Xã Châu Khê (Con Cuông): Giữ vững chất lượng chuẩn Quốc gia về y tế

(Baonghean) - Xã Châu Khê nằm cách trung tâm huyện lỵ Con Cuông khoảng 16 km dọc theo Quốc lộ 7 về phía Tây. Với 23,5 km đường biên giới và diện tích tự nhiên trên 44.000 ha, điều kiện đi lại và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của địa phương, Châu Khê đã đạt được thành công trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cơ sở vật chất, nhà làm việc của Trạm y tế xã Châu Khê (Con Cuông).
Cơ sở vật chất, nhà làm việc của Trạm y tế xã Châu Khê (Con Cuông).
Vừa đi họp ở xã về, khoác vội lên mình áo blue trắng, bác sĩ Lộc Đăng Sao - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Châu Khê tranh thủ đảo một vòng qua các phòng ban hỏi thăm tình hình thăm khám, sau đó mới trở về phòng làm việc. Mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Trạm trưởng chia sẻ: Do y, bác sĩ còn ít, bệnh nhân đến khám lại đông nên mình đi một chút là phải về để cùng làm với anh em. Thiếu một người là người khác phải cáng đáng làm thay rất vất vả.
Do ở vị trí giao thông thuận lợi và chất lượng khám, chữa bệnh tốt nên không chỉ người dân xã Châu Khê mà còn từ các xã lân cận như: Lạng Khê, Chi Khê và Cam Lâm, Đôn Phục đều đến Trạm Y tế Châu Khê để khám và điều trị với số lượng 40 - 45 người/ngày. Với biên chế 6 người, trong đó 2 người là quản lý, còn lại 4 người, mỗi người 1 lĩnh vực nên cán bộ, nhân viên trạm phải rất nỗ lực để đáp ứng công việc. 
Tuy vất vả, nhưng thái độ phục vụ người dân của các y, bác sĩ ở đây rất cởi mở. Một bệnh nhân đưa con từ bản Chôm Lôm (xã Lạng Khê) xuống Trạm Y tế Châu Khê điều trị cho biết: Là người ngoài xã hay trong xã, các y, bác sĩ đều thăm khám ân cần, hướng dẫn như nhau, hơn nữa ở đây điều trị tốt hơn nên yên tâm hơn.
Các y tá xã Châu Khê khâu, điều trị vết thương cho học sinh tiểu học đến từ xã Lạng Khê.
Các y tá xã Châu Khê khâu, điều trị vết thương cho học sinh tiểu học đến từ xã Lạng Khê.

Không chỉ tổ chức khám, điều trị bằng Tây y, một trong những ưu tiên mà Trạm Y tế Châu Khê phấn đấu làm được khi đạt chuẩn Quốc gia y tế đó là thực hiện khám, điều trị bằng Đông y như bắt mạch để châm cứu, bấm huyệt một số bệnh; xây dựng vườn thuốc nam để bảo tồn các loại dược liệu quý. Với sự vào cuộc tích cực của địa phương và các già làng, trưởng bản, chỉ trong vòng 1 năm, trạm đã xây dựng được vườn thuốc nam theo đúng quy định.

Trạm trưởng Lộc Đăng Sao nhớ lại: Phấn đấu để được công nhận chuẩn Quốc gia về y tế, trên cơ sở đề nghị của trạm, các đoàn thể đều vào cuộc rất tích cực: thanh niên, phụ nữ thì góp công sức lấy đất san lấp khuôn viên trạm, người cao tuổi có uy tín các bản góp các loại cây thuốc để xây dựng vườn cây thuốc nam, bản thì góp xi măng, bản thì chở đất để giúp trạm san lấp khuôn viên. 
Theo quy định để đạt chuẩn, chỉ cần 40 loại cây dược liệu nhưng vườn thuốc nam của trạm y tế xã có tới 100 loài, trong đó có những loại cây dược liệu quý lấy từ rừng cao, suối sâu và chỉ người bản địa là thầy lang mới tìm được.
Bác sĩ, trạm trưởng Lộc Đăng Sao giới thiệu 1 loại cây Mu Bảng- cây thuốc quý chữa bệnh về cầm máu và xương trong vườn thuốc nam của Trạm
Bác sĩ, trạm trưởng Lộc Đăng Sao giới thiệu 1 loại cây mu bảng - cây thuốc quý chữa bệnh về cầm máu và xương trong vườn thuốc nam của Trạm

Cùng với tổ chức khám và cấp thuốc bảo hiểm y tế cho người dân, để làm tốt công tác y tế dự phòng, định kỳ Trạm Y tế xã Châu Khê tổ chức các đợt tập huấn tuyên truyền tại cộng đồng cho các đối tượng là phụ nữ, học sinh tham gia; đồng thời tiến hành các đợt giám sát, hướng dẫn về phòng ngừa dịch bệnh cho đội ngũ y tế thôn bản; tổ chức tẩm màn bằng hóa chất cho các bản vùng trong khe suối… Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa nên hàng chục năm nay, mặc dù là xã vùng sâu nhưng Châu Khê không hề xảy ra các dịch bệnh; các bệnh nếu có chỉ phát sinh theo mùa như cảm cúm, viêm phế quản... đối tượng chủ yếu là người già và trẻ nhỏ.

Đánh giá về chặng đường phấn đấu để đạt chuẩn Quốc gia về y tế, Chủ tịch UBND xã Châu Khê, Nguyễn Ngọc Luyến cho hay: Trong vòng gần 5 năm, cùng với đầu tư khoảng 1,3 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các phòng khám và mua sắm trang thiết bị theo quy định, trạm phải được kiện toàn về nhân sự đáp ứng nhiệm vụ y tế dự phòng và khám, cấp thuốc cho dân.
Còn bác sĩ La Văn Liệu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Con Cuông cho biết thêm: Châu Khê là xã biên giới thứ 2 của huyện Con Cuông (cùng với Môn Sơn) và là xã thứ 8 trong tổng số 13 xã, thị đạt chuẩn Quốc gia y tế. Thành công trên ngoài nỗ lực của tập thể y, bác sĩ trạm thì sự quan tâm của địa phương là nhân tố có ý nghĩa quyết định.
Trong khi nguồn lực còn hạn chế, cùng lúc xã đầu tư nhiều hạng mục cho giáo dục, văn hóa… nhưng cấp ủy, lãnh đạo xã Châu Khê quan tâm và quyết liệt trong việc dành nguồn lực cho mục tiêu Quốc gia về y tế. Song hành với việc ban hành nghị quyết và lộ trình thực hiện, định kỳ hàng năm, xã đều dành kinh phí để nâng cấp khuôn viên, cơ sở vật chất cho trạm y tế. Về phía huyện, cùng với bố trí nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư trang thiết bị cho trạm…
Người dân Châu Khê mang con đến Trạm y tế xã thăm khám.
Người dân Châu Khê mang con đến Trạm y tế xã thăm khám.

Nhờ các giải pháp quyết liệt trên, Châu Khê hôm nay không chỉ trạm y tế có cơ sở vật chất khám, chữa bệnh vào loại khang trang nhất huyện Con Cuông với đầy đủ các bộ phận, phòng khám, điều trị theo quy định mà có đội ngũ y, bác sĩ đáp ứng yêu cầu chuẩn Quốc gia và nền tảng về chăm sóc sức khỏe nhân dân rất tốt.

Trạm trưởng Lộc Đăng Sao chia sẻ thêm: Được công nhận đạt chuẩn Quốc gia nhưng phía trước công tác y tế của địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, hy vọng rằng sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của cấp ủy chính quyền địa phương và sự tạo điều kiện hướng dẫn của Trung tâm Y tế dự phòng huyện, đội ngũ y, bác sĩ Trạm Y tế xã Châu Khê sẽ đoàn kết, quyết tâm để giữ vững danh hiệu xã chuẩn Quốc gia về y tế.

Nguyễn Hải  

Tin mới