Nguyễn Biểu, một sứ thần can trường, bất khuất

Đó là chủ đề Hội thảo khoa học sẽ diễn ra trong ngày 24/12/2007 tại T.P Vinh, do Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An phối hợp với Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và học sinh nghèo tổ chức.


Nguyễn Biểu là một tấm gương nghĩa liệt, một sứ thần can trường bất khuất có một không hai trong lịch sử bang giao của Việt Nam. Ông đã tận trung với nước, trước địch dám nói thẳng, đi sứ mà không làm nhục vua, đã xả sinh thủ nghĩa, làm chói sáng một gương sứ thần Đại Việt vào buổi Hậu Trần. Ông đã bị tướng giặc nhà Minh là Trương Phụ giết hại tại làng Yên Cư, gần thành Nghệ An. Nhưng sau đó, ông được vua Lê ban là Phúc thần, cho lập đền thờ ở quê nhà là làng Nội Diên, xã Bình Hồ, nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) và phong là Nghĩa Liệt Hiển ứng Uy linh Trợ thuận Đại Vương, người đời tôn ông là Nghĩa sĩ Đại Vương hay Nghĩa Vương.

Nguyễn Biểu, lúc sống thông minh học giỏi, đậu Thái học sinh (tức Tiến sĩ) vào cuối đời Trần. Quân Minh sang xâm lược nước ta, ông đã tham gia cuộc kháng chiến chống Minh dưới sự lãnh đạo của vua Trần Trùng Quang giữ chức Điện tiền thị ngự sử. Được cử làm sứ thần đi cầu phong, ông đã vào thành Nghệ An ở Lam Thành Sơn gặp Trương Phụ; Trương Phụ bày cỗ đấu người để thử tấm lòng thiết thạch của ông, ông không những ung dung ngồi ăn mà còn làm bài thơ nói về việc Ăn cỗ đấu người. Không làm lung lay được ý chí của sứ thần can trung ấy, giặc đã giết hại ông. Cùng với Đặng Dung, Nguyễn Biểu là một trong hai hình ảnh đối xứng của cùng một con người vừa võ vừa văn, kết tinh được tinh hoa và khí phách của dân tộc, đã sống và chết xứng đáng trong thời buổi của họ, một thời buổi đầy gian nan, một bước ngoặt đầy bi tráng của lịch sử đất nước (ý của GS. Nguyễn Huệ Chi).

Tổ chức Hội thảo khoa học này được đông đảo các nhà khoa học có tên tuổi tham dự là để tôn vinh Nguyễn Biểu, làm sáng lạn thêm sự nghiệp rực rỡ và tên tuổi của ông và làm sống lại cuộc kháng chiến chống quân Minh (1407-1413) của nhà Hậu Trần với những sự kiện diễn ra đất Nghệ, với những nhân vật người xứ Nghệ như Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Tất, Đặng Dung... để giáo dục lòng yêu nước, tăng niềm tự hào của nhân dân và động viên tinh thần tri ân tổ tiên, tri ân những người vì dân vì nước mà xả sinh thủ nghĩa, nhất là tinh thần xây dựng xã hội, xây dựng quê hương trong những ngày đổi mới và hội nhập dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Qua hội thảo này, học sinh Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và người nghèo, sẽ xin được mang tên ông để luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm vượt lên trên những khó khăn để sống và lao động có ích cho cuộc sống. Ngoài ra, Trung tâm cũng muốn đứng ra kêu gọi những người hảo tâm tôn tạo, xây dựng lại Đền thờ Nguyễn Biểu ở làng Yên Thái thuộc xã Nghĩa Liệt cũ, nay thuộc xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, cạnh con sông Lam lịch sử, bên cạnh đê 42, dưới chân núi Nghĩa Liệt, nơi mà trước đây nhiều danh sĩ cho là đại danh thắng để tô thêm vẻ đẹp cho đại danh thắng và thắng cảnh có tâm hồn, lung linh những kỳ tích của những nhân vật vì dân tộc, vì xứ sở mà bỏ mình...

PGS. Ninh Viết Giao

Tin mới