Văn hóa giao thông học đường: Những vấn đề cần quan tâm!

(Baonghean) - Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, hình thành văn hóa giao thông cho học sinh phổ thông có ý nghĩa rất quan trọng trong đảm bảo an toàn giao thông. hiện nay, vấn đề trên ở tỉnh ta còn nhiều bất cập…

Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm trên đường Lê Hồng Phong (TP. Vinh).	Ảnh: Trần Hải
Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm trên đường Lê Hồng Phong (TP. Vinh). Ảnh: Trần Hải
Những điều trông thấy
 Gần 11 giờ 30 phút ngày 16/10, tại cổng Trường THPT Lê Viết Thuật (TP. Vinh), trên đường Phong Định Cảng, chỉ chưa đầy 5 phút sau tiếng trống tan trường, học sinh đã ào ra, chen chúc rất lộn xộn. Các em đa phần đi xe đạp, xe đạp điện, một số ít bố mẹ đến đón. Phần đường trước cổng trường gần như tắc nghẽn khi nhiều em dừng ở lòng đường để chờ nhau, dàn hàng ba, hàng tư để đi. Và đa số những em đi xe đạp điện đều không đội mũ bảo hiểm,...
Ở Trường THPT Dân lập Nguyễn Trường Tộ (TP. Vinh), tình trạng học sinh sử dụng xe máy khá phổ biến. Chỉ cách cổng trường vài chục mét, có 2 điểm giữ xe cho học sinh của các hộ dân, xe đạp và xe đạp điện được để phía ngoài, còn xe máy được “giấu” trong nhà. Về phía đại diện ban giám hiệu một số trường mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định, “trường thực hiện nghiêm việc cấm học sinh đi xe máy đến trường và khá yên tâm bởi không có em nào mang xe máy vào ga-ra của trường”. 
16 giờ 30 phút ngày 16/10, tại ngã tư Nguyễn Sỹ Sách – Hà Huy Tập, vào giờ tan tầm, học sinh các Trường THPT Hà Huy Tập (từ phía tuyến đường Phan Bội Châu – Nguyễn Sỹ Sách), THPT Nguyễn Trường Tộ (từ phía đường Hà Huy Tập), THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT Huỳnh Thúc Kháng (từ phía đường Nguyễn Văn Cừ) tan trường trở về nhà. Dù có đến 3 cảnh sát giao thông trực ở ngã tư này, nhưng hầu hết các em học sinh đều “hồn nhiên” tiến thẳng hoặc rẽ trái khi đèn tín hiệu chuyển sang đỏ, khiến nhiều ô tô, xe máy phải phanh gấp. Đến 17 giờ, ngã tư bị tắc nghẽn cục bộ khiến 2 CSGT nam phải đứng ra điều tiết giao thông. Trong khi các phương tiện khác đều chấp hành, thì nhiều học sinh đi xe đạp phớt lờ, khiến cho công việc của các cảnh sát giao thông rất vất vả. Tuy vậy, không có em nào bị xử lý. 
Cần giải pháp thiết thực
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, trong số 1.542 trường hợp vi phạm pháp luật của học sinh trên địa bàn toàn tỉnh, có đến 1.267 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ với các lỗi phổ biến: điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không có bằng lái xe máy, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm… Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn – Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông diễn biến phức tạp hơn nhiều so với con số trên, đặc biệt là ở lứa tuổi THPT – đây là lứa tuổi có nhiều chuyển biến trong tâm, sinh lý dễ dẫn đến vi phạm ATGT. 
Thời gian qua, Sở GD &ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường tiểu học trong tỉnh phải lồng ghép, thích ứng công tác giáo dục ATGT, kỹ năng sống ít nhất mỗi tuần một buổi trong và ngoài các giờ ngoại khóa lên lớp. Đến nay, đã có nhiều trường trong tỉnh xây dựng hệ thống sa bàn, tổ chức các hoạt động vui chơi, dựng tình huống,… giúp các em có điều kiện tìm hiểu rõ hơn hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, hiệu lệnh và chỉ dẫn của báo hiệu đường bộ; các kỹ năng đi bộ trên đường, đi bộ qua đường, đi xe đạp trên đường an toàn.
Thầy Dương Xuân Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Phú, cho biết: "Nhà trường thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền Luật Giao thông cho giáo viên, học sinh, phụ huynh. Mỗi năm một lần, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về ATGT cho học sinh; tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh ký cam kết thực hiện ATGT vào đầu năm học; xây dựng cổng trường ATGT...". 
Trường THPT Đinh Bạt Tụy (Hưng Nguyên) nằm gần địa bàn khu dân cư, lại sát trục Tỉnh lộ 558, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông. Tuy nhiên, những năm qua nhà trường không có trường hợp học sinh nào bị xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông cũng như tai nạn giao thông.  Thầy Lê Tất Đạo – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo Đoàn Thanh niên duy trì tốt hoạt động của Đội xung kích tình nguyện trong hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhắc nhở các bạn không đợi nhau ở cổng trường. Học sinh nào vi phạm bị ghi tên, thông báo về lớp nhắc nhở, nếu tái phạm nhiều lần sẽ hạ hạnh kiểm. Nhà trường cũng quản lý tốt việc học sinh đi xe đạp điện, nghiêm cấm không cho học sinh đi xe máy đến trường. Hàng năm, nhà trường tổ chức 3 - 4 buổi tuyên truyền về Luật Giao thông, các cuộc thi tìm hiểu an toàn giao thông, tổ chức cho học sinh ký cam kết an toàn giao thông vào đầu năm học; đặc biệt là kiên quyết xử lý học sinh vi phạm pháp luật an toàn giao thông như thông báo cho phụ huynh, hạ hạnh kiểm...”.
Tuy nhiên, vấn đề giáo dục an toàn giao thông trong các trường học phổ thông vẫn còn nhiều bất cập. Cô Lô Thị Thu Hà – Giáo viên bộ môn Giáo dục công dân – Trường THPT Lê Viết Thuật cho biết: “Trong nhà trường, hiện chưa có một khung chương trình thống nhất về an toàn giao thông cho cả 3 cấp học. Những kiến thức về pháp luật giao thông mới chỉ được giới thiệu rải rác trong môn giáo dục công dân. Hàng năm, học sinh đều được nhà trường phối hợp với công an tuyên truyền về pháp luật an toàn giao thông, nhưng việc tuyên truyền mới chỉ chú trọng đến các quy định pháp luật về an toàn giao thông chứ chưa chú trọng tới văn hóa giao thông. Trong lúc đó, văn hóa giao thông không chỉ là nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, mà còn phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông và cư xử có văn hoá khi lưu thông trên đường, như tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt... Do đó, hiệu quả của việc tuyên truyền còn thiếu và sức tác động tới học sinh bị hạn chế. Còn thầy Đỗ Văn Nho – Giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập (TP. Vinh) cho biết: “Bên cạnh các bài học lý thuyết như hiện nay, cần tăng cường các tiết thực hành để các em có điều kiện hiểu thêm về các quy định bảo đảm ATGT. Đặc biệt, tôi đồng tình cao quan điểm cần cho các em xem những hình ảnh về các lỗi vi phạm, về hậu quả của các vụ tai nạn giao thông sẽ có sức tác động mạnh mẽ hơn tới nhận thức của các em, từ đó hình thành ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông cho học sinh ngay từ khi cắp sách tới trường”.
Vấn đề nữa, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các nhà trường và lực lượng CSGT. Theo thầy Trần Cao Cường – Bí thư Đoàn Trường THPT Hà Huy Tập, lực lượng cảnh sát giao thông cần nghiêm túc xử lý đối tượng này như các trường hợp đi xe máy như tạm giữ xe vi phạm, báo về trường để có cơ sở xếp loại hạnh kiểm của học sinh, hoặc thông báo cho phụ huynh đến nộp phạt để nhận xe về… như vậy mới có tác dụng răn đe mạnh đối với học sinh vi phạm.
Để văn hóa giao thông học đường thực sự đi vào nền nếp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để các em thấy rõ được hậu quả của TNGT là thảm họa khôn lường, là tổn thất lớn không có gì bù đắp được; việc xử lý học sinh vi phạm phải mang tính tích cực, đủ sức răn đe; các bậc phụ huynh phải nhận thức được rằng, vi phạm của con em mình là có một phần lỗi của mình, từ đó cùng có trách nhiệm với nhà trường, với thầy, cô giáo chủ nhiệm trong việc giáo dục các em tránh được hiểm họa TNGT...
Minh Quân

Tin mới