Xã hội phải trả giá nếu thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của vị thành niên

(Baonghean.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, ngày 26/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự.

Toàn cảnh phiên làm việc ngày 26/10 của Quốc hội khóa XIV.
Toàn cảnh phiên làm việc ngày 26/10 của Quốc hội khóa XIV.

Đa số ĐBQH tỉnh Nghệ An cơ bản tán thành sửa đổi và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự. Trước tính chất quan trọng của Bộ luật có tác động sâu rộng tới đời sống xã hội, nhiều đại biểu cho rằng, không nên thông qua ngay dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngay tại Kỳ họp thứ 2 này.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Tuấn Anh.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Tuấn Anh.

Qua thảo luận, dự án Luật vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan như: cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể, định mức xả thải ra môi trường, chỉ số gây ô nhiễm môi trường; danh mục hàng cấm; số lượng và chủng loại vũ khí quân dụng; việc có hay không giám định hàm lượng chất ma túy… Đây là những vấn đề lớn, liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành, cần phải thống nhất về quan điểm và đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn các chuyên gia cả về lý luận và thực tiễn thì mới có phương án sửa đổi khả thi...

Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Văn Mão cũng cho rằng: Đây là một trong những bộ luật rất quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam, nếu không làm một cách thận trọng, đúng đắn, phù hợp thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng chục luật khác. Do đó, việc sửa đổi bộ luật cần phải thận trọng, tránh tình trạng sau khi sửa đổi, bổ sung vẫn còn những sai sót, bất cập, không áp dụng được trong thực tế. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV.

Đối với Khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015 quy định về trách nhiệm của người đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng không phù hợp thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phân tích: Nếu lấy lý do vì công ước quốc tế để hạn chế, phi hình sự hóa hành vi phạm tội của độ tuổi này là không hợp lý. Tội phạm hiện nay rất phức tạp, độ tuổi vị thành niên rất manh động, liều lĩnh, đặc biệt là liên quan ma túy, giết người, cướp tài sản. Tính chất tội phạm gia tăng mà lại thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của tuổi này thì chắc chắn xã hội phải trả giá… Chăm sóc, bảo vệ vị thành niên là trách nhiệm của toàn xã hội, song nếu họ vi phạm thì phải giáo dục phòng ngừa, không để đến lúc gây ra hậu quả xã hội mới trừng trị. Chúng ta có thể giáo dục, xử nhẹ hơn chứ không thể tha bổng.

“Nếu các tổ chức chính trị đối lập xuất hiện, sử dụng vị thành niên tham gia vào tổ chức, gây gổ… khi đó mới nghĩ lại thì xã hội đã gánh hậu quả rồi… Nên giữ nguyên Khoản 2, Điều 12 BLHS năm 1999” - Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị.

Khoản 2, khoản 3, Điều 14 (chuẩn bị phạm tội), thu hẹp phạm vi chỉ có 21 tội danh phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, trong khi quy định của BLHS năm 1999 thì người chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về bất cứ tội danh nào đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Về điểm này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, quy định như vậy không phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, ngừa tội phạm. Ông nói: “Người làm luật thông thái cần phải phòng, ngừa tội phạm - làm sao để khỏi phải trừng phạt chúng”.

Ngày mai (27/10), buổi sáng, QH làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật quản lý ngoại thương; Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý ngoại thương; tờ trình dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Báo cáo thẩm trả dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Tờ trình dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và thảo luận tại tổ về dự án Luật quản lý ngoại thương. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Diệp Anh - Tuấn Anh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới