Vu Lan bồi đắp giá trị nhân văn

Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Ngày lễ Vu Lan trong Phật giáo cũng được hiểu là ngày lễ con cái báo hiếu với cha mẹ.

Dịp này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PSG-TS Nguyễn Quang Hồng - Viện sư phạm, Đại học Vinh về truyền thống đạo hiếu.

PV: Ngày lễ Vu Lan được xem là ngày con cái báo hiếu với cha mẹ. Dưới góc độ của nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương, xin ông cho biết truyền thống “đạo hiếu” của dân tộc Việt được hình thành và phát triển như thế nào?

PSG-TS Nguyễn Quang Hồng: Trong quá trình nghiên cứu về văn hóa, tôi nhận thấy cùng với quá trình khai phá đất đai, các giá trị truyền thống văn hóa về đời sống tinh thần được hình thành và phát triển như là tinh thần cố kết cộng đồng, tương thân tương ái. “Đạo hiếu” của con cái đối với cha mẹ, ông bà cũng bắt đầu từ đó, được tích tụ và trao truyền từ đời này sang đời khác. Truyền thống hiếu đạo bắt nguồn từ các mối quan hệ trong gia đình như mối quan hệ cha – con, chồng – vợ, anh – em, luôn có tính bền chặt thiêng liêng, tạo thành gia đình, dòng họ, thành những mối quan hệ bền vững không gì tách rời được.

Đạo hiếu cũng nằm trong văn hóa chung của gia tộc dòng họ. Từ xưa ông cha ta đã coi trọng gia đình dòng họ, với những câu đúc kết như “máu thoảng hơn nước lã”, ý chỉ dù anh em xa ngái nhưng vẫn là anh em trong cùng dòng tộc chung một dòng máu chảy trong huyết quản, vậy thì sẽ luôn bao bọc đoàn kết thương yêu.

Điều đặc biệt trong tình cảm gia đình dòng họ của người Nghệ là nội ngoại đều được tôn trọng như nhau, con gái đi lấy chồng vẫn có nghĩa vụ thương yêu chăm sóc cha mẹ mình như chăm sóc bố mẹ gia đình chồng. Đồng thời, con rể cũng phải hiếu thảo trọng nghĩa với bố mẹ gia đình vợ và thực hiện các nghĩa vụ với nhà vợ như nhà mình.

Một số câu nói khác được cha ông ta đúc kết từ ngàn đời mà tôi rất tâm đắc, cũng là biểu thị cho việc cố kết gia đình, gia đình là nôi đầu tiên hình thành nhân cách: “Con không cha như nhà không nóc”, “Cá không ưa muối cá ươn/Con không nghe cha mẹ trăm đường con hư”. Để thấy những răn dạy của cha mẹ quan trọng hàng đầu với sự phát triển khôn lớn của con cái. Qua đó cũng giúp các thế hệ người Nghệ nói riêng và người Việt nói chung hiểu được công lao của các đấng sinh thành, cha mẹ không chỉ sinh ra ta, cho ta cuộc sống mà còn cho ta cả cuộc đời.

Vì thế từ ngàn đời nay, xã hội, cộng đồng rất đề cao tình cảm gia đình, sự hiếu đạo, phê phán gay gắt sự bất hiếu, bất lễ.

PV: Và những biểu hiện của tinh thần đạo hiếu được người dân xứ Nghệ thể hiện như thế nào, thưa ông?

PSG-TS Nguyễn Quang Hồng: Cho dù thế kỷ XIII Bạch Liêu tiên sinh mới khai quang ra vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh nhưng tinh thần Nho giáo đã ảnh hưởng nhiều ở hai bên lưu vực sông Lam trước đó. Tức là trong quan hệ cộng đồng, ngoài quan hệ giữa nhà vua và người dân thì còn có quan hệ thầy trò, gia đình.

Trong quan hệ gia đình, người ta rất đề cao phẩm giá của người phụ nữ, khi ở với bố mẹ, người phụ nữ phải chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ, về nhà chồng thì phải hết sức chăm lo cho gia đình nhà chồng. Người phụ nữ cũng phải truyền lại tinh thần, nét văn hóa đó cho con cái mình và truyền thống này được tiếp biến muôn đời.

Biểu hiện đạo hiếu được hiển thị trong nhiều lĩnh vực của đời sống như con cháu phải nhường những thức ngon cho ông bà; trong bữa tiệc người già ông bà cha mẹ ngồi mâm trên, và con cháu có thể ăn sau hoặc ngồi mâm dưới, điều này thể hiện sự kính trọng cha mẹ ông bà mình từ bữa ăn, cho thấy nghi thức, nề nếp trong gia đình.

Hơn nữa, khi ông bà cha mẹ đau yếu, dù gia đình nghèo khó, con cái vẫn phải lo thuốc thang chạy chữa, khi cha mẹ qua đời thì việc tang ma phải được con cháu thực hiện nghiêm túc, đúng nghi lễ.

Trong đời sống tinh thần, người Nghệ luôn hướng tới cha mẹ, khi cha mẹ quy tiên thì phải có bàn thờ trang trọng, thức ăn ngon hoặc miếng ăn hằng ngày phải được mời đặt lên bàn thờ trước khi mình thụ hưởng. Có thể thấy rằng dù nghèo hèn hay dư dả, người dân xứ Nghệ đều phải có bàn thờ tổ tiên, đó cũng là nét đẹp tinh thần cũng như vật chất của người dân xứ Nghệ. Điều này giúp các thế hệ hôm nay luôn ý thức được tinh thần và tầm quan trọng của đạo hiếu.

Đạo hiếu bắt đầu từ phụng dưỡng đến thờ phụng đều biểu thị đầy đủ tính chất nét đẹp và tầm quan trọng của nó trong đời sống từ đời kim cổ đến đời sống hiện đại.

PV: Trong quá trình hình thành và phát triển, tinh thần đạo hiếu được chi phối bởi nhiều đạo giáo, và khi con người ta không thể tự hóa giải đươc những lo lắng và nhiều điều bất như ý, họ tìm cách nương náu vào một sức mạnh siêu nhiên nào đó? Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

PSG-TS Nguyễn Quang Hồng: Theo những kết quả nghiên cứu gần đây, Phật giáo đã được truyền bá và phát triển ở hai bên bờ lưu vực sông Lam từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Theo khảo sát sơ bộ 500 dấu tích phế tích những ngôi chùa đã được xây dựng, người dân xứ Nghệ xem tín ngưỡng tôn giáo nhất là Phật giáo là chốn để họ được tu tập, sám hối và hướng thiện. Trong nhiều lẽ đó, người ta vẫn cần nhất là nói được tấm lòng mình với cha mẹ, ông bà, những người đã hiểu được tấm lòng họ, thấu cảm với những mong mỏi của họ. Họ tin rằng khi đến với Phật giáo, họ được gần với cha mẹ, ông bà, họ được thể hiện tinh thần hiếu thảo, được ông bà cha mẹ chứng giám.

Trước Cách mạng tháng 8, Phật giáo phát triển rất mạnh, vì thế rất đông cư dân từ miền biển đến miền núi, từ trung du đến đồng bằng đều thể hiện tín ngưỡng của mình, nhất là vào dịp lễ Vu Lan báo hiếu. Sau Cách mạng Tháng Tám đến những năm 1990, Phật giáo rơi vào giai đoạn trầm lắng, tuy nhiên niềm tin của người dân xứ Nghệ đối với lễ Vu Lan báo hiếu vẫn tồn tại và phát triển. Đến sau 1990, Nhà nước đã cho phục dựng lại Phật giáo,vì thế Lễ Vu Lan báo hiếu càng có sức lan tỏa rộng rãi với quy mô lên tới hàng vạn người. Họ có cùng một niềm tin về lòng hiếu kính đối với cha mẹ ông bà mình khi tham gia nghi lễ tại các nhà chùa vào dịp này.

PV: Khi thực hiện nghi thức trong lễ Vu Lan, chúng ta đều hiểu rằng dâng cúng một lễ Vu Lan là một nghi thức không khó thực hiện, mà khó hơn là làm sao  365 ngày trong năm và dài hơn nữa con cháu đầy ắp lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ, nhất là những gia đình có ông bà, cha mẹ yếu đau… Ông nghĩ sao về điều này khi mà hiện nay những nấc thang về giá trị của đạo hiếu đang có xu hướng bị đảo chiều?

PSG-TS Nguyễn Quang Hồng: Có thể thấy rằng cùng với cuộc sống đang đổi thay từng ngày là những đổi thay về phong cách và quan niệm sống ở mỗi cá nhân và mỗi gia đình. Nếu như trước đây ta thường bắt gặp nhiều gia đình ngũ, tứ đại đồng đường, sống rất hòa thuận, yêu thương và phép tắc, thì ngày nay mô hình đó đang ít dần đi. Kể cả mô hình tam đại đồng đường cũng đang hiếm dần khi xu hướng người trẻ cứ lấy chồng cưới vợ là ra ở riêng. Điều này vô hình trung con cái không thể hằng ngày chăm sóc cha mẹ, ông bà, cũng không nhận được sự chỉ bảo ân cần từng điều ăn tiếng nói, cử chỉ việc làm từ ông bà, cha mẹ.

Tuy càng ngày xã hội càng có xu hướng coi trọng đời sống cá nhân và mỗi cá nhân cũng mong muốn được sống theo cách của mình, được tự do và độc lập trong môi trường gia đình hạt nhân, nhưng điều này cũng có mặt trái của nó, đó là con cái lâu dần sẽ thiếu đi sự quan tâm cha mẹ mình, và có xu hướng ích kỷ hơn, cũng là bắt nguồn cho những hệ lụy khác. Điển hình như có nhiều gia đình vì con cái mải kiếm tiền bận bịu mà để cha mẹ cô đơn trong ốm đau già yếu, ngược lại vì không hằng ngày được cha mẹ chỉ bảo mà con cái dễ xảy ra cãi vã, tự do trong sinh hoạt và xảy ra những hệ quả không hay trong đời sống hôn nhân.

Hay khi không ở với ông bà, con cháu không học được những phép tắc do ông bà cha mẹ chỉ bảo nên không được uốn nắn, và có thể không giữ được lề lối gia phong, lâu dần sinh ra coi thường hoặc đánh mất dần những nét đẹp văn hóa lề lối của một gia đình phép tắc, kính trên nhường dưới. Điều này nếu không được chấn chỉnh thì sẽ sinh ra nhiều những câu chuyện đau lòng về sự bất kính, bất hiếu đối với ông bà cha mẹ mà ta thi thoảng vẫn bắt gặp đâu đó.

PV: Tháng Bảy, theo truyền thống còn có lễ Xá tội vong nhân, nghĩa là những linh hồn tội lỗi cũng được tha tội, mang hàm ý nhắc nhở mỗi người về tình yêu thương, về lòng nhân ái, không chỉ yêu thương cha mẹ, anh em mình mà thương yêu mọi người trong xã hội, thương yêu đồng loại nói chung. Vậy làm thế nào để nhân tháng Xá tội vong nhân chúng ta nhân lên trong cộng đồng tình yêu thương đó?

PSG-TS Nguyễn Quang Hồng: Ở tất cả các nhà chùa hay ở tại gia đình, mỗi dịp lễ báo hiếu các nhà tu hành đều mong muốn những người tham gia chỉ cần sự thành tâm. Sự thành tâm không cần phải mâm cao cỗ đầy, lễ vật linh đình, có sao thì lễ vậy.

Điều quan trọng là nhân dịp lễ Vu Lan, tháng Xá tội vong nhân, chúng ta có điều kiện nhân lên những điều tốt đẹp trong cộng đồng, đó là sự sẻ chia, tương thân tương ái, là lòng trắc ẩn đối với những phận đời kém may mắn. Vậy nên, khi thực hiện những nghi lễ này dù ở nhà chùa hay tại gia thì chúng ta đều thấm đẫm được tinh thần ấy. Vậy thì trong buổi lễ này cũng là dịp gia đình được sinh hoạt ấm cúng, được nhắc nhớ nhau về những điều tốt đẹp nên thực hành trong cuộc sống, về những yêu thương luôn dành cho nhau trong gia đình và cả trong cộng đồng, xã hội, về cả những điều tử tế mà ta cần phải hướng đến và thực hành thường xuyên trong cuộc sống.