Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An

(Baonghean) - Hôm nay 29/4, tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An, tổ chức UNESCO trao bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An (UNESCO chính thức công nhận ngày 18-9-2007), tên ngắn gọn là Khu Sinh quyển Tây Nghệ An. Đây là khu dự trữ sinh quyển trên cạn, hành lang xanh lớn nhất Đông Nam Á.

 Rừng Bọp vùng đệm Pù Mát.

Khu sinh quyển trải rộng trên địa phận hành chính của 9 huyện miền núi, gồm: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong, với tổng diện tích hơn 1,3 triệu ha, dân số hơn 473.800 người, bao gồm vườn quốc gia Pù Mát nối với hai khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt nằm trong địa giới hành chính chín huyện miền núi tạo thành hành lang xanh kéo dài trên 500km. Với hơn 1,3 triệu ha, khu vực này phủ kín gần như toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của Nghệ An. 
 
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được công nhận có ý nghĩa rất lớn, có thể xem đây như một "thương hiệu" về đa dạng sinh học, đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc miền Tây Nghệ An; sự công nhận về thành quả trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ mội trường, bảo vệ và giữ gìn truyền thống bản sắc dân tộc trên địa bàn của người dân, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Sự kiện này đang mở ra những cơ hội mới đối với công tác bảo tồn của các khu rừng đặc dụng tại Nghệ An.

 Bản mới Yên Khê (Con Cuông) trong vùng đệm.

 Rừng săng lẻ.

 Thác Khe Kèm.

Khi được công nhận là khu dự trữ sinh quyển nghĩa là chúng ta đã đăng ký với Thế giới một "thương hiệu" về đa dạng sinh học và đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì thế chúng ta được quan tâm, chú ý nhiều hơn từ các nước, các tổ chức, các nhà khoa học đến để nghiên cứu, đầu tư và hỗ trợ nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của khu dự trữ sinh quyển. Các hoạt động nghiên cứu về đa dạng sinh học sẽ có cơ hội được đầu tư nhiều hơn, đi sâu nghiên cứu và tiếp tục tìm ra những cái mới, các giá trị mà chúng ta chưa biết đến, qua đó sẽ làm tăng giá trị của công tác bảo tồn.

Phan Nguyễn

Tin mới