Thầy Kiểu và tâm huyết phục hồi đền thờ Nguyễn Biểu

(Baonghean) - Về thăm đền thờ danh nhân Nguyễn Biểu tại xã Hưng Lam (Hưng Nguyên), nghe trong nhiều chuyện kể về Nghĩa sĩ Đại vương của người dân xóm 2, chúng tôi đặc biệt ấn tượng bởi câu chuyện: "Di tích thờ Nghĩa sĩ đại vương Nguyễn Biểu, cùng với chúa Yên Quốc rất linh thiêng, là nơi vãn cảnh dâng hương, cầu phúc của người dân từ bao đời. Bây giờ, chùa Yên Quốc đã không còn dấu tích. Nếu không có thầy Kiểu thì di tích thờ Nguyễn Biểu cũng khó mà tồn tại".

Tìm đến nhà thầy Kiểu, vợ thầy cho hay: Thầy đi Vinh đặt bia cho đền Nguyễn Biểu. "Thầy tâm huyết với đền Nguyễn Biểu lắm, suốt hai năm trời ròng rã lăn lộn, bám trụ nơi đền chẳng kể mưa, nắng", cô cho biết. Điện thoại hẹn thầy trong một quán nước ven sông Lam.

Giữa cái nắng gắt nhẹ của tháng 8, thầy Kiểu bồi hồi nhớ lại: "Đền thờ Nguyễn Biểu gắn với tuổi thơ chúng tôi. Trước đây sinh hoạt văn hoá tâm linh tại đền rất sôi động, nhưng có một giai đoạn bị bỏ hoang phế. Đến khoảng năm 2007, ngôi đền có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Là người con của quê hương, từng viên ngói, cây cột, đường cong của mái đền đã hằn sâu trong ký ức mỗi chúng tôi.

Thầy Kiểu bên di tích đền Nguyễn Biểu đã được phục hồi.

Không đành lòng nhìn những dấu tích, niềm tự hào, truyền thống của quê mình cứ mất dần theo thời gian, năm tháng, tôi quyết tâm tìm cách phục dựng lại di tích. Tôi bàn với thầy Phạm Mạnh Cường, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện Hưng Nguyên, anh Đặng Thái Anh (xóm 1), anh Nguyên Văn Tứ (xóm trưởng xóm 1)... thành lập ban trùng tu.

Đầu tiên chúng tôi sưu tầm tư liệu, nghiên cứu các sắc phong, bài vị của đền. Tôi cũng biết chút ít chữ Hán nên việc nghiên cứu cũng khá thuận lợi". Sau nhiều ngày đêm miệt mài, lặn lội khắp các bảo tàng, thư viện, viện "công trình nghiên cứu” của thầy Kiểu và ban trùng tu cơ bản hoàn tất với kết quả: Sau khi Nguyễn Biểu mất, ghi nhận công lao, cảm kích trước khí tiết của Nghĩa liệt vương Nguyễn Biểu, người dân đã lập miếu thờ ông trên núi Lam Thành, vị trí cách chùa Yên Quốc khoảng 1 km, ban đầu chỉ là gian miếu nhỏ làm bằng tranh tre nứa mét. Đến thời Hậu Lê mới được xây dựng bằng gạch ngói, gỗ kiên cố. Đến năm Duy Tân thứ 7 (1913 ), đền được xây dựng các hạng mục nhà bái đường và hai hậu cung. Cùng với thờ Nguyễn Biểu, đền còn thờ Phan Quốc Hoa, quê ở La Sơn (Đức Thọ), đậu Tiến sĩ năm 1535 đời vua Lê Trang Tông, đã hy sinh trong một trận giao tranh với quân Mạc vào năm 1557.

Sau khi chủ trương trùng tu di tích đã được các cấp chính quyền thông qua, ban trùng tu đã cử các thành viên đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác để vận động con em Hưng Lam, Hưng Nguyên chung tay đóng góp công đức. Thầy Kiểu và các con trong gia đình tiên phong đóng góp.

Trong 2 năm, với nguồn công đức khoảng 200 triệu đồng, thầy Kiểu cùng các thành viên ban trùng tu đã bám trụ với di tích, tìm cách khôi phục các hạng mục đã bị xuống cấp. Nguyên tắc của ban trùng tu đề ra là cố gắng đến mức cao nhất để phục hồi nguyên gốc, trong trường hợp không có cách nào khác thì phải làm mới. Mái ngói của đền hầu như đã hỏng, loại ngói cũ xưa không còn nơi nào sản xuất mà lợp ngói mới vào thì không ổn. Thầy Kiểu đi đến các gia đình, dòng họ trước đây có ngói cũ nay không dùng, tìm mua hoặc đổi, xin lại, được hơn 7.000 viên, đủ lợp lại cả nhà bái đường, hậu cung. Hai cột hoa biểu phía trước đền đã nghiêng hẳn, nhiều người góp ý nên phá đi để làm mới, nhưng thầy Kiểu và ban trùng tu kiên quyết tìm cách khôi phục.

Sau nhiều đêm mất ngủ, thầy Kiểu đã nghĩ ra cách dùng các thiết bị để kích, kéo hai trụ hoa biểu về vị trí cũ. Vị trí thi công lầy lội, những người thợ rất lo ngại và chỉ chấp nhận thi công với một điều kiện: có thầy Kiểu đứng ra chỉ huy, điều khiển, vì họ cho rằng thầy Kiểu có một sức mạnh tâm linh đặc biệt, thầy đứng bên cạnh thì việc kích, kéo cột trụ mới thành công. Quả nhiên quá trình kích kéo diễn ra an toàn, hai cột hoa biểu và những bức tường phía trước với hoa văn nguyên bản được dựng lại trước sự ngạc nhiên của mọi người. Sau này, khi phục hồi di tích đền Nguyễn Biểu ở xã Yên Hồ, các cán bộ huyện Đức Thọ cũng sang gặp thầy Kiểu để nhờ tư vấn cách phục hồi trụ hoa biểu.

Hai năm trời bám trụ công trình, cuối cùng công lao của thầy Kiểu và các thành viên ban trùng tu đã được đền đáp: Đền thờ Nguyễn Biểu được công nhận là di tích cấp tỉnh vào năm 2009. Đến nay, trong khuôn viên đền khoảng 3.000m2 có giếng cổ, cổng tam quan và hai bức tường cổ, hai con voi, hai nhà hoá vàng, bái đường, hai hậu cung có bài vị Nguyễn Biểu và Phan Quốc Hoa. Phía trước nhà bái đường có bức hoành phi "Hộ quốc tý dân" (Bảo vệ nước, che chở dân) và đôi câu đối: "Thành Lam tích cổ chung linh địa - Yên Việt song trung kỷ niệm đài" (Thành Lam nơi chung đúc đất thiêng - Yên Việt là đài kỷ niệm của hai bậc trung thần". Bên trái có bài thơ của vua Trùng Quang tiễn Nguyễn Biểu đi sứ, bên phải là bài thơ "ăn cỗ đầu người” của Nguyễn Biểu.

Kể về thầy Kiểu, các phụ huynh, học sinh của xã Hưng Lam và vùng lân cận còn tự hào khoe: Trường THCS Nguyễn Biểu do thầy Nguyễn Văn Kiểu làm Hiệu trưởng là trường tiên tiến của huyện Hưng Nguyên. Đã 4 năm liền trường nằm trong tốp 3 của huyện về chất lượng giáo dục. Trường cũng là đơn vị có nhiều học sinh giỏi các cấp của huyện, năm học 2010 - 2011 có 1 học sinh giỏi cấp Quốc gia. Năm học 2012 - 2013 vừa qua có 2 học sinh đạt giải Nhì và Ba cấp tỉnh các môn văn hóa, nhiều em thi đậu vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Riêng thầy Nguyễn Văn Kiểu 4 năm liền được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Tạm biệt thầy Kiểu, men theo bờ đê 42 vững chãi bên dòng Lam trĩu nặng phù sa dồn góp từ trăm suối, ngàn khe của miền Tây xứ Nghệ đổ về bồi đắp cho những bãi ngô, ruộng màu mướt xanh, tôi cứ miên man mãi về người Thầy với sứ mệnh lưu giữ, chắt chiu từng giọt hồn cốt của quê hương, xứ sở cho cháu con, hậu duệ đời đời...

Trần Quang Đại

Tin mới