WEF Davos: Khi lãnh đạo mưu cầu vai lãnh đạo

(Baonghean) - Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos là dịp để tụ hội anh tài, là nơi gặp gỡ của giới tinh hoa khắp toàn cầu. Hội nghị năm nay đã cho thấy rõ rằng điều mà các nhà lãnh đạo hiện nay đang hết sức mong ngóng, khát khao là vai trò lãnh đạo.

Từ khóa phổ biến

“Lãnh đạo” là một trong những từ ngữ được bật thốt nhiều nhất trong các phát ngôn, các bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Davos, Thụy Sỹ. Các nhà lãnh đạo đến từ đủ các ngành nghề, lĩnh vực, dù chính trị, kinh tế, hay các khu vực khác đều cùng nhau tập trung lại trong khuôn khổ diễn đàn theo truyền thống đặt ra từ năm 1971, trong đó bao gồm cả các lãnh đạo trẻ toàn cầu. Diễn đàn năm 2017 này xoay quanh chủ đề “lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”. Đây được xem là dịp để tôn vinh toàn bộ những nhân vật chủ chốt và cả khách mời tham dự. Rất nhiều công ty, tập đoàn đã cùng bỏ ra khoản tiền không nhỏ, lên đến 500.000 euro (hơn 532.000 USD) để giúp “tạo hình” cho diễn đàn Davos. Nhiều thành phần tham dự là những người đang giữ cương vị phụ trách ở các công ty, các tổ chức quốc tế hoặc đứng đầu các chính phủ. Họ xem Hội nghị Davos là cơ hội để tham gia vào các cuộc thảo luận, tiến hành các hoạt động kết nối, tạo quan hệ, làm ăn hoặc trao đổi thông tin.

Chủ tịch Trung Quốc tại Hội nghị năm nay. 	Ảnh: Internet
Chủ tịch Trung Quốc tại Hội nghị năm nay. Ảnh: Internet

Nhưng năm nay, điều dễ nhận thấy là các nhà lãnh đạo dự họp đều đang tìm kiếm, mưu cầu vị trí lãnh đạo cho chính bản thân. Họ đang tìm tòi đường hướng, cân nhắc xem nên bám vào điều gì, đâu là thứ đáng để trông cậy. Tuy nhiên, có vẻ như đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có gì đáng lưu ý.

Nay đã khác xưa

Khi Liên Xô tan rã, dường như trên thế giới chỉ còn một siêu cường tồn tại, là Mỹ. Và có vẻ như đường hướng cho tương lai không gì khác là toàn cầu hóa và cạnh tranh về kinh tế, tự do thương mại và mở cửa biên giới bất cứ đâu khả dĩ, hay ít nhất là dòng lưu chuyển vốn và lao động tự do, không bị cản trở. Tất cả những điều này đều từng là thông điệp cốt lõi được phát đi từ Davos.

Nhưng kể từ năm 2016, đường hướng trên ngày càng phải đối diện với một dấu hỏi lớn từ tầng lớp trung lưu chẳng mấy hài lòng tại các quốc gia công nghiệp hóa, trong các đảng phái dân túy và nhất là sau những thành công của các chiến dịch ủng hộ Brexit tại Anh cùng Donald Trump tại Mỹ. Kể từ đó, chỉ có thể chắc chắn một điều là không thể biết chắc thế giới sẽ đi về đâu…

Giới phân tích cũng không ít lần trăn trở với vô vàn câu hỏi hóc búa. Liệu Liên minh châu Âu có tan rã? Phải chăng nước Mỹ đang dần dịch chuyển theo hướng chủ nghĩa bảo hộ toàn diện? Tự do thương mại đã bên bờ vực hấp hối? Tất cả những câu hỏi còn bỏ ngỏ này đã được đưa ra làm chủ đề tranh luận tại Davos, và dĩ nhiên không thể phớt lờ việc làm thế nào để thúc đẩy toàn cầu hóa nhưng không khiến cho nhiều khu vực rộng lớn, đông dân của thế giới bị bỏ lại phía sau.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới là dịp để tụ hội các lãnh đạo từ nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn cầu. 	Ảnh: PTI
Diễn đàn Kinh tế Thế giới là dịp để tụ hội các lãnh đạo từ nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn cầu. Ảnh: PTI

Từ góc độ nhìn nhận của người nghèo và cả những người bị tụt hậu, họ nghi ngờ rằng các vấn đề trên chỉ được đưa ra bàn thảo khi giờ đây giới chính khách chính thống tại các nước công nghiệp hóa đang thấp thỏm lo sợ về viễn cảnh để mất quyền lực. Thậm chí, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), vốn chẳng phải tổ chức từ thiện, cũng đã đưa ra cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng từ nhiều năm trước, nhưng đó đến nay về cơ bản chẳng ai màng bận tâm đến những “lời nhàm tai” này.

Trung Quốc là cứu tinh?

Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được chào đón như một vị cứu tinh của chủ nghĩa tư bản tại diễn đàn Davos năm nay chỉ góp phần tăng thêm những biểu hiện cho thấy giới tinh hoa toàn cầu đang “đứng ngồi không yên” trước tình hình thiếu ổn định. Người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab đã nhận xét bài diễn văn của Tập Cận Bình là “mang tính lịch sử” và là một ví dụ minh họa tốt cho “sự lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”.

Quả thực, với những gì đã thể hiện, ông Tập Cận Bình có thể được đánh giá là người ủng hộ thương mại tự do, bảo vệ khí hậu và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, như tờ DW của Đức bình luận, Trung Quốc trong nhiều thập niên qua lại là nước theo đuổi chính sách bảo hộ. Bộ máy lãnh đạo của Trung Quốc rất khôn ngoan khi mở cửa nền kinh tế từ từ, chậm rãi từng chút một trước cơn sóng cạnh tranh quốc tế. Trong một số lĩnh vực chủ chốt, nước này hiện vẫn “nói không” với các chủ thể cạnh tranh bên ngoài.

Trong khi đó, liệu Donald Trump có tung ra chính sách của nước Mỹ như những gì từng tuyên bố hay không vẫn chưa rõ. Điều hiếm hoi mà chúng ta có thể khẳng định là nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không còn theo đuổi chính sách “năm sau cũng như năm trước” nữa. Thế giới đang ngày một trở nên đa cực, quyền lực, sức mạnh đang được phân phối gần như đồng đều trên khắp hành tinh. Đó là một phần nội dung thảo luận tại Davos những ngày qua, nhưng ẩn chứa sau đó, điều đáng nói với “giới tinh hoa” toàn cầu tụ hội về đây mỗi năm là sự thật “vật đổi, sao dời”, thế giới chẳng thể nào bất biến, mãi như xưa. 

Phú Bình (Theo DW)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới