Báo động tội phạm bắt cóc trẻ em

Tội phạm bắt cóc trẻ em tống tiền ngày càng có xu hướng gia tăng. Với thủ đoạn tinh vi, manh động, liều lĩnh, loại tội phạm này đang trở thành mối lo ngại lớn cho xã hội.

 

Tội phạm bắt cóc trẻ em đang gia tăng

 

Theo thống kê của Phòng CSĐT về TTXH Công an TP. Hải Phòng, từ năm 2007 đến nay, trên toàn địa bàn thành phố xảy ra 3 vụ bắt cóc trẻ em, trong đó có một vụ bắt cóc trẻ em tại huyện An Dương nhưng bất thành.

 

Báo động tội phạm bắt cóc trẻ em ảnh 1

 

Công an quận Hà Đông (Hà Nội) dẫn giải 2 đối tượng bắt cóc cháu bé 11 tuổi ở Hà Đông hôm 19.11.2012.

 

Thiếu tá Bùi Quốc Dân - Đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp Phòng CSĐT về TTXH Công an TP.Hải Phòng cho biết, các vụ bắt cóc trẻ em xác định có nhiều lý do như bắt cóc đòi tiền chuộc, làm con tin, đem bán… Tuy nhiên, tội phạm bắt cóc đòi tiền chuộc có dấu hiệu gia tăng.

“Để ngăn chặn tình trạng này cơ quan chức năng cần có hình thức tuyên truyền biện pháp phòng ngừa tại các gia đình có nguy cơ cao về khả năng con bị bắt cóc. Bên cạnh đó, tại các trường học, khu vui chơi, nơi có trẻ em cũng cần lồng ghép tuyên truyền về nguy cơ trên” - thiếu tá Dân nói.


Cũng theo thiếu tá Dân, khi sự việc đã xảy ra rồi thì phải đánh giá toàn bộ sự việc, đối tượng, động cơ… để đưa ra biện pháp hữu hiệu giải cứu, tuyệt đối không được để ảnh hưởng đến tính mạng của các cháu.


Còn theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), chỉ tính riêng trong năm 2011, cả nước xảy ra 30 vụ bắt cóc, mua bán, chiếm đoạt trẻ em, với 37 em là nạn nhân, tăng 7% so với năm 2010. Bước sang năm 2012, tính đến thời điểm này số vụ đã tăng lên gần 20% so với năm cũ, trong đó nổi lên nhiều vụ bắt cóc trẻ em một cách táo tợn.

 

Cảnh giác với những mối quan hệ xã hội

 

Sau chuyên án giải cứu cháu bé 11 tuổi (học sinh lớp 6, ở Hà Đông, Hà Nội) bị bắt cóc ngày 19.11.2012, đại tá Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết: Từ trước đến nay, trên địa bàn TP.Hà Nội đã xảy ra một số vụ bắt cóc trẻ em tống tiền gia đình. Nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra vụ bắt cóc đối với học sinh. Để phòng ngừa loại tội phạm này, theo ông Chung, cơ quan công an các cấp, hệ thống các nhà trường từ tiểu học đến phổ thông cơ sở, ban giám hiệu các nhà trường, cần rút ra bài học kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa để tuyên truyền trước các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm bắt cóc, tống tiền trẻ em.

Đại tá Phạm Văn Sỹ - Trưởng phòng Phòng chống tội phạm mua bán người và tội phạm liên quan đến trẻ em – Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) - khẳng định: Qua các vụ án bắt cóc trẻ em tống tiền, một điều dễ nhận thấy là bọn tội phạm là đối tượng có mối quan hệ quen biết, thậm chí thân thiết với phía gia đình nạn nhân. Trên cơ sở nắm rõ lai lịch, tính cách bố mẹ, chúng mới dám lên kế hoạch thực hiện hành vi. Cũng theo đại tá Sỹ, nguyên nhân bùng phát tội phạm nói chung và tội phạm bắt cóc trẻ em tống tiền nói riêng đa phần bắt nguồn từ suy thoái kinh tế. Do nợ nần trong làm ăn, bế tắc về kinh tế, hay vướng vào tín dụng đen dẫn đến áp lực khiến một người bình thường cũng có hành vi phạm tội.


Đại tá Phạm Văn Sỹ cho biết, trước tình hình tội phạm bắt cóc trẻ em gia tăng, Cục Cảnh sát hình sự đã có chương trình triển khai xuống công an cơ sở để tham mưu, tuyên truyền cho toàn dân biết các phương thức hoạt động của tội phạm bắt cóc, cũng như cách phát hiện phòng ngừa đối tượng khả nghi.


Theo đại tá Sỹ, việc đưa đón các cháu cần thực hiện cố định, nếu có thay đổi phụ huynh phải báo cho thầy cô giáo. Trường hợp gia đình không đưa đón, các cháu tự đi xe đạp, thầy cô và phụ huynh nên giữ mối liên lạc thường xuyên. Bố mẹ và thầy cô giáo cần dạy thêm cho trẻ biết cách ứng phó trước tình huống tiếp xúc với người lạ, hoặc người không đáng tin cậy.

Theo Danviet-M

Tin mới