Vụ linh mục đánh người ở An Hòa: Có dấu hiệu cấu thành tội phạm

(Baonghean.vn) - Sau khi các sự việc ‘vô cớ đánh người, gây rối trật tự công cộng’ ở xã An Hòa (huyện Quỳnh Lưu) xảy ra, trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự cho biết:

Thứ nhất, căn cứ vào tính chất và diễn biến hành vi, có thể thấy hành vi của linh mục Đặng Hữu Nam có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 245, Bộ luật Hình sự :

“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.”

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật -Ảnh minh họa
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật  - Ảnh minh họa

Thứ hai, Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan điều tra xác định được tỉ lệ thương tật của nạn nhân trên 11% thì hành vi của linh mục và nhóm thanh niên đánh người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích”.

Liên quan đến việc anh Hồ Vĩnh Lai bị đánh thì linh mục Đặng Hữu Nam cũng có thể bị xem xét xử lý với vai trò đồng phạm theo quy định tại Điều 20, Bộ luật hình sự :

 “1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”.

Mặt khác, về trách nhiệm dân sự, những người bị hại cũng có thể chuẩn bị các chứng cứ để khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền, yêu cầu Linh mục Nam và những người có liên quan bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Theo chúng tôi, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, họ được làm những gì mà pháp luật không cấm, khi vi phạm, bất kể người đó là ai, nếu có căn cứ, phải được xử lý kịp thời, khách quan, đúng pháp luật.

Tiến sỹ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải

TIN LIÊN QUAN

Tin mới