Vườn cam đặc sản Hiếu - Đoàn - Hoàn ở quê lúa Yên Thành

(Baonghean.vn) - Sau 4 năm khởi nghiệp, 3 anh em họ Nguyễn Cảnh, Hiếu - Đoàn – Hoàn ở xã Xuân Thành (Yên Thành) đã xây dựng thành công mô hình trang trại trồng cam; trở thành địa chỉ cung cấp cam ngon, sạch uy tín ở quê lúa.
CUỘC GẶP BẤT NGỜ

Một sáng mùa Đông nắng đẹp, đứng nhìn về phía Xanh Gám, tự dưng tôi nhớ câu nói của người xưa về huyện Yên Thành “Trước kho lương, sau rương tiền”. Hơn chục năm về công tác ở huyện nhà, nhiều lãnh đạo huyện từng nhắc đi, nhắc lại câu nói ấy. 
Song, kho lương phía trước thì rõ rồi, đó là những cánh đồng mỗi năm 3 vụ lúa. Nhờ đó, Yên Thành là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho tỉnh nhà một thời, là nguồn lương thực phục vụ cho các cuộc kháng chiến của dân tộc từ xa xưa đến 2 cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này. Riêng cái “Rương tiền” thì quả thật vẫn còn khóa chặt. 
Nghĩ thế, tôi đã hướng đi ngược về phía ấy. Mới cách nhà chừng 4 cây số, xe đang đi trên con đường uốn quanh dãy vườn rừng thuộc xã Xuân Thành xanh ngút ngát, bỗng một cảnh lạ xuất hiện ngay bên cạnh đường. Đó là một khoảnh rừng được phủ kín bằng “màn tuyn” trắng. Dừng xe, một mình bước vào khu vườn cổng mở toang. Gọi mãi mới có một thanh niên chừng ngoài ba mươi tuổi, dáng thanh mảnh và nụ cười tươi ra chào. Hỏi ra đó là Nguyễn Cảnh Đoàn, 1 trong 3 anh em trai nhà Nguyễn Cảnh và là 1 trong 3 ông chủ trang trại cam Hiếu - Đoàn - Hoàn.
Vườn cam được bao bọc bằng lưới UV.
Vườn cam được bao bọc bằng lưới UV.

Thấy tôi vai mang túi, tay máy ảnh, Đoàn hỏi: - Bác là nhà báo ạ? - Ồ không, bác là người về hưu, định cư ở gần đây. - À cháu biết rồi bác là bố vợ anh Cảnh, anh Hiếu... Câu chuyện tự nhiên hơn, sôi nổi hơn...

Đoàn hơi bối rối: - Chúng cháu không có nước uống, mùa này cả ngày dùng cam thay nước uống bác ạ. Nói rồi Đoàn chạy ù ra vườn hái vào khoảng hơn chục quả cam, cắt ra mời khách và cùng ăn. Thú thật nhìn những múi cam vàng như mật ong, rồi miếng cam chạm lưỡi, tôi giật mình vì vị ngọt đậm, thơm. “Cam ngọt và thơm quá” - tôi nói.

NẮM TAY NHAU BẤM CHÍ LÀM ĂN
Nguyễn Cảnh Hiếu, Nguyễn Cảnh Đoàn và Nguyễn Cảnh Hoàn là 3 anh em con ông, bà Nguyễn Cảnh Liệu, Thái Thị Đào ở xóm Bùi Sơn, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Gia đình nghèo, đông con, 1 gái, 3 trai. Ông bà Liệu luôn gắng sức để các con có ăn, có học. Nhờ vậy, các con lần lượt đều tốt nghiệp trung học phổ thông. 
Lớn lên các con của ông bà đều tự tìm việc làm, siêng năng theo cách của cha, mẹ. Từ làm ruộng, học lái xe, lái máy xúc. Rồi cả 3 anh em đều lái xe, lái máy xúc thuê để kiếm sống. Riêng Đoàn đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Vinh (nay là trường đại học) ngành Thiết bị thí nghiệm. Có kiến thức Tin học, nhưng không vào được cơ quan vì nhiều lẽ, Đoàn mở ốt kinh doanh và sửa chữa điện thoại; lại còn ước mơ làm ca sỹ... Nhưng cảnh nghèo cứ đeo đẳng mãi. Một vùng đất được chính quyền cho thuê 50 năm mấy anh em đã chung sức đào bới và trồng hơn chục ha cây keo, cây tràm những mong đổi đời. Nhưng, lúc nắng hạn cây trồng như khát cháy, lúc mưa bão liên miên cây gãy dập nát bán như củi, không đủ tiền vốn mua giống và phân bón. 
2 anh em Hiếu (người đứng) và Đoàn trong vườn cam.
2 anh em Hiếu (người đứng) và Đoàn là ông chủ vườn cam đặc sản nổi tiếng ở huyện Yên Thành.

Khó khăn là vậy, Hiếu xin cha mẹ và bàn với các em: Chú út cố gắng đi xuất khẩu, anh em sẽ gom tiền để chú đi. Cố gắng tạo vốn để mở nghề mới. Bước đầu thành công là em út Nguyễn Cảnh Hoàn sang Hàn Quốc làm việc, hàng năm gửi tiền về để hai anh gây dựng cơ nghiệp. Có tiền, Hiếu và Đoàn quyết định mua thêm 3 ha đất đồi, nâng tổng diện tích đất vườn đồi lên 15 ha ở 3 khu vực và quyết định dành một khu đất cho trồng cây ăn quả. Vấn đề lại là trồng cây gì?

Hai anh em Hiếu và Đoàn chuyên lái xe tải chở thuê, đi được nhiều nơi, nhận ra nhiều điều. Cuối cùng Hiếu và Đoàn thống nhất chọn cây cam Xã Đoài.
Cái khó là đất trong khu vườn rừng hầu hết là cằn cõi, đá sỏi, đến cây tràm, cây bạch đàn còn sống leo lét, thì cam sống ra sao? Hai anh em bàn nhau dùng ô tô nhà chở đất màu từ nơi xa về san bằng và cải tạo 2 ha đất để trồng cam. May mắn thay, khi vừa hoàn thành đất vườn thì ở huyện Yên Thành đã có giống cam Xã Đoài bán rộng rãi. Giữa năm 2015, vườn cam 2 ha mang tên Hiếu - Đoàn - Hoàn ra đời trên đất Bùi Sơn, Xuân Thành.

NGƯỜI YÊU QUÊ, ĐẤT NÂNG BƯỚC CHÂN NGƯỜI

Hiếu tâm sự: Cha mẹ cháu không có tiền, không có của, nhưng cuộc đời lam lũ nuôi con ăn học của ông bà đã để lại cho mấy chị em một cách sống “giàu hay nghèo ở bàn tay, ở ý chí”. Các cháu đã lao động, hết mình, cố gắng và sáng tạo trong từng công việc để có kết quả tốt hơn, nhanh hơn. Mừng là 2 em chăm chỉ, không hề chơi bời, đua đòi như vài thanh niên khác. 
Rồi Hiếu kể tiếp: Sau 4 năm khởi nghiệp trồng cam, đến năm 2019, vụ đầu có quả, mừng lắm. Ngay vụ đầu, gọi là vụ cam bói nhưng đã đưa về cho gia đình trên 700 triệu đồng. Trừ đầu tư còn có lãi chút ít. Năm 2020 đến, anh em quyết tâm hơn. Song sau một năm sai quả, cả vườn đều giảm hoa trái. Đã thế, thời tiết quá khắc nghiệt tiền điện cho tưới nước đã tốn, và khi có quả thì đủ loại côn trùng tấn công, vì khu vườn của 3 anh em biệt lập nên bướm ngài về đêm, ruồi vàng ban ngày phá hoại đến kinh hãi.
Đoàn kể: Có hôm sáng sớm hai anh em lên thăm vườn thấy cam rụng như ai vặt chất đống dưới từng gốc cam. Cả hai anh em bật khóc! Ngay sau đó về rà mạng tìm cách ngăn côn trùng. Lần đầu hai anh em treo đèn vòng quanh vườn để thu hút bướm, nhưng ruồi vàng vẫn hoành hành vì chúng ăn ban ngày. Lại tiếp tục tìm kiếm. Như nhặt được vàng, Đoàn phát hiện loại lưới UV chống côn trùng của Công ty Lợi Dân ở thành phố Hồ Chí Minh. Hiếu và Đoàn liên lạc đặt mua. Chỉ 10 ngày sau hàng đã về đến vườn. Cái khó mới xuất hiện. Theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất là dùng người căng tấm lưới rộng 20 x 20 (m) rồi kết dần bằng khâu tay. Một ngày đầu chỉ được 60 m². Nếu làm cách đó phải mất cả tháng mới phủ xong 2 ha. Lại chụm đầu bàn bạc!. 
Cận cảnh một cây cam trong vườn.
Dự tính vụ cam này, vườn cam Hiếu - Đoàn - Hoàn thu nhập khoảng 550 - 600 triệu đồng.

Và cái khôn đã ló. Hiếu bàn mua máy khâu bao bì, chỉ 2 người căng, một người khâu sẽ gọn và nhanh. Làm ngay! Thế là chỉ sau 1 tuần lưới UV được trùm kín 2 ha cam. Cách làm này được chuyên gia Nguyễn Văn Thái của Công ty Lợi Dân gọi là sáng kiến hay và hiệu quả nhất từ người lao động. 

Có lưới UV, tia nắng mặt trời không ảnh hưởng chất lượng cam, hơn thế là bướm không vào được mà còn bay đi xa, ruồi vàng cũng không còn gây hại cam nữa. Cam ít rụng. Điều đặc biệt là từ đó vườn cam Hiếu - Đoàn - Hoàn không phải phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, vừa không tốn công vừa yên tâm chất lượng cam.
Vượt qua bao khó khăn, vụ này cam Hiếu - Đoàn - Hoàn chín mọng đều khắp cả vườn. Tuy không sai quả như năm trước, nhưng bù lại là cam sạch, được giá hơn. Dự tính vụ này thu nhập khoảng 550 - 600 triệu đồng. Tin tưởng chắc chắn mùa tới sẽ bội thu và sẽ là nơi cung cấp cam sạch, ngon, thơm cho khách hàng cả nước.
Người viết bài này xin chúc mừng 3 chàng trai họ Nguyễn Cảnh của xã Xuân Thành trên đất huyện lúa Yên Thành của Nghệ An!

Tin mới