Xã hội hóa dịch vụ công chứng: Những khó khăn cần khắc phục

(Baonghean) - Luật Công chứng với chủ trương xã hội hóa dịch vụ công chứng được triển khai 7 năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, bảo đảm tính pháp lý cho các quan hệ dân sự, tạo môi trường tin cậy cũng như góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, bất cập khiến chất lượng xã hội hóa công chứng chưa cao... 
Người dân đến công chứng tại Văn phòng công chứng Vinh.
Người dân đến công chứng tại Văn phòng công chứng Vinh.
Nhanh chóng, thuận lợi
Đang cần chuyển nhượng đất cho con trai, ông Nguyễn Văn Bình, phường Quán Bàu (TP.Vinh) đã đến Văn phòng công chứng Vinh để công chứng toàn bộ hồ sơ. Chỉ trong một thời gian ngắn, hồ sơ của ông Bình đã được công chứng nhanh gọn, chính xác và cẩn thận. Ông Bình cho biết: Ban đầu khi đến văn phòng công chứng tư nhân rất lo ngại vì không biết có hợp pháp không nhưng sau khi được các công chứng viên hướng dẫn, hỗ trợ tôi thấy an tâm. Thái độ phục vụ của nhân viên ở đây rất nhiệt tình, chu đáo, thời gian giải quyết được rút ngắn nên không phải chờ đợi lâu. Đó cũng là đánh giá, nhận xét chung của người dân về các văn phòng công chứng tư trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Kính, Trưởng Văn phòng công chứng Vinh ( thành lập năm 2009) cho biết: Sự ra đời của văn phòng công chứng đã mở ra hành lang pháp lý cho mỗi người dân, tổ chức pháp nhân trong giao dịch dân sự. Trước đây, cả tỉnh chỉ có một phòng công chứng, người dân muốn thực hiện giao dịch dân sự phải đến Sở Tư pháp, nhiều khi phải xếp hàng chờ đợi... Một số chức năng giao cho phường, xã thì không hội tụ đủ điều kiện về pháp lý để thực hiện. Các văn phòng công chứng với đội ngũ cán bộ có trình độ nghề nghiệp, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình…
Từ đầu năm đến nay, Văn phòng công chứng Thành An (số 91, đường Nguyễn Thái Học, TP. Vinh) công chứng hơn 1.000 bộ hồ sơ, trong đó chủ yếu là các hợp đồng thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, phân chia tài sản thừa kế. Vốn là một công chứng viên về hưu, bà Nguyễn Thị Minh, Trưởng Văn phòng công chứng Thành An cho biết: Khi đến với văn phòng, người dân có điều gì không hiểu hoặc gặp rắc rối với hồ sơ đều được giải thích cặn kẽ. Nhưng điều mà người dân cũng như nhiều khách hàng hài lòng nhất là hồ sơ giải quyết nhanh, cán bộ lịch sự, niềm nở. Hơn nữa, các danh mục, quy định hồ sơ yêu cầu công chứng được công khai, minh bạch, các mức thu phí công chứng đã được niêm yết sẵn để khách hàng giao dịch dễ dàng. 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 24 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó, ngoài 2 phòng công chứng nhà nước thì còn có 22 văn phòng công chứng tư nhân. Với sự ra đời của Luật Công chứng, hoạt động công chứng ở Nghệ An trong thời gian qua đã khẳng định ngày càng rõ hơn vai trò, vị trí quan trọng của công chứng trong đời sống xã hội và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công chứng của nhân dân. Đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch và góp phần phòng ngừa những tranh chấp và vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Tùy thuộc vào nhu cầu của mình, người dân có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc chứng nhận các hợp đồng. giao dịch... Bà Nguyễn Quế Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Hoạt động của các phòng, văn phòng công chứng đã góp phần thực hiện nhanh việc công chứng các hợp đồng, giao dịch của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn  thuận lợi, kịp thời. Việc ra đời các văn phòng công chứng đã chia sẻ gánh nặng hành chính tư pháp cho các cơ quan nhà nước. Cùng với đó, việc gia tăng các tổ chức hành nghề công chứng buộc các phòng công chứng và văn phòng công chứng phải thay đổi cung cách phục vụ người dân.
Khắc phục bất cập
Tuy đã đạt được những kết quả khả quan nhưng công tác xã hội hóa hoạt động công chứng đang đặt ra những vấn đề bất cập cần khẩn trương khắc phục. Mặc dù, có rất nhiều tổ chức hành nghề công chứng được thành lập, nhưng phân bổ không đồng đều, chủ yếu tập trung ở thành phố và các huyện đồng bằng. Còn ở các địa bàn có điều kiện kinh tế kém phát triển thì số lượng tổ chức hành nghề công chứng rất ít, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch. Như tại Thành phố Vinh, ngoài Phòng công chứng số 1 của Nhà nước thì có tới 10 văn phòng công chứng tư nhân hoạt động. Có những văn phòng chỉ cách nhau vài trăm mét. Khi các giao dịch về nhà đất, vay vốn, thế chấp tài sản giảm xuống thì số lượng công việc của các văn phòng công chứng đều ít hơn so với trước. Bà Nguyễn Thị Minh, Trưởng Văn phòng công chứng Thành An cho biết: Số lượng khách hàng đến với văn phòng càng ngày càng giảm. Một phần nguyên nhân là do thị trường bất động sản trong thời gian qua bị đóng băng và hiện nay vẫn chưa được hồi phục. Hơn nữa, trong một địa bàn nhưng có quá nhiều văn phòng nên phải cạnh tranh nhau”. 
Để có khách hàng, các văn phòng công chứng phải cạnh tranh nhau và đã xuất hiện tình trạng canh tranh không lành mạnh. Nhiều văn phòng công chứng đã tiến hành các giao dịch ngoài trụ sở, dễ dãi trong thẩm định hồ sơ hay chi hoa hồng, chiết khấu cho khách hàng... Một số văn phòng “bắt tay” với các ngân hàng đóng trên địa bàn thành phố và yêu cầu hàng khách hàng phải công chứng tại văn phòng đã được “chỉ định”. Ông Nguyễn Xuân Kính, Trưởng Văn phòng công chứng Vinh cho biết: Để văn phòng công chứng tồn tại và phát triển được thì bắt buộc phải xây dựng được mối quan hệ với các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là các ngân hàng. Nhưng không phải văn phòng nào cũng làm được điều này nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn thu, gây khó khăn không nhỏ trong quá trình hoạt động cũng như trả lương cho nhân viên. Chưa nói đến việc để thu hút khách hàng mà một số văn phòng công chứng tỏ ra dễ dãi trong việc thẩm định hồ sơ dẫn tới tình trạng công chứng ẩu, công chứng sai. Các văn phòng thường rất ít liên lạc với nhau để giúp đỡ nhau trong việc tìm kiếm tra cứu thông tin dẫn đến công chứng sai lệch trong giao dịch. 
Theo đề án quy hoạch thì số lượng văn phòng công  chứng sẽ không ngừng tăng lên và để đáp ứng nhiệm vụ này thì công tác phát triển đội ngũ công chứng viên và nâng cao chất lượng công chứng viên cần được coi trọng. Song vấn đề này đang còn gặp nhiều khó khăn do theo luật quy định thì công chứng viên phải đạt 5 năm làm việc trong các cơ quan pháp luật mới có thể đào tạo, tập sự để được trở thành công chứng viên. Nhưng điều này là khó vì công chứng viên chưa phải là vị trí hấp dẫn để cán bộ tham gia. Còn hiện nay, đa phần các công chứng viên đều đã về hưu. Có nhiều ý kiến cho rằng, nhiều công chứng viên hiện nay đang thiếu kinh nghiệm và nguyên nhân là do bắt nguồn từ điều kiện bổ nhiệm Công chứng viên được quy định khá mở trong Luật Công chứng. Cụ thể, những người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, tiến sỹ luật, luật sư đã hành nghề 3 năm trở lên… được miễn đào tạo nghề công chứng và miễn tập sự nghề công chứng. Quy định này khiến những người nêu trên thiếu đi một số kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết khi hành nghề công chứng.  “Sắp tới, khi Luật Công chứng sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thì công chứng viên không được quá 65 tuổi. Như vậy, một số công chứng viên hiện đang làm việc ở các văn phòng công chứng sẽ phải nghỉ việc. Nhưng nguồn cán bộ kế cận được đào tạo, tập sự và sau này trở thành công chứng viên là quá ít”, ông Nguyễn Xuân Kính cho biết. 
Chủ trương xã hội hóa dịch vụ công chứng đang càng ngày chứng tỏ được sự nhạy bén và tính hợp lý, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Qua 7 năm Luật Công chứng được thi hành thì những tồn tại, vướng mắc cần được tiếp tục rà soát, tháo gỡ kịp thời. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra về mặt nghiệp vụ công chứng, cũng như kịp thời chấn chỉnh không để phát sinh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng. Ban hành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để kịp thời trao đổi thông tin khi cần thiết, chẳng hạn như ngân hàng, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất... Việc xã hội hóa dịch vụ công chứng hết sức quan trọng nhưng cũng không thể nóng vội và cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo khả thi, trong đó hướng đến các địa phương miền núi, vùng sâu để đảm bảo phục vụ nhu cầu của nhân dân ngày càng tốt nhất. 
Phạm Bằng

Tin mới