Vướng mắc trong thi hành án xử lý nợ Công ty CP Him Lam Nghệ An

(Baonghean) - Quá trình thi hành án dân sự liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng vẫn còn nhiều vướng mắc, điển hình là trường hợp Công ty CP Him Lam Nghệ An tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Nghệ An (VietinBank).

Đất và tài sản trên đất của ông Nguyễn Văn Đước và bà Vũ Thị Phiến tại khối Văn Tiến, phường Hưng Dũng (TP. Vinh).
Đất và tài sản trên đất của ông Nguyễn Văn Đước và bà Vũ Thị Phiến tại khối Văn Tiến, phường Hưng Dũng (TP. Vinh). Ảnh: P.V

Công ty CP Him Lam - Nghệ An (gọi tắt là Công ty Him Lam) có số đăng ký kinh doanh 2901129080, do Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cấp ngày 27/8/2009, địa chỉ tại số 104 đường Herman, phường Hưng Phúc, TP. Vinh. Ngành nghề đăng ký kinh doanh là xây dựng công trình.

Năm 2011, theo đề nghị của công ty, Ngân hàng VietinBank Nghệ An và công ty ký kết hợp đồng để công ty bổ sung vốn xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là giá trị quyền sử dụng đất (thửa đất số 67; tờ bản đồ 32) diện tích 460 m2 (150 m2 đất ở + 310 m2 đất vườn) và tài sản gắn liền với đất tại khối Văn Tiến, phường Hưng Dũng, TP. Vinh theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W679254; vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 05027 QSDĐ/số 01 QĐ/UB (TP) 2002 do UBND thành phố Vinh cấp ngày 06/01/2003 mang tên ông Nguyễn Văn Đước và bà Vũ Thị Phiến. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, do năng lực trình độ yếu kém, công tác quản lý của lãnh đạo không bao quát được toàn bộ hệ thống, công ty đã bị thất thoát, thua lỗ. 

Sau khi gặp khó khăn, ngân hàng tạo nhiều điều kiện để công ty cân đối nguồn trả nợ nhưng công ty không thực hiện được, nên ngân hàng yêu cầu công ty và chủ tài sản thực hiện cam kết trong hợp đồng tín dụng là bàn giao tài sản để xử lý bán thu nợ. Tuy nhiên, công ty và chủ tài sản không hợp tác, gây nhiều khó dễ, ngân hàng đã tiến hành khởi kiện và yêu cầu thi hành sau khi có bản án.

Ngày 26/11/2015, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Vinh có quyết định thi hành án, kê biên tài sản và chuyển trung tâm đấu giá đối với tài sản của ông Nguyễn Văn Đước và bà Vũ Thị Phiến tại khối Văn Tiến, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, giá khởi điểm đấu giá tài sản là 4.008.437.000 đồng.

Đến nay, thông báo bán tài sản của ông Đước - bà Phiến đã qua thời gian hơn 1 năm, tài sản đã giảm giá bán, giá khởi điểm đấu giá của tài sản tại thời điểm hiện tại chỉ còn lại 3.270.036.886 đồng, tuy nhiên vẫn chưa bán được tài sản.

Điều đáng nói, giá bán tài sản hiện nay là rất phù hợp, thậm chí thấp hơn so với giá giao dịch trên thị trường và cũng đã có rất nhiều khách hàng có nhu cầu mua nhưng vẫn không xử lý được.

Đây không phải là trường hợp vướng mắc duy nhất khi thi hành án dân sự liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng trên địa bàn Thành phố Vinh.

Nguyên nhân là do bất cập trong quy định của Luật Thi hành án dân sự, sau khi có quyết định thi hành án, chủ tài sản không tự nguyện thi hành án thì phải kê biên và định giá tài sản để chuyển sang Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Sau khi có người mua, cơ quan thi hành án phối hợp với trung tâm đấu giá thực hiện bàn giao tài sản đã kê biên cho người trúng đấu giá.

Thế nhưng, tài sản sau khi kê biên vẫn giao cho chủ tài sản/người thân sử dụng. Do đó, trong quá trình khách hàng tìm hiểu thực tế để mua tài sản, chủ tài sản vẫn đang ở trong nhà, nên tâm lý người mua không thoải mái. Mặt khác, theo như phản ánh của những khách hàng đến xem tài sản thì chủ tài sản đã nói vào nói ra, gây khó dễ, cản trở… nên tâm lý khách hàng không muốn mua vì sợ phức tạp, phiền toái.

Bên cạnh đó là sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan ban, ngành liên quan như UBND xã, phường, cơ quan công an, tài nguyên và môi trường, ngân hàng và cơ quan thi hành án cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thi hành án kém hiệu quả.

P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới