Điểm tựa cho người lầm lỗi

(Baonghean) - “Họ từng mắc lỗi lầm, từng trượt ngã nhưng nhiệm vụ của chúng ta là giúp họ đứng dậy bước về phía trước bằng ý chí, nghị lực và bằng  sự tự tin của một con người”, lời phát biểu của Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, Giám thị Trại giam số 6, khiến những người có mặt trong buổi giao lưu “Thắp sáng ước mơ vì ngày mai tươi sáng” do Hội LHTN tỉnh phối hợp với Trại giam số 6 tổ chức xúc động, nhiều người không cầm được nước mắt.

Nguyễn Thị Diễm Trang từng là sinh viên tài sắc của khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội. Với thân hình cao ráo, nước da trắng và đôi mắt đen, Trang là niềm mơ ước của bao nhiêu chàng trai, nhiều “đại gia” không tiếc tiền để mua tặng Trang những món đồ quý cùng những lời nói ngon ngọt. Trước cám dỗ của vật chất, cô sinh viên nhạc viện đã không giữ được mình, ngả vào vòng tay của một đại gia giàu có. Những cuộc chơi thâu đêm, tới bến đã đưa cô gái trẻ bập vào cái chết trắng và trở thành kẻ xách thuê ma túy cho người tình.

Cách đây 4 năm, Trang bị bắt và kết án 8 năm tù, thụ án ở Trại giam số 6, Bộ Công an. Những ngày đầu vào trại, cô gái trẻ từng có ý định kết liễu đời mình, nhất là sau những cơn đói thuốc vật vã. Được sự động viên của cán bộ quản giáo, Trang cắt được cơn nghiện, dần dần tự tin, đứng lên để cải tạo tốt. Là người có năng khiếu múa hát, dàn dựng chương trình, làm MC, Diễm Trang được giao phụ trách các chương trình văn nghệ phạm nhân.

Được mặc áo dài, được đứng dưới ánh đèn sân khấu trong tiếng nhạc du dương, cô phạm nhân có tâm hồn nghệ sĩ như sống lại chính mình. Chính Diễm Trang là người đã phổ nhạc bài thơ “Lời ru ngàn đời” theo giai điệu ca trù của Đại tá Lê Trung Hiếu - Phó Giám thị Trại giam số 6. Trong buổi giao lưu giữa tháng 8 vừa qua, lời bài hát được Trang và nhóm “ca sĩ mặc áo số” cất lên da diết đắm say, khiến cả hội trường trầm trồ.

Hồ Văn Thìn (SN 1984), vào tù với tội danh cố ý gây thương tích dẫn tới chết người. Vào trại những ngày đầu Thìn thường rơi vào trạng thái chán nản, có lúc muốn từ bỏ cuộc sống, nhưng rồi được sự động viên của quản giáo, Thìn đã lấy lại được tinh thần và  tự hứa phải cải tạo tốt để sớm đoàn tụ với vợ con, gia đình. Vì thế, Thìn là phạm nhân luôn được tuyên dương trong các đợt tổng kết vì có thành tích cải tạo tiến bộ. Thìn cho biết: “Khi vào đây em mới biết giá trị của tình yêu thương. Mong sớm được trở về với gia đình, với xã hội để làm lại cuộc đời và mong xã hội, các tổ chức đón nhận những phận người lầm lỗi một thời như em để chúng em có cơ hội được sửa sai, được bù đắp cho gia đình”.

Hồ Văn Thìn (đang cầm micrô) trong buổi giao lưu “Thắp sáng ước mơ vì tương lai tươi sáng”. Ảnh: TN

Trại giam số 6 - Tổng cục VIII có khoảng 4000 phạm nhân, trong đó khoảng 70% phạm nhân liên quan đến ma túy. Thông thường những phạm nhân tàng trữ và buôn bán nếu tái phạm là những đối tượng có tiền sử nghiện hút hoặc những đối tượng buôn bán có tổ chức. Nguyễn Thị Lan Hương (SN 1980) đã 3 lần vào tù, mới đây nhất, Hương bị bắt quả tang khi đang buôn bán, tàng trữ một lượng ma túy và phải chịu án tù 8 năm. Những lần vào tù trước, Hương được học nghề làm mi giả, tranh thêu chữ thập nhưng ra tù, do xã hội đưa đẩy và do gia cảnh quá túng thiếu, lại không có nghề nghiệp nên mãn hạn tù cô không biết làm gì để kiếm sống nên đã “quá túng làm liều”, ngựa lại quen đường cũ.

Cũng như Hương, Trần Văn Thân quê ở Nam Định phải chịu án ma túy vì nghiện hút dẫn đến mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy và cũng tái phạm lần thứ 2. Thân là phạm nhân cải tạo tốt và có uy tín đối với những phạm nhân khác nên Thân được các phạm nhân cùng phân đội bình bầu, được quản giáo giao phó làm đội trưởng của phân đội gồm 60 người. Nhìn Thân khỏe mạnh, ăn nói lưu loát ít ai nghĩ Thân đã từng “dặt dẹo” vì nghiện. Thân nói: “Em đã từng là thợ sửa chữa điện tử, sửa chữa điện dân dụng nhưng cái khó của bọn em là khi ra tù thường hay bị xã hội xa lánh, có mở ốt kinh doanh cũng rất ít khách vì họ sợ thằng tù lại cuỗm mất đồ. Vậy là nản, lại tìm đến với bạn xấu...”

Khi được hỏi cần sự giúp đỡ nào của cộng đồng để các bạn có thể xa lánh hoàn toàn với “nghề” cũ cả Hương và Thân đều mong muốn khi mãn hạn tù được tuyển dụng vào một khu công nghiệp gần nhà để có thể ổn định cuộc sống; muốn được đi đá bóng, được giao lưu văn nghệ với thanh niên xóm, xã. Đặc biệt, họ mong muốn bà con lối xóm đừng có cái nhìn dò xét, khinh bỉ thì lúc ấy họ mới có thể  sống tự tin. “Từ ngày có các chương trình giao lưu văn nghệ giữa Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp Thanh niên tỉnh Nghệ An với các phạm nhân, những tù nhân trẻ như chúng em có thêm nhiều hi vọng hơn, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, và thấy ngày về cũng gần hơn ở phía trước”, phạm nhân Trần Văn Thân tâm sự.

Các phạm nhân được học may tại Trại giam số 6. Ảnh: N.K

Từ 2010, Hội LHTN tỉnh và Tổng cục VIII - Bộ Công an đã ký kết chương trình Phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Hằng năm, Hội LHTN tỉnh phối hợp với Trại giam số 6 có những chương trình giao lưu ý nghĩa. Đây là cơ hội để các phạm nhân được giao lưu, được gặp gỡ với những “vị khách ngoài xã hội”.

Qua chương trình nhằm thể hiện sự quan tâm đồng hành của cộng đồng với những con người đang bị mất quyền công dân. Ngoài việc tổ chức các buổi giao lưu Hội còn phối hợp với Câu lạc bộ thầy thuốc trẻ tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho những phạm nhân mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, lao phổi và các bệnh mãn tính. Từ những buổi được khám bệnh này, phạm nhân càng có thêm ý chí và hy vọng hơn về sức khỏe của mình. Qua đó họ đã cảm nhận sâu sắc sự quan tâm, đồng hành và sẻ chia từ cộng đồng. Chương trình cũng là nơi kết nối các doanh nghiệp với trại giam để các doanh nghiệp có thể kết hợp với Trại đào tạo nghề, lựa chọn được những phạm nhân có nghề, cải tạo tốt, giúp họ sớm có cuộc sống ổn định khi trở về cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ tái phạm...

Trong dịp Quốc khánh 2/9 sắp tới có gần 300 phạm nhân của Trại giam số 6 được hưởng đặc xá, những người này khi được ra tù có thể sẽ trở thành những công dân tốt có ích cho xã hội. Nhưng không ai dám chắc trong số họ lại không có những người không tái phạm. Ngoài sự nỗ lực của bản thân, gia đình thì sự vào cuộc quyết liệt của tổ chức Đoàn, Hội chính là điểm tựa về tinh thần giúp họ sớm bắt nhịp được với cuộc sống đời thường, xa lánh với những bạn bè xấu và giảm nguy cơ tái phạm tội. Đồng thời, tổ chức Đoàn, Hội phải tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp có những chương trình đào tạo nghề và tuyển dụng những đối tượng có nghề vào làm việc. Đó mới chính là sự đồng hành chia sẻ thực sự!

Thanh Nga

Tin mới