Vụ nhập lậu thuốc điều trị ung thư giả: 'Nghi ngờ có sự bao che'

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, khẳng định Cục Quản lý dược không thể vô can trong vụ nhập lậu thuốc điều trị ung thư giả của Công ty CP VN Pharma.

Trả lời báo chí, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Khánh Phong Lan cho rằng việc Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma Nguyễn Minh Hùng chịu mức án 12 năm tù là quá nhẹ, xử sai tội và sẽ tạo tiền lệ rất bất lợi cho các vụ bán thuốc giả sau này.

Tránh tạo tiền lệ xấu

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, các bị cáo của Công ty CP VN Pharma, trong đó có ông Nguyễn Minh Hùng, đã vi phạm Bộ Luật Hình sự với tội kinh doanh thuốc giả chứ không phải buôn lậu. Hình phạt cao nhất cho tội kinh doanh thuốc giả là tử hình và cần phải xử nghiêm các bị cáo để răn đe hành vi vô nhân đạo này tái diễn. Bà cũng cho rằng trách nhiệm của Bộ Y tế cũng như Cục Quản lý dược rất lớn, không thể nói là không chịu trách nhiệm hoặc trách nhiệm một phần nhỏ trong sai phạm của Công ty CP VN Pharma.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan trong một lần chất vấn trước Quốc hội.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan trong một lần chất vấn trước Quốc hội.

Từng làm phó giám đốc Sở Y tế TP HCM phụ trách mảng dược, bà Phạm Khánh Phong Lan đã nghe nhiều doanh nghiệp "kêu" để được cấp một số đăng ký thuốc không dễ dàng, nhiều doanh nghiệp đã nộp đầy đủ hồ sơ mà vẫn mất rất nhiều thời gian mới được cấp, thậm chí bị chặn lại khi cơ quan chức năng thấy nghi ngờ. Thế nên việc Công ty CP VN Pharma được cấp phép nhập khẩu lô thuốc ung thư giả nói trên trong thời gian nhanh chóng khiến dư luận có quyền đặt dấu hỏi về sự trong sáng của cơ quan chức năng Bộ Y tế.

"Nếu nói khi cấp phép không biết thuốc này là thuốc giả thì vô lý. Công ty nước ngoài cung cấp thuốc là công ty ma như thế, chỉ cần lên mạng tìm tên thuốc H-Capita là ra ngay có công ty nào phân phối hay không, làm sao có thể dễ dàng qua mặt Cục Quản lý dược như vậy được. Tôi nghi ngờ có sự bao che ở đây. Đáng lo nữa là có 7 mặt hàng khác do VN Pharma nhập về đã bán hết rồi" - bà Lan nói.

Trước đó, chính bà Phạm Khánh Phong Lan và 1 ĐBQH khác đã chất vấn Bộ Y tế về vụ việc này tại kỳ họp QH nhưng Bộ Y tế lúc đó trả lời là "không có chuyện gì" và cũng không có biện pháp xử lý cán bộ liên quan. Sau đó, một số lãnh đạo, cán bộ của Cục Quản lý dược vẫn được thăng chức. "Ngay cả lãnh đạo Cục Quản lý dược chịu trách nhiệm trong giai đoạn này còn được lên chức thì tôi cũng không hiểu nổi và muốn được làm rõ có sự bao che hay không? Tôi đồng tình với việc tòa kiến nghị làm rõ hành vi của các cá nhân là cán bộ Cục Quản lý dược" - bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Cần điều tra rõ hơn

Theo ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, việc xuất nhập khẩu thuốc chữa bệnh đều có quy trình. Nếu không thực hiện đúng quy trình, tùy vào lỗi có thể xử lý tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" hoặc tội "Cố ý làm trái trong quản lý kinh tế nhà nước" hoặc là hành vi gần như bỏ mặc, tiếp tay cho tội phạm.

Trong trường hợp này, phải làm rõ thêm những dấu hiệu cần thiết để từ đó phân ra trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm về quản lý hành chính hay trách nhiệm nào khác. Nếu sau khi điều tra, xác minh có đủ cơ sở cấu thành một trong những tội danh trên thì có thể khởi tố những người liên quan.

Về công văn do Cục Quản lý dược đồng ý cho phép Công ty CP VN Pharma nhập khẩu thuốc qua Công ty Austin (Hồng Kông) nhưng giấy phép hoạt động tại Việt Nam của công ty này đã hết hạn gần 2 tháng, ông Long cho rằng đã hết hạn mà vẫn tiếp tục cho phép nhập thì sai về mặt quy trình.

"Việc này sai hoàn toàn so với những thỏa thuận trong hợp đồng, điều kiện ràng buộc trong phạm vi hợp đồng. Sai về thủ tục hành chính và sai luôn cả nội dung hợp đồng kinh tế. Trong trường hợp này thể hiện rõ hành vi cố ý làm trái trong quản lý về kinh tế" - ông Long phân tích.

Nếu chứng minh mua bán thuốc giả, phải xử tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" theo điều 157 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt rất nặng lên đến tử hình. Ở tội danh này, không cần gây hậu quả mà chỉ cần biết đó là thuốc giả. Giả ở đây có thể là nhãn hiệu, thời hạn sử dụng… Tuy nhiên, cần phải có cơ sở để chứng minh hàng giả, không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

"TAND TP HCM đã tuyên một hình phạt, tội danh tương xứng và kiến nghị trên tinh thần nghiêm minh. Nhưng tôi còn băn khoăn rằng dư luận xã hội, truyền thông vẫn có quan điểm cho rằng đó là hàng giả thì cần điều tra, xác định tội danh để xét xử nghiêm khắc hơn" - ông Long nói.

Theo ông Long, nếu đủ căn cứ xác định các bị cáo biết đó là hàng thay đổi mẫu mã, thay đổi chất lượng thuốc thì cần xử lý tội làm hàng giả là thuốc tây chứ không phải tội buôn lậu. Lúc này sẽ xử lý luôn tội danh quy định ở điều 157 Bộ Luật Hình sự./.

Theo Người lao động

TIN LIÊN QUAN

Tin mới