Vui chuyện mới ở Thạch Ngàn…

Chuyến ngược lên xã Thạch Ngàn của chúng tôi vào sáng 12/7 vừa qua. Đang trong chuỗi ngày nắng nóng triền miên, cảnh vật ở vùng khó này thêm tiêu điều xơ xác. Nhìn những hệ thống mương khô cạn nước, những cánh đồng phơ phếch bạc chưa thể canh tác vụ hè thu, băn khoăn nghĩ: Cỏ đâu ra để bà con tổ chức chăn nuôi bò? Trong đoàn vào bản Bá Hạ thăm đồng bào Đan Lai có Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Ngàn Vi Văn Biên, nghe trao đổi đã nói: Xong việc, mời các anh về thăm bản Đông Thắng, là nơi xã chọn triển khai Chương trình Ngân hàng bò.

Bản Đồng Thắng, xã Thạch Ngàn trong những ngày nắng hạn.
Bản Đồng Thắng, xã Thạch Ngàn trong những ngày nắng hạn.

Chiều cùng ngày, cùng với các anh Vi Văn Biên, Vi Văn Diệu là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Ngàn; chị Lương Thị Thắng – Trưởng bản Đồng Thắng, chúng tôi tìm đến những hộ nghèo tham gia Chương trình Ngân hàng bò. Gia đình ông Lô Văn Kinh, bà Lộc Thị Bình là một trong những hộ ấy. Có thâm niên làm cán bộ bản, nên chị Thắng hiểu rất rõ hoàn cảnh của gia đình ông Kinh. Chị kể, ông Lô Văn Kinh có hoàn cảnh hết sức đặc biệt, nhà nghèo lại bị tật bẩm sinh không thể nói năng. Đến cả việc lấy vợ, là bà Lộc Thị Bình quê ở xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn cũng là nhờ tác hợp của gia đình, bà con thôn, bản. Nay nhờ chính sách của Nhà nước, sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và bà con trong bản, gia đình ông Kinh đã có 2 gian nhà xây, có bò sinh sản để nuôi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thể ra khỏi hộ nghèo.

Gia đình ông Kinh ở trên một mỏm đồi thoải, kề với nhà của gia đình người con trai. Toàn bộ diện tích đất vườn ông đều trồng cỏ voi để chăn nuôi bò. Ông Kinh vóc người nhỏ thó, da đen cháy, thấy khách đến thì tất tả chạy ra đón rồi liên tục khua tay, miệng u ơ điều gì đó. Trưởng bản Lương Thị Thắng thấy vậy đỡ lời: “Ngày nào ông Kinh cũng tự mình đưa bò đi ăn. Chiều hôm nay biết sẽ có khách đến nên ông giữ bò tại chuồng. Ý ông là muốn nói mời mọi người ra thăm đấy”. Chuồng trại nuôi bò của nhà ông Kinh khá thoáng mát, sạch sẽ, bên cạnh có kho chứa rơm. Trong chuồng, có 1 con bò mẹ và 2 thế hệ bê cách nhau chừng 5 – 6 tháng tuổi, có màu da vàng cam óng mượt, sung sức.

Ông Lô Văn Kinh và số bò, bê hiện có từ Chương trình Ngân hàng bò.
Ông Lô Văn Kinh và số bò, bê hiện có từ Chương trình Ngân hàng bò.

Cùng ông Kinh cho bò ăn cỏ voi, cô con dâu là chị Hà Thị Hường cho hay, năm 2022, gia đình được Chương trình Ngân hàng bò hỗ trợ 12 triệu đồng để mua bò sinh sản. Khi mua, đã chọn mua được hai mẹ con bò. Sau một thời gian, bò mẹ có thai sinh thêm được 1 bê. “Ông chăm chúng còn hơn bản thân. Từ khi mua đến nay, cứ suốt ngày quanh quẩn bên chúng. Các anh cứ hỏi, ông không nói được nhưng vẫn nghe đấy…”. Nghe Hường nói thì hỏi ông Kinh: Bác thấy việc nuôi bò sinh sản thế nào, có vui không? Có ý định nuôi lâu dài hay mai này bán lấy tiền? Ông cười, rồi lắc lắc đầu, khua tay. Chị Hường “phiên dịch”: “Ông không bán đâu, phải thực hiện đúng cam kết, nuôi bò mẹ trong 5 năm. Bây giờ ông có 1 bò sinh sản và 2 con bê. Một con bê tới đây sẽ chuyển giao cho gia đình khác. Ông sẽ nuôi lâu dài để có thêm nhiều bò…”.

Rời nhà ông Lô Văn Kinh, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lô Thị Thúy, anh Lương Văn Nguyên. Chị Thúy có ngôi nhà ở được dựng trong khu vườn của gia đình nhà chồng. Diện tích đất được bố mẹ cho, ngoài dựng nhà thì trồng cỏ voi, nay mọc um tùm. Chị Thúy kể, chồng làm công nhân ở Hà Nội, mỗi tháng gửi về cho 2 mẹ con khoảng 4 triệu đồng. Khi hai vợ chồng cưới nhau ra ở riêng thì không có tài sản gì. Thế nên, khi được Nhà nước cho 12 triệu đồng mua bò rất là vui. Hỏi chị Thúy: Khi giao tiền, cán bộ dự án có yêu cầu gì không? Chị Thúy cười nói: “Thì cấp trên nhắc là phải mua bò mẹ. Yêu cầu phải trồng cỏ, phải chăn nuôi cho tốt…”. Rồi chị cho biết, khi kể với chồng việc cấp trên cho tiền nuôi bò, anh vui lắm, lần nào gọi điện về cũng nhắc “Em phải nuôi bò, nuôi con cho tốt…”.

Từ Chương trình Ngân hàng bò, gia đình chị Lô Thị Thúy đã có được hai mẹ con bò.
Từ Chương trình Ngân hàng bò, gia đình chị Lô Thị Thúy đã có được hai mẹ con bò.

Chị Thúy hiện nay đã có một cặp mẹ con bò trọng lượng xấp xỉ nhau; bò mẹ đã tiếp tục có chửa. Chị Thúy phấn khởi: “Gia đình em gặp may vì khi mua được bò của anh em trong làng lúc đang có chửa. Mua bò tháng 4/2022 thì đến tháng 11 đã sinh bê. Nay lại bò mẹ tiếp tục có chửa, ít tháng nữa nhà lại có thêm bê mới”. Hỏi vui chị Thúy: Con bê nay đã được 8 tháng, cũng đã lớn gần bằng bò mẹ, phải chuyển giao thì có tiếc không? Chị Thúy cười giòn: “Tiếc chứ. Nhưng “luật” là như thế, mình phải chuyển giao để cấp trên cho gia đình khác có bò nuôi như mình…”.

Cách nhà chị Lô Thị Thúy vài khoảnh ruộng cạn, có gia đình anh chị Lô Văn Chương, Nguyễn Thị Hai cũng được hỗ trợ mua bò sinh sản. Khi mua, vợ chồng này đã góp thêm 2,5 triệu đồng để mua 1 con bò mẹ bản địa đã có chửa 4 tháng. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay khó có thể nhận biết đâu là bò mẹ, đâu là bê con. Theo lời chị Nguyễn Thị Hai, năm 2022, gia đình chị đang thuộc diện hộ nghèo. Nhờ có Chương trình Ngân hàng bò, lại được hưởng chính sách hỗ trợ 40 triệu đồng cất lại ngôi nhà mới, gia đình anh chị đã ra khỏi hộ nghèo. Chị Hai nói: “Gia đình em làm nông nghiệp, cũng còn khó khăn. Nhưng là vợ chồng trẻ, cũng đã nhà, có bò…, như thế cũng đã tạm ổn nên ra khỏi hộ nghèo để nhường suất cho gia đình khác. Em rất cảm ơn Nhà nước đã hỗ trợ cho gia đình…”.

Chị Nguyễn Thị Hai phấn khởi với những con bò của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hai phấn khởi với những con bò của gia đình.

Xã Thạch Ngàn là nơi đón 80 hộ đồng bào Đan Lai về sinh sống tại các bản Thạch Sơn, Bá Hạ. Từ lõi rừng Pù Mát về nơi ở mới, đời sống của đồng bào Đan Lai hết sức khó khăn, nhất là những hộ ở bản Bá Hạ do mới về đây từ năm 2019, đồng ruộng được giao có thể trồng cây lúa kiếm cái ăn rất là hạn hẹp. Vì vậy, nghe các cán bộ xã Thạch Ngàn giới thiệu anh Vi Văn Diệu – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, đồng thời là Bí thư Chi bộ bản Bá Hạ thì đã hỏi tại sao chỉ triển khai Chương trình Ngân hàng bò ở bản Đồng Thăng, mà không triển khai ở các bản Thạch Sơn, Bá Hạ?

Theo Bí thư Chi bộ Vi Văn Diệu, đồng bào Đan Lai khi về xã Thạch Ngàn đều đã được hỗ trợ trâu, lợn và gia cầm. Thời gian sống tại nơi ở mới đã dăm năm nhưng tư duy về chăn nuôi của đồng bào vẫn chưa thay đổi, vẫn thả rông chứ chưa biết làm chuồng trại để chăm sóc tại gia. Vì vậy, với việc nuôi bò sinh sản thì cần phải có một thời gian “cầm tay, chỉ việc”. Chỉ khi nào lựa chọn những hộ thực sự có khả năng thì mới báo cáo cấp trên cho phép tham gia. Nghe vậy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vi Văn Biên góp lời: “Sở dĩ bản Đồng Thắng được lựa chọn vì trong tổng số 123 hộ thì chỉ còn 12 hộ nghèo. Thực hiện Chương trình Ngân hàng bò với 10 hộ tham gia, chúng tôi hy vọng bản Đồng Thắng sẽ sớm xóa được hộ nghèo. Còn với đồng bào Đan Lai, sẽ cần thời gian để tìm nhân tố hướng dẫn kỹ thuật, đến khi tạo được ý thức, thuần thục về cách thức chăn nuôi thì mới có thể tham gia chương trình…”.

Cùng chúng tôi xuống bản Đồng Thắng còn có anh Nguyễn Quốc Đại – chuyên viên Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông. Là người sát việc, nên anh kể rành rọt về hoàn cảnh ra đời của Chương trình Ngân hàng bò. Theo anh Đại, những năm qua, cũng như các huyện núi cao của tỉnh, huyện Con Cuông được Đảng và Nhà nước quan tâm, cho thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội. Vậy nhưng, Con Cuông vẫn là huyện miền núi nghèo, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn. Toàn huyện có 12 xã, thì có đến 9 xã thuộc tốp đặc biệt khó khăn; có 3.600 hộ nghèo, trong đó, có đến hơn 3.400 hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số.

Anh Nguyễn Quốc Đại - chuyên viên Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông kiểm tra bò sinh sản ở gia đình chị Lô Thị Thúy.
Anh Nguyễn Quốc Đại - chuyên viên Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông kiểm tra bò sinh sản ở gia đình chị Lô Thị Thúy.

Về cuộc sống của đồng bào huyện Con Cuông vẫn chủ yếu dựa vào nghề nông, nhưng thiếu vốn, thiếu kỹ thuật để có thể tự chủ phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Mặt khác, trên địa bàn vẫn chưa có nhiều mô hình xóa đói, giảm nghèo bền vững hiệu quả. Trước thực tế này, cấp ủy, chính quyền huyện đã đề ra yêu cầu cần phải xây dựng được nhiều mô hình “Dân vận khéo”, giúp hộ nghèo vốn, kỹ thuật, khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương với mục tiêu hướng đến phải xóa nghèo bền vững.

Trên tinh thần đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã lựa chọn thực hiện Chương trình Ngân hàng bò, với tên gọi đầy đủ là Dự án “Phát triển chăn nuôi bê cái sinh sản tạo sinh kế để hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững”. Vào năm 2020, được sự đồng ý của Ban Thường vụ Huyện ủy và Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ, Chương trình Ngân hàng bò với nguồn kinh phí trích từ Quỹ “Vì người nghèo” đã được triển khai với mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển chăn nuôi bò cái bản địa và bò lai sind; qua đó, tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập; từng bước nhân rộng mô hình; góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Để được tham gia Chương trình Ngân hàng bò, các hộ phải tuân thủ một số điều kiện bắt buộc. Cụ thể, trước tiên phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc các xã trên địa bàn. Đồng thời, các hộ phải có đơn tự nguyện tham gia dự án và có bản cam kết tham gia dự án. Ban Quản lý dự án cấp xã cũng phải có trách nhiệm xét duyệt, đảm bảo chủ hộ gia đình tham gia phải có đủ năng lực hành vi dân sự, có khả năng tiếp thu kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, có lao động đủ sức khỏe để chăn nuôi bò; và đồng thời, phải có ít nhất 500m2 đất để trồng cỏ, đảm bảo thức ăn cho bò.

Ông Lô Văn Kinh và vợ cắt cỏ voi cho bò và bê ăn.
Ông Lô Văn Kinh và vợ cắt cỏ voi cho bò và bê ăn.

Về quy trình thực hiện, hộ gia đình được hỗ trợ vốn để mua bò sinh sản. Từ năm thứ 2 trở đi, bò dự án sẽ sinh sản. Bê con sẽ được chăm sóc đến khoảng 9-10 tháng tuổi, có trọng lượng tương đương bò mẹ thì cũng là lúc Ban Dự án thu hồi vốn. Tức là hộ gia đình sẽ bàn giao bê cho Ban Quản lý dự án để chuyển giao cho hộ gia đình nghèo khác trên địa bàn. Theo anh Nguyễn Quốc Đại, chương trình bắt đầu được thực hiện từ năm 2020, trên địa bàn 3 xã Môn Sơn, Lạng Khê, Cam Lâm với 30 con bò mẹ địa phương. Số bò này đến nay đã cho 23 con bê, và đã thực hiện chuyển giao 21 con cho 21 hộ gia đình kế tiếp. Năm 2021, chương trình được thực hiện trên địa bàn 5 xã Bình Chuẩn, Đôn Phục, Mậu Đức, Đôn Phục, Châu Khê, Lục Dạ, với 50 hộ gia đình tham gia. Các gia đình được hỗ trợ 15.000.000 đồng, với tổng số tiền 750.000.000 đồng để mua 50 con bò cái giống lai sind. Đến nay, hầu hết các hộ đều đảm bảo được công việc chăn nuôi, bò phát triển tốt, nhưng vì là bò lai sind nên chậm sinh sản. Còn ở năm 2022, chương trình tiếp tục được thực hiện trên địa bàn 3 xã Chi Khê, Yên Khê, Thạch Ngàn với 30 con bò giống, tổng số tiền 360.000.000 đồng. Đàn bò giống này sau 1 năm đã sinh sản được 20 con bê, trong đó, ở xã Chi Khê đã chuyển giao 2 con bê cho 2 gia đình kế tiếp.

“Sau 3 năm thực hiện, từ 110 con bò giống ban đầu, đã sinh sản được thêm 44 con. Do có 7 con bị bệnh chết, nên tổng số đàn bò của chương trình là 148 con, trong đó, đã chuyển giao được 24 con cho 24 hộ gia đình nghèo. Ước tính bình quân giá trị mỗi con 15.000.000 đồng, tổng vốn của chương trình hiện là 2,2 tỷ đồng, so với số vốn của cả 3 năm cộng lại, thì đã có lãi khoảng 800 triệu đồng. Từ kết quả này, Ban Thường trực Ủy MTTQ huyện đánh giá đây là mô hình thực sự có hiệu quả…”.

Anh Vi Văn Diệu - Phó Chủ tịch MTTQ xã Thạch Ngàn thăm bò sinh sản của gia đình ông Lô Văn Kinh.
Anh Vi Văn Diệu - Phó Chủ tịch MTTQ xã Thạch Ngàn thăm bò sinh sản của gia đình ông Lô Văn Kinh.

…Chúng tôi rời xã Thạch Ngàn khi bóng chiều đã ngả. Trên đường về, liên lạc với Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông – anh Phạm Trọng Bình để hỏi cá nhân anh có suy nghĩ gì về Chương trình Ngân hàng bò. Câu trả lời của anh là: “Dù lần đầu tiên triển khai nhưng đây là một chương trình khá hiệu quả, được cán bộ, nhân dân rất đồng thuận, tuân thủ đúng theo kế hoạch của tổ chức Mặt trận huyện xây dựng. Tôi đã vài lần nói vui trên Facebook cá nhân “cảm giác chuyến đi buôn này có lãi”. Nhưng quả thật người dân tham gia chương trình đã rất trách nhiệm, có ý thức về số tiền Quỹ “Vì người nghèo” mà các tập thể, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đã đóng góp, trao cho họ. Từ ý thức của họ, đã biến những đồng tiền ý nghĩa đó trở nên có ý nghĩa hơn. Vì vậy, chương trình này sẽ tiếp tục được rót vốn và nhân rộng…”.