Thức ăn đường phố "Thiếu đủ thứ"

(Baonghean) - Không khó để tìm đến các quán ăn vỉa hè, trong đó tập trung đông nhất là tại các khu vực chợ, cổng trường học, bệnh viện hay bến xe… Lý do hút khách hàng của những quán ăn này là sự tiện lợi, và nhất là giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của số đông. Ngoài những lợi thế trên, thức ăn đường phố cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh vì không đảm bảo ATVSTP.

Thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ảnh minh họa)
Thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ảnh minh họa)
“Khuất mắt cho qua”…
Trước cổng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, trên vỉa hè cứ cách 2 - 3 m lại có một quán ăn. Đồ ăn ở đây rất đa dạng, từ bún, cháo, phở đến bánh khoai rán, hoa quả dầm... Thoạt nhìn cách bày biện đồ ăn trông sạch sẽ, bắt mắt, nhưng nếu để ý kỹ  “hậu trường” của quán sẽ thấy vô cùng nhếch nhác, thực phẩm chín không được che đậy, bát đĩa để dưới nền đất ngay cạnh lối đi; người bán hàng, người “canh” đội trật tự đô thị, khi lực lượng chức năng này đến thì hò nhau đẩy hàng chạy gây rơi vãi lung tung. Các quán ăn dù rất sơ sài, mất vệ sinh là vậy nhưng vẫn đông khách bởi tiện cho người đi đường, cho bệnh nhân và người nhà phục vụ… Các con phố Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Sỹ Sách... (TP. Vinh) những nơi được coi là "thiên đường ăn đêm" của thực khách, tình trạng mất an toàn thực phẩm cũng diễn tương tự. 
Theo số liệu mới đây từ Bộ Y tế, có tới 70-80% thực phẩm đường phố bị nhiễm khuẩn, trong đó có vi khuẩn E.coli gây bệnh tiêu chảy, đường ruột và phẩy khuẩn tả. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 250 - 500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000 - 10.000 nạn nhân, có  100 - 200 ca tử vong. Số lượng các ca ngộ độc thực phẩm có dấu hiệu không ngừng tăng lên mỗi dịp hè tới…

Điều kiện vệ sinh kém là điều dễ nhận thấy ở hầu hết những nơi kinh doanh thức ăn đường phố, song một vấn đề đáng quan tâm hơn là “lỗ hổng” kiến thức VSATTP của những người kinh doanh loại hình này. Theo Điều 8, Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý thức ăn đường phố quy định: “Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn về VSATTP và có giấy xác nhận; phải được khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe; người mắc các bệnh truyền nhiễm không được tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm; nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có đủ nguồn nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh…”.

Tuy nhiên, hầu như không có cơ sở, điểm bán thức ăn đường phố nào trên địa bàn thành phố bảo đảm đúng quy định. Thậm chí, khi được hỏi về các quy định này, nhiều chủ quán còn tỏ ra “ngơ ngác”. Chị chủ một hàng cháo, miến lươn trên đường Hồ Sỹ Dương (TP. Vinh) cho hay: “Những quy định đó là dành cho các nhà hàng, quán ăn lớn thực hiện thôi, chứ ngồi trên vỉa hè bán nồi cháo cho mọi người ăn sáng như chúng tôi thì tính làm gì”. Trong khi ý thức của người kinh doanh còn hạn chế như vậy thì nhiều người tiêu dùng lại tỏ ra “dễ dãi”, chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sao cho an toàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Anh Lê Viết Hùng ở xóm 16 - xã Hưng Lộc cho hay: “Buổi trưa tôi và đồng nghiệp thường xuyên rủ nhau đi ăn cơm bụi trên đường Lê Hồng Phong, vừa gần cơ quan để tiện làm việc buổi chiều mà giá cả cũng hợp túi tiền. Đành rằng cũng tiện thật, nhưng cũng thấy lo vì không biết người kinh doanh khi chế biến có hợp vệ sinh, nguồn thực phẩm cũng có đảm bảo hay không trong khi các cơ quan chức năng đã phanh phui và bắt giữ nhiều vụ thực phẩm “bẩn”  đang tuồn vào thị trường tỉnh ta”. Còn đối với chị Nguyễn Thị Thúy (y tá Khoa Tim mạch - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh) lại cho rằng: “Nếu đòi hỏi hợp vệ sinh thì chỉ có ở nhà tự chế biến, chứ đã đi ăn ở hàng, quán bên ngoài, nhất là quán ăn vỉa hè thì chỉ cần hợp khẩu vị của mình là được, còn vấn đề vệ sinh thì phải chấp nhận “khuất mắt cho qua”…
Cần nâng cao nhận thức cộng đồng
Theo số liệu thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An, trong năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 265 người mắc phải và 1 trường hợp tử vong, trong đó ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố chiếm khoảng 5%. Ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Nghệ An cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”, Chi cục đã tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo đó, toàn tỉnh đã thành lập 466 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATVSTP; trong đó tuyến tỉnh 1 đoàn, tuyến huyện 24 đoàn và tuyến xã 441 đoàn tiến hành thanh tra.
Tháng hành động vì chất lượng VSATTP diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5, Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về VSATTP đã triển khai đồng loạt các hoạt động từ tuyến tỉnh, huyện, thành phố đến các xã, phường, thị trấn. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, Ban quản lý khu lễ hội, Ban quản lý khu công nghiệp, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP đối với thức ăn đường phố; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; vận động các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm ATTP...
Qua kiểm tra 8.236/15.442 cơ sở, có 6.854 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 83,22% ); ở loại hình cơ sở thực phẩm sản xuất, chế biến đã kiểm tra 870/1.953 cơ sở, có 662 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 76,09%); ở loại hình dịch vụ ăn uống đã kiểm tra 3.196/4.937 cơ sở, có 2.632 cơ sở đạt (chiếm 82,35%); loại hình kinh doanh đã kiểm tra 4.170/8.552 cơ sở kinh doanh, có 3.560 cơ sở đạt (chiếm 85,37%). Các đoàn đã tiến hành lập biên bản vi phạm với 1.382 cơ sở vi phạm, xử lý 374 trường hợp với các nội dung chủ yếu như: Người tham gia chế biến thực phẩm còn thiếu kiến thức, thiếu cả ý thức trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm; khu chế biến sai quy cách, mất vệ sinh; vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm; về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm; vi phạm quy định về sử dụng vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm chưa được thực hiện nghiêm túc…
Những hoạt động mà Ban Chỉ đạo liên ngành của tỉnh về VSATTP thực hiện đã mang lại những hiệu quả nhất định, song phải nói rằng, chuỗi hoạt động tập trung và có chiều sâu này chỉ diễn ra trong thời gian cao điểm của Tháng hành động, chưa đủ để có thể làm thay đổi thực trạng mất VSATTP ở loại hình kinh doanh thức ăn đường phố. Còn sau đó, đâu lại vào đấy như hành động “ném đá ao bèo”. Tháng hành động trôi qua chưa được bao lâu, nhưng tại thời điểm này hoạt động của hàng quán thức ăn đường phố lại trở về nguyên trạng, đầy nguy cơ mất ATVSTP và chỉ cần nhìn sơ qua cung cách bán hàng “thiếu đủ thứ” của người kinh doanh thức ăn đường phố cũng đủ thấy không an lòng...
Để bảo đảm VSATTP, trước hết mỗi hộ kinh doanh phải ý thức được trách nhiệm của mình với sức khỏe cộng đồng để điều chỉnh hành vi và thay đổi điều kiện kinh doanh sao cho đạt yêu cầu VSATTP. Các cấp chính quyền, đặc biệt là xã, phường phải chủ trì, y tế các cấp tham mưu thật tốt cho chính quyền để huy động đông đảo lực lượng xã hội tham gia có hiệu quả các hoạt động bảo đảm VSATTP trên địa bàn mình. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác này. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải tự trang bị những kiến thức VSATTP, tẩy chay những quán ăn đường phố không bảo đảm VSATTP, thông báo cho cơ quan quản lý biết và xử lý kịp thời các quán ăn đường phố không tuân thủ các điều kiện VSATTP.
Ngọc Anh

Tin mới