy Đức – nguyên Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo: "Giám thị đã không giữ được phẩm chất đạo đức nghề giáo"

Tối 14/3, ngay khi đọc được thông tin mà em Lê Phương Anh phản ánh, cảm giác đầu tiên của tôi là rất buồn. Tôi nhớ năm 2000, khi tôi còn làm trong ngành Giáo dục, thầy Lê Văn Phớt (khi đó đang là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) vẫn nói với anh em chúng tôi rằng: Hiện có rất nhiều kỳ thi và tiêu cực là không tránh khỏi. Nhưng riêng kỳ thi học sinh giỏi và thi giáo viên dạy giỏi, chúng ta phải cố gắng làm cho “sạch”. Hiện tại, qua sự việc trên, tôi thấy hai vấn đề: Thứ nhất là cô giáo đã không giữ được phẩm chất đạo đức nhà giáo. Hơn thế, năng lực của cô giáo cũng có vấn đề bởi một giáo viên dạy Tiếng Anh mà phải đi xem bài thi Tiếng Anh của học sinh thì  không ổn.

Ở đây, tôi thấy áp lực của giáo viên là không phải, bởi chẳng ai yêu cầu giáo viên phải có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh đậu đại học. Tuy nhiên, bệnh thành tích thì rõ ràng, mà điều này nó đã dai dẳng và có hệ thống. Chúng ta chú trọng quá nhiều đến vấn đề số lượng học sinh giỏi, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp mà không chú ý đến vấn đề khác, đặc biệt là chất lượng thực chất của giáo dục. 

Tôi đánh giá cao sự dũng cảm và trung thực của học sinh Lê Phương Anh. Hành động của em xứng được được ngành Giáo dục tuyên dương và khen ngợi.

Thí sinh tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Ảnh: Mỹ Hà
Thí sinh tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Ảnh: Mỹ Hà

Ông Thái Huy Vinh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: "Ngành giáo dục cần thẳng thắn nhìn  nhận những tồn tại trong thi cử"

Về cá nhân, tôi đồng tình với hành động của em Lê Phương Anh. Ngành Giáo dục cũng rất cảm ơn em vì qua sự việc này, ngành giáo dục có cơ hội nhìn nhận thẳng thắn về những tồn tại trong công tác thi cử hiện nay. Đây cũng sẽ là kinh nghiệm quý, đặc biệt là ở Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Bản thân cô giáo Nguyễn Thị Lê Hằng, chúng tôi sẽ xác minh thêm, nhưng về cơ bản, sự việc đã được làm rõ. Tôi nghĩ, với một người còn trẻ nhưng có thái độ với nghề nghiệp như vậy thì nếu không vấp ngã lần này sẽ còn vấp ngã lần sau. Rất may, sự việc chỉ mới diễn ra trong 20 phút đầu nên mức độ ảnh hưởng chưa nghiêm trọng. Các giám thị còn lại cũng đã rất thẳng thắn và có trách nhiệm trong việc xử lý tình huống ở phòng thi số 26.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới