Vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào | Bài 1: Nghĩa tình núi liền núi, sông liền sông

Mường Típ, Mường Ải là 2 xã biên giới của huyện Kỳ Sơn có nhiều bản làng cheo leo trên các triền núi, giáp biên với nước bạn Lào. Nơi đây đã có 2 cặp bản hai bên biên giới Việt – Lào ký kết nghĩa. Đó là bản Ta Đo (xã Mường Típ) và bản Na Mương (cụm bản Phà Vén, huyện Nọong Hét, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào); bản Loong Hô (cụm Xám Chè, huyện Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng) và bản Huồi Khe (xã Mường Ải). Trong đó, Ta Đo là bản đầu tiên thuộc huyện Kỳ Sơn thực hiện chủ trương ý nghĩa này.

Lễ ký kết nghĩa giữa bản Phà Chiếng, xã Mỹ Lý với bản Pủng Vái, cụm bản Phà Đánh, huyện Mường Quắn, Lào. Ảnh: Hoài Thu
Lễ ký kết nghĩa giữa bản Phà Chiếng, xã Mỹ Lý với bản Pủng Vái, cụm bản Phà Đánh, huyện Mường Quắn, Lào. Ảnh: Hoài Thu

Ông Lương Xuân Liễu – Bí thư Chi bộ bản Ta Đo nhớ lại, năm 2014, Ban Quản lý và nhân dân bản Ta Đo đã cùng với cán bộ và nhân dân bản Na Mương làm lễ kết nghĩa. Từ đó đến nay, nhân dân của xã Mường Típ và các cụm bản bên kia biên giới của nước bạn Lào vẫn duy trì truyền thống qua lại thăm thân, giao lưu văn hóa, nhất là các dịp lễ, Tết. Ông Liễu với thâm niên hơn 20 năm làm Trưởng bản, Bí thư Chi bộ, nhiều lần được bản Na Mương mời sang giao lưu. Ông nhớ nhất là lần cùng đoàn cán bộ và người dân bản Ta Đo sang nước bạn để dự lễ đón nhận danh hiệu Bản Văn hóa Na Mương. “Hai bản ai cũng vui mừng, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp và hứa sẽ luôn giữ truyền thống đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tình thắm thiết như anh em một nhà” – ông Liễu kể.

Hai năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, sự qua lại có phần hạn chế, nhưng Ban Quản lý bản Ta Đo cũng như chính quyền, người dân xã Mường Típ, Đồn Biên phòng Mường Ải vẫn quyên góp mỳ tôm, gạo, muối, các loại thực phẩm và thuốc men hỗ trợ người dân của các bản nước bạn bên kia biên giới. “Nay dịch Covid-19 gần như bị đẩy lùi, các hoạt động thăm hỏi, giao lưu giữa nhân dân bản Ta Đo và dân bản Na Mương đã nối lại” – ông Lương Xuân Liễu vui vẻ cho biết thêm.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn và huyện Noọng Hét (tỉnh Xieng Khoảng, Lào) trao tặng quà thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị. Ảnh: Duy Khánh.
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn và huyện Noọng Hét (tỉnh Xieng Khoảng, Lào) trao tặng quà thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị. Ảnh: Duy Khánh.

Để hiểu thêm về những gắn bó thiết thực, khăng khít giữa nhân dân sống dọc hai bên biên giới Việt – Lào ở huyện Kỳ Sơn, chúng tôi tiếp tục đến xã Mỹ Lý, một trong những địa bàn có nhiều cặp bản – bản hai bên biên giới ký kết nghĩa. Gặp lại chị Vi Thị Hoa – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mỹ Lý, tay bắt mặt mừng, chị cùng chúng tôi ôn lại kỷ niệm vui tươi của Lễ kết nghĩa giữa Hội Phụ nữ xã Mỹ Lý và Hội Phụ nữ cụm bản Loọng Cáng, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào) vào năm 2018 mà chúng tôi đã được mời đến tham dự, đưa tin.

Chị Hoa cho biết, từ năm 2018 đến nay, hội phụ nữ hai bên cũng như chính quyền xã Mỹ Lý và nhân dân các bản kết nghĩa với các đơn vị, cụm bản của nước bạn Lào vẫn thường xuyên thăm hỏi, liên lạc gắn bó như bao đời nay. Hiện ở xã Mỹ Lý đã có 3 bản ký kết nghĩa với các bản giáp biên của Lào. Đó là bản Cha Nga với bản Xốp Cắng, cụm bản Loọng Cáng, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào); bản Phà Chiếng với bản Pủng Vái, cụm bản Phà Đánh, huyện Mường Quắn; và bản Nhọt Lợt với 3 bản: Thẩm Khướng, Huồi Bá, Huồi Ngua thuộc cụm bản Mường Dương, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, nhân dân hai bên hạn chế qua lại, thăm thân nhưng vẫn luôn trao đổi thông tin, nắm tình hình và cùng động viên nhau vượt qua khó khăn, dịch bệnh.

Được biết, đến nay, huyện Kỳ Sơn đã có 15 cặp bản, 2 chi hội đoàn thể và 3 đơn vị vũ trang ký kết nghĩa với các bản, cụm bản và đơn vị của nước bạn Lào. Các huyện khác như Quế Phong, Tương Dương, Thanh Chương cũng triển khai hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”, Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tổ chức phong trào kết nghĩa giữa các cụm dân cư (bản – bản) hai bên tuyến biên giới Việt Nam – Lào. Đến nay, tỉnh Nghệ An đã tổ chức ký kết được 21 cặp bản – bản hai bên biên giới. 10 năm qua các cặp bản kết nghĩa “cùng nghe chung tiếng gà gáy sáng” đã tổ chức được 187 buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tổ chức được 367 đoàn sang thăm hỏi, tặng quà và tiền nhân dịp các ngày lễ, Tết trị giá 700 triệu đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị và nhân dân hai bên biên giới đã tích cực giúp nhau trong tuyên truyền phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh được 15 đợt/715 lượt người tham gia, quyên góp được gần 50 triệu đồng và nhiều nhu yếu phẩm khác. Hai bên đã kịp thời thông báo cho nhau tình hình dịch bệnh xảy ra ở thôn, bản mình và phối hợp phòng, chống không để lây lan qua biên giới, thường xuyên tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ về vật chất, động viên về tinh thần những khi gặp khó khăn, hoạn nạn do hậu quả thiên tai gây ra.

Trong lao động, sản xuất, nhân dân hai bên biên giới giúp nhau bằng các việc làm rất thiết thực như: Hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và tư vấn tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nhằm tăng giá trị thu nhập. Riêng các xã, bản của tỉnh Nghệ An đã giúp các bản đối diện về vật chất, kinh phí với trị giá hàng trăm triệu đồng để mua cây, con giống và các thiết chế văn hóa; tiêu biểu là cặp bản Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong với bản Nậm Táy, cụm bản Viêng Phăn của nước bạn Lào. Để góp phần tiêu thụ sản phẩm ở khu vực biên giới gồm cả của nước bạn Lào, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Nhà máy tinh bột sắn huyện Thanh Chương, đầu tư vùng nguyên liệu sắn tại bản Xốp Tờng, cụm bản Nậm On, huyện Xayxamphon, tỉnh Bôlykhămxay.

Với phương châm “chủ động, sáng tạo, linh hoạt” những năm qua, cấp ủy, chính quyền các huyện biên giới của tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần gìn giữ và phát triển mối quan hệ truyền thống giữa Nghệ An và các tỉnh giáp biên của Lào. Điển hình như huyện Kỳ Sơn – địa phương có 203,409 km đường biên tiếp giáp với 4 huyện thuộc 3 tỉnh của nước bạn Lào. Vùng biên giới  có 56 bản, chiếm 29% số bản của huyện, trải dài trên địa bàn 11 xã; có Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Cửa khẩu phụ Ta Đo và 30 đường mòn, lối mở. Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết: Là “cửa ngõ”, “phên dậu”, với vị trí “cánh cửa ngoại giao” đặc biệt của tỉnh Nghệ An và cả nước, huyện Kỳ Sơn xác định đối ngoại là nhiệm vụ then chốt. Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quán triệt, giao các xã thường xuyên trao đổi thông tin, tăng cường kết nối về mọi mặt với các bản nước bạn Lào để chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, huyện Kỳ Sơn cũng coi trọng đặc biệt công tác đối ngoại nhân dân để thực hiện mục tiêu “3 yên” (yên dân, yên địa bàn, yên biên giới) mà Đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.

Huyện Kỳ Sơn tham gia hoạt động kỷ niệm năm đoàn kết Việt - Lào do huyện Nọong Hét tổ chức. Ảnh: Dương Tình
Huyện Kỳ Sơn tham gia hoạt động kỷ niệm năm đoàn kết Việt - Lào do huyện Nọong Hét tổ chức. Ảnh: Dương Tình

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, huyện Kỳ Sơn đã tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với các huyện Noọng Hét, Mường Moọc, Mường Khăm, Mường Pệc (tỉnh Xiêng Khoảng) và Mường Quắn (tỉnh Hủa Phăn) của nước bạn Lào. Xác định đây là các đối tác truyền thống, huyện thường xuyên phối hợp với các huyện, xã của nước bạn  tổ chức giao ban, trao đổi thông tin, nắm tình hình chấp hành các hiệp định về biên giới, phòng, chống tội phạm, di cư tự do, kết hôn trái phép trong khu vực biên giới, kịp thời giải quyết các tình huống cấp bách…

Năm 2022, sau một thời gian dài bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động giữa huyện Kỳ Sơn và các tỉnh giáp biên của nước bạn Lào đã bắt đầu được khởi động trở lại. Nổi bật là sự kiện chợ biên giới Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn mở cửa trở lại vào ngày 1/5/2022.  Cũng trong tháng 5/2022, huyện Kỳ Sơn đã nối lại việc tổ chức giao ban định kỳ với các huyện Noọng Hét, Mường Mọc, Mường Khăm, tỉnh Xiêng Khoảng và huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào để trao đổi về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, đánh giá kết quả hợp tác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và công tác đảm bảo chủ quyền tuyến biên giới. Bên cạnh đó, huyện đã cử 2 đoàn công tác đi chúc Tết Bunpimay ở huyện thuộc các tỉnh giáp biên của Lào; tiếp 9 đoàn nước bạn sang thăm Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 10/8/2022, huyện đã thành lập đoàn công tác do đồng chí Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn dẫn đầu sang huyện Nọong Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) để tham dự Lễ diễn thuyết Năm Đoàn kết hữu nghị Việt – Lào 2022…

Còn tại huyện Tương Dương, nơi có 59,73 km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào, ngoài thực hiện kết nghĩa giữa các cặp bản – bản, huyện cũng tạo điều kiện cho cho nhân dân hai bên biên giới qua lại thăm thân và trao đổi hàng hóa. Ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay: Kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại chính quyền và đối ngoại nhân dân, UBND huyện duy trì tốt mối quan hệ kết nghĩa với huyện Viêng Thoong, tỉnh Bôlykhămxay và huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào.

Người dân bản Pủng Vái (Lào) tham dự lễ ký kết nghĩa giữa 2 bản Việt - Lào (ảnh trái) và một góc bản Pủng Vái. Ảnh: Hoài Thu
Người dân bản Pủng Vái (Lào) tham dự lễ ký kết nghĩa giữa 2 bản Việt - Lào (ảnh trái) và một góc bản Pủng Vái. Ảnh: Hoài Thu

Ngoài kết nghĩa với các huyện bên kia biên giới, huyện Tương Dương còn kết nghĩa với huyện ở nội địa nước bạn Lào, đó là huyện Mường Khăm của tỉnh Xiêng Khoảng. Mường Khăm không phải là huyện sát đường biên giới Việt – Lào, nhưng lại là địa phương có đồng bào dân tộc Ơ đu như ở huyện Tương Dương. Thời kỳ Đảng và nhân dân Lào đang thực hiện kháng chiến cứu quốc, chính quyền huyện Mường Khăm đã có thời gian di tản sang Việt Nam, đóng tại huyện Tương Dương và được chính quyền, nhân dân huyện Tương Dương đùm bọc, giúp đỡ. Sau này, cùng với ân tình kề vai, sát cánh giúp đỡ nhau trong chiến tranh, cộng với sự tương đồng về văn hóa, có cùng đồng bào dân tộc Ơ đu sinh sống nên 2 huyện đã cam kết giao ước kết nghĩa, giao lưu trao đổi văn hóa…

Có thể nói, nhờ làm tốt công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng ở các huyện biên giới giáp nước bạn Lào, đã tạo cầu nối phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Nghệ An và các tỉnh của nước bạn, góp phần thắt chặt tình nghĩa Việt – Lào Cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả…”.

(Còn nữa)