Kỷ niệm 50 năm thành lập xã Ngọc Sơn (Thanh Chương)

Vươn lên xứng với truyền thống

(Baonghean) - Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển (1969 - 2019), các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) đã và đang nỗ lực phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Truyền thống xây dựng, phát triển

 Xã Ngọc Sơn có truyền thống cách mạng, văn hóa lâu đời, có chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập từ năm 1930; có di tích lịch sử văn hóa là nhà thờ họ Lê Kim nơi Bác Hồ thời niên thiếu theo cha lên dạy học, đình làng Phúc Xá nơi dân làng thờ Vua Mai Hắc Đế và nhiều công trình văn hóa tâm linh.

Một góc làng quê Ngọc Sơn. Ảnh: Đình Hà
Một góc làng quê Ngọc Sơn. Ảnh: Đình Hà
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, sáp nhập, đổi tên, ngày 24/3/1969 theo Quyết định số 159/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ, 41 xã của huyện Thanh Chương được nhập lại thành 28 xã; xã Thanh Nam và xã Thanh Lam sáp nhập lại thành xã Ngọc Sơn và địa danh xã Ngọc Sơn có tên trên bản đồ hành chính huyện từ đây.

Những ngày đầu thành lập, xã nhà gặp muôn vàn khó khăn khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt, Ngọc sơn là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ vào những năm 1965-1968. Ngày 20/4/1969, Đại hội Đảng bộ xã khóa I được tổ chức, đề ra nhiệm vụ: ổn định tổ chức, củng cố tư tưởng khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo đồng ruộng, đẩy mạnh sản xuất, làm tròn nghĩa vụ lương thực thực phẩm cho Nhà  nước, phục vụ chiến đấu thắng lợi.

Từ mục tiêu nhiệm vụ Đại hội đề ra, các tổ chức Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Phụ lão tiến hành kiện toàn đi vào hoạt động. Để đẩy mạnh sản xuất, Đảng ủy có chủ trương sắp xếp kiện toàn lại 4 HTX nông nghiệp, đổi mới công tác quản lý áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đẩy mạnh chăn nuôi; vận động nhân dân xây dựng lại hệ thống trường lớp học bảo đảm cho con em được học hành, củng cố lại trạm y tế làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đảng bộ và nhân dân Ngọc Sơn đã đóng góp đáng kể về sức người sức của trong hai cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Từ những đóng góp to lớn đó, Đảng bộ và nhân dân xã Ngọc Sơn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1998) cùng 2.300 Huân, Huy chương kháng chiến được trao tặng cho cá nhân và gia đình có thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu; có 15 Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Vươn nhịp đổi mới

 Thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân xã Ngọc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt thành tựu khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống; đang phát triển từng bước vững chắc trên lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Bộ mặt làng quê Ngọc Sơn ngày một khởi sắc. Ảnh: Đinh Nguyệt
Bộ mặt làng quê Ngọc Sơn ngày một khởi sắc. Ảnh: Đinh Nguyệt
Phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của xã. Ngay từ khi mới thành lập xã, BCH Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, theo hướng thâm canh dần chuyển sang cây trồng hàng hóa. Mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền  vững, qua các kỳ Đại hội Đảng bộ xã định hướng chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ. Từ một nền kinh tế thuần nông, phân tán, lạc hậu nay Ngọc Sơn đã xây dựng được một nền kinh tế đa dạng với cơ cấu kinh tế tương đối hợp lý. Đến nay, ngành Nông nghiệp chiếm 56,8%, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 24,2% và ngành dịch vụ chiếm 19%; tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 11-12%. 

Cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp công nhiệp hóa - hiện đại hóa đã được đầu tư xây dựng. Qua từng giai đoạn, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ đã động viên nhân dân phát huy nội lực, đóng góp kinh phí, ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhất là sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt làng quê, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng khởi sắc.

Địa phương huy động sức dân hiệu quả, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ảnh: Đình Hà
Địa phương huy động sức dân hiệu quả, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ảnh: Đình Hà
Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trạm y tế và các thiết chế văn hóa đã được đầu tư, nâng cấp kiên cố, khang trang; phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân. Khu dân cư được sắp xếp chỉnh trang, nhà cửa được xây dựng khang trang, đường làng ngõ xóm hầu hết được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tạo nên cảnh quan làng xóm phong quang, sạch đẹp.
Năm đầu triển khai chương trình NTM (2011),  xã Ngọc Sơn mới đạt 7/19 tiêu chí, đến năm 2018 đạt 16/19 tiêu chí NTM. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên hàng năm, đến năm 2018 đạt 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người nghèo giảm từ 9,8%  năm 2011 xuống 2,9% năm 2018...

Là vùng quê giàu truyền thống hiếu học, bởi vậy, suốt quá trình phát triển, sự nghiệp giáo dục và đào tạo thường xuyên được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở đây quan tâm. Hệ thống trường lớp hàng năm được nâng cấp xây dựng, đến nay có hai trường đạt chuẩn Quốc gia, 3 trường đạt danh hiệu trường văn hóa. Các thế hệ con em Ngọc Sơn có nhiều người thành công và thành danh, đóng góp xây dựng quê hương đất nước như: Nhà văn Đặng Văn Ký, NSND Ngô Xuân Huyền, GS.TS - Thiếu tướng Nguyễn Phùng Hồng, PGS - Thiếu tướng Lê Đình Đệ, Thiếu tướng Lê Thanh Hùng. Ngoài ra, có 21 tiến sỹ khoa học, 22 đại tá trong lực lượng vũ trang nhân dân cùng hàng trăm người con quê hương đang đảm nhận các cương vị công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp...

Câu lạc bộ dân ca xã Ngọc Sơn hoạt động sôi nổi, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Ảnh: Đình Hà
Câu lạc bộ dân ca xã Ngọc Sơn hoạt động sôi nổi, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Ảnh: Đình Hà
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng và những thành tựu trong suốt nửa thế kỷ qua, thời gian tới, địa phương phấn đấu thực hiện các mục tiêu: Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện; xây dựng chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo tốc độ tăng trưởng sản xuất bình quân hàng năm từ 11-13%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến  năm 2020 tỷ trọng công nghiệp xây dựng 38,4%, thương mại dịch vụ chiếm 28,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm.
Chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phấn đấu năm 2020, 100% các trường đạt chuẩn quốc gia, giảm  tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%; tỷ lệ gia đình đạt gia đình văn hóa từ 85-90%... Nỗ lực và quyết tâm cao nhất để xã nhà sớm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới./.

Tin mới