Vũ khí hạt nhân chiến thuật và khả năng xuất hiện ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Gần đây, vũ khí hạt nhân chiến thuật được nhắc tới nhiều trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Các binh sĩ vận hành tên lửa chiến thuật Nga trong một cuộc tập trận với tên lửa cơ động lớp R-300. Ảnh: Getty Images

Các binh sĩ vận hành tên lửa chiến thuật Nga trong một cuộc tập trận với tên lửa cơ động lớp R-300. Ảnh: Getty Images

Theo kênh al-Jazeera, Tổng thống Nga Vladimir Nga tuyên bố sẽ dùng tất cả các phương tiện hiện có để bảo vệ vùng đất của mình, gồm cả các khu vực tại Ukraine mới được sáp nhập gần đây.

Bình luận về khả năng Nga dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Tổng thống Putin không chắc gì sẽ dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, ông Biden cho biết Lầu Năm Góc có kế hoạch dự phòng trong trường hợp này.

Vậy vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì và tại sao loại vũ khí này lại thu hút nhiều chú ý như vậy?

Khi nào vũ khí hạt nhân trở thành “chiến thuật”?

Mặc dù không có định nghĩa chung, nhưng vũ khí hạt nhân chiến thuật thường có đặc trưng riêng về kích thước, tầm bắn hoặc cách sử dụng (ví dụ như dùng cho các mục tiêu quân sự hạn chế).

Loại vũ khí này thường mạnh hơn nhiều lần so với bom thông thường, gây ra bụi phóng xạ và làm chết người không chỉ trong vụ nổ. Thế giới chưa nhất trí được quy mô nào thì được gọi là vũ khí chiến thuật.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật thường được gọi là vũ khí phi chiến lược, trái ngược với vũ khí chiến lược. Quân đội Mỹ định nghĩa vũ khí chiến lược là vũ khí nhắm mục tiêu vào năng lực gây chiến và ý chí gây chiến của kẻ thù, trong đó có các hệ thống sản xuất, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và thông tin liên lạc cũng như các mục tiêu khác.

Ngược lại, vũ khí chiến thuật là để thực hiện các mục tiêu quân sự hạn chế hơn và tức thời hơn nhằm giành chiến thắng trong một trận chiến. Thuật ngữ này thường được sử dụng để mô tả vũ khí có đương lượng nổ thấp hơn.

Vũ khí chiến thuật có thể được gắn trên tên lửa, bom thả từ trên không, hoặc thậm chí đạn pháo có tầm bắn tương đối ngắn, kém xa so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể bay hàng nghìn km và đánh trúng mục tiêu trên khắp các đại dương.

Theo nhà phân tích quốc phòng Alex Gatopoulos làm việc tại al-Jazeera: “Đầu đạn hạt nhân chiến thuật giúp các chỉ huy quân sự linh hoạt hơn trên chiến trường. Vào giữa những năm 1950, khi thế giới chế tạo và thử nghiệm các loại bom nhiệt hạch mạnh hơn, các nhà hoạch định quân sự cho rằng vũ khí nhỏ hơn với tầm bắn ngắn hơn sẽ hữu ích hơn trong các tình huống ‘chiến thuật’. Đầu đạn hiện đại có đương lượng nổ có thể thay đổi, có nghĩa là người điều khiển có thể chỉ định sức nổ và vũ khí chiến thuật sẽ có sức mạnh từ 1 kiloton đến 50 kiloton. Về quy mô, loại vũ khí đã phá hủy thành phố Hiroshima của Nhật Bản có đương lượng nổ khoảng 15 kiloton. Một kiloton có sức công phá tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT”.

Quốc gia nào có vũ khí hạt nhân chiến thuật?

Nhiều cường quốc hạt nhân trên thế giới có các vũ khí đương lượng nổ thấp hoặc được sử dụng trên chiến trường.

Theo một báo cáo hồi tháng 3 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), Nga có từ 1.000 đến 2.000 đầu đạn cho vũ khí hạt nhân phi chiến lược trong kho.

Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Nga đều có thể khiến Nga đáp trả bằng hạt nhân.

Ông nói rằng Mỹ đã đặt ra một tiền lệ khi ném hai quả bom nguyên tử xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945.

Mỹ có khoảng 230 vũ khí hạt nhân phi chiến lược, trong đó có khoảng 100 quả bom B61 được triển khai cùng máy bay ở châu Âu.

Trong tuần này, Triều Tiên cũng đã tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa để mô phỏng tình huống dội vũ khí hạt nhân chiến thuật xuống Hàn Quốc.

Các chuyên gia cho rằng nếu Triều Tiên nối lại thử hạt nhân, vụ thử có thể có các đầu đạn nhỏ hơn được phát triển dành cho chiến trường.

Liệu vũ khí hạt nhân chiến thuật có được sử dụng ở Ukraine?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật đã không còn là một phần của tư duy chiến lược kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991.

Tuy nhiên, theo ông Gatopoulos, hầu hết các tính toán xem Mỹ và Nga sẽ phản ứng thế nào đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân lại bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh và thế cân bằng lực lượng mong manh vốn giúp thế giới an toàn nhưng luôn trong tâm trạng sợ hãi.

Các nhà phân tích cho rằng khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để củng cố vị thế cường quốc có thể sẽ tăng lên trong một số trường hợp nào đó tại Ukraine.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Nga không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đối với bất kỳ quốc gia nào.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng những bình luận về khả năng Nga tấn công hạt nhân ở Ukraine chỉ là tưởng tượng.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 13/10, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga Alexander Venediktov cho biết các quan chức Nga chưa từng công khai đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào khác.

Theo học thuyết hạt nhân của Nga, nước này sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu kẻ thù sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác để đối phó với Nga và các đồng minh. Thứ hai, nếu Nga có bằng chứng đáng tin cậy về một vụ phóng tên lửa đạn đạo tấn công lãnh thổ của mình hoặc của các đồng minh. Thứ ba, nếu chính phủ hoặc các căn cứ quân sự quan trọng của Nga bị đối phương tấn công nhằm mục đích làm suy yếu khả năng đáp trả của lực lượng hạt nhân Nga. Cuối cùng, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân nếu đất nước phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu trong trường hợp bị tấn công bằng các loại vũ khí thông thường.

Tin mới