Vở cải lương "Mai Hắc Đế": Thông điệp lớn từ những điều bình dị

(Baonghean.vn) - Một túp lều tranh trống trước, hụt sau. Người phụ nữ áo nâu, khăn vấn quằn quại trong nỗi hạ sinh đớn đau và khó nhọc. Những tiếng động dồn dập, lo âu; và vỡ òa không gian, là tiếng khóc của sinh linh bé bỏng chào đời. Tiếng khóc nhỏ nhoi, mơn mởn niềm hạnh phúc ngọt ngào, báo hiệu sự sống và bao điều vĩ đại của tương lai...
Một cảnh cao trào trong  vở cải lương “Mai Hắc Đế”. Ảnh: P.V
Một cảnh cao trào trong vở cải lương “Mai Hắc Đế”. Ảnh: P.V
Đó là cảnh mở đầu của vở cải lương “Mai Hắc Đế” do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng, với kịch bản văn học chặt chẽ, đầy cảm xúc của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Ngỡ rằng, với một nhân vật lịch sử có thân thế, sự nghiệp dày dặn, trường thiên như vị anh hùng dân tộc Mai Hắc Đế, hẳn khi được sân khấu hóa, phải là những cảnh diễn hoành tráng, những phục trang lộng lẫy, những lời thoại ước lệ, đao to búa lớn... Nhưng không, vở diễn gây bất ngờ bằng những điều nguyên sơ, giản dị nhất. Tôi tin rằng, cũng như tôi, nhiều người đã lặng đi trong niềm rung động khi chứng kiến điều thiêng liêng bình dị ấy. Tiếng khóc của một sinh linh, sau này chính là vị anh hùng của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, quy tụ hơn 40 vạn nghĩa binh, bao gồm anh hùng, hào kiệt của 32 châu và viện binh của các nước lân bang, đập tan ách đô hộ Đại Đường, mang đến 10 năm độc lập dưới thời Bắc thuộc cho người dân Giao Chỉ. Chẳng phải sao, sự vĩ đại nào mà lại chẳng bắt đầu từ những điều bình dị nhỏ bé? 
Tôi đồ rằng, sự bình dị ấy là dụng ý nghệ thuật của tác giả kịch bản cũng như đạo diễn, bởi mục đích mang đến cho khán giả những thông tin lịch sử dễ hiểu, dễ ngấm. Bình dị nhưng không hề dễ dãi, điều đó thể hiện qua từng trường đoạn chặt chẽ, khắc họa những giai đoạn trưởng thành và quá trình nhận thức về lý tưởng, tư tưởng nhân nghĩa, tự do của nhân vật Mai Thúc Loan. Khác với nhiều nhân vật lịch sử khác thường được tiếp cận dưới góc độ chiến công, danh vị, thì với Mai Thúc Loan, quá trình trưởng thành, tiếp biến ý thức của nhân vật được tác giả kịch bản chú trọng hơn cả. Đây cũng là điều tạo nên nhiều nút thắt cao trào trong suốt vở kịch. Tôi đã xem vở diễn 2 lần, lần đầu là chương trình Nhà hát truyền hình, chiếu trên kênh truyền hình VTV1, lần sau, khi vở cải lương được, công chiếu miễn phí phục vụ người dân đất Nghệ hướng tới kỷ niệm 1.302 năm chiến thắng Hoan Châu.
Lần nào cũng vẹn nguyên niềm xúc cảm rất người, rất đời trải dài suốt 2 tiếng rưỡi cùng vở diễn. Ở đó, cái định kiến về loại hình nghệ thuật cải lương ngỡ khó đồng điệu với giới trẻ cũng như ngần ngại về dung lượng thời gian của vở diễn, dường như không hề tồn tại. Cũng như bao người dân xứ Nghệ khác, tôi đã ở lại với vở diễn đến tận cùng, đã khóc cười cùng nhân vật, đã bi ai và tự hào thấm đẫm, đã tưởng như mình được lạc vào thế giới hàng nghìn năm về trước mà lòng dậy lên những xúc cảm khôn nguôi. Sau màn mở đầu về cuộc hạ sinh bình dị mà thiêng liêng, mang đến ấn tượng mạnh mẽ, vở diễn còn lần lượt đẩy cảm xúc người xem đến nhiều nút thắt cao trào. Đó là hình ảnh nhân vật Mai Thúc Loan và người mẹ của mình chạy trốn vào rừng trước sự truy đuổi của bọn giặc Đại Đường.
Trong nền nhạc hối hả, lo âu dồn dập, trong hiệu ứng hình ảnh 3D khu rừng già thâm u, với những chuyển động vội vã, dồn nén, sân khấu cải lương dường như thoắt biến thành cuộc rượt đuổi thực sự, và đỉnh điểm của mọi cảm xúc, là vỡ òa nỗi đớn đau cào xé của Mai Thúc Loan khi chứng kiến cái chết của người mẹ. Tiếng gọi “Mẹ ơi!” vọng khắp khán phòng đêm hôm ấy, tiếng gọi ẩn bao yêu thương, chất chứa những hờn căm và bồi đắp ý chí chống giặc ngoại xâm, trả thù nhà, nợ nước. Người xem đã đau cùng nỗi đau nhân vật, đã phẫn uất cùng sự phẫn uất của nhân vật... Đã có những thổn thức không thể kìm nén trước cảnh diễn cao trào ấy, dường như có một sợi chỉ vô hình nào đó gắn kết những xúc cảm sân khấu và không gian khán phòng, để tất cả đồng điệu hòa nhịp đến không ngờ!
Nhưng đâu chỉ có những bi thương, ở vở cải lương này, khán giả còn chìm đắm trong những thổn thức lãng mạn đẹp đẽ và huyền bí, những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc. Đó là cảnh nhân vật Mai Thúc Loan gặp thi nhân Vương Bột nhà Đường trong giấc mộng. Vương Bột được xem là một trong “Sơ Đường tứ kiệt” (một trong bốn nhà thơ kiệt xuất giai đoạn đầu của nhà Đường), nổi danh khắp cõi bởi biệt tài “hạ bút nên vần”. Nhân tài yểu mệnh, tương truyền, năm Vương Bột 29 tuổi, cùng gia đình 7 người dong thuyền vượt biển đi thăm cha làm quan ở đất Giao Chỉ thì gặp bão lớn, thuyền đắm giữa biển khơi, xác may thay dạt vào vùng biển Nghệ An. Người dân bản xứ cảm mến tài thơ, nặng nghĩa tử là nghĩa tận đã chôn cất chu đáo. Từ ngày ấy, đêm đêm ven dòng Lam giang thường vang lên giọng đọc thơ của Vương Bột:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc.
(Ráng chiều theo cánh chim cô đơn,
Nước mùa thu lẫn trời một sắc.)
Ấy là câu chuyện truyền kỳ lưu trong dân gian, còn với vở cải lương Mai Hắc Đế, dụng ý hư cấu nghệ thuật đã tạo nên cảnh gặp gỡ giữa chàng thanh niên Mai Thúc Loan với thi nhân Vương Bột thật đặc biệt. Tại cuộc gặp, hai thế hệ, hai người dân của hai bên chiến tuyến đã dành cho nhau những lời ngợi ca thật đẹp, vượt lên trên tất cả căm hờn, loạn ly thời cuộc, chỉ vút lên lòng hiếu học, nhân nghĩa, trí tín và vị tha khôn cùng. Tình tiết này chiếm không nhiều thời gian của vở diễn nhưng mang lại hiệu ứng dung hòa cảm xúc thật khéo kéo. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi cũng đủ để chứng minh tài trí của người Nghệ nói riêng, người nước Nam nói chung trước bề dày văn chương, thơ phú của người phương Bắc. Chàng thanh niên Mai Thúc Loan đã mạo muội chỉnh lại đôi tuyệt cú mà thần thi Vương Bột tâm đắc: “Mỗi câu bỏ đi một chữ, rằng: Lạc hà dữ vụ tề phi/ Thu thủy tràng thiên nhất sắc, sẽ tuyệt mỹ vô song!”. Khán giả như bị cuốn vào lối diễn thổi hồn của các diễn viên gạo cội, từng lời thoại thốt ra mang lại tâm thế thỏa mãn, khâm phục khắp khán phòng.
Thành công của vở diễn còn ở sự đan xen khéo léo, chặt chẽ của hàng loạt các tình tiết. Nào nhân vật quan lại gian manh, tráo trở; nào là những người dân Giao Chỉ đầy nghĩa khí; nào là những phận nữ nhi, người quân tử, người thổ hào... quyện vào nhau cùng với niềm vui, niềm tin, sự trớ trêu, nỗi bi kịch... Quên sao được trường đoạn nhân vật Mai Thúc Loan đau đớn, bất lực trước cái chết oan ức của người bố vợ ngay trước mắt mình. Cái chết dấy lên ngọn lửa căm hờn, nhưng cái chết ấy cũng là bài học về sự hy sinh, về tình phụ tử thâm sâu, để nhân vật Mai Thúc Loan có cơ hội dưỡng quân, rèn binh làm nên nghiệp lớn sau này. Cao trào xúc cảm ấy đã làm nên hình tượng nhân vật người anh hùng bình dị, và thông qua đó, cũng khéo léo tỏ bày một trong những nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa sau này. Cả 8 cảnh diễn suốt vở cải lương dài 2 tiếng rưỡi đồng hồ, thỏa lòng và mãn nhãn người xem với những trường đoạn nối nhau, với những nút thắt cảm xúc, càng về sau càng lên cao trào. Đỉnh điểm vỡ òa ở trường đoạn nhân vật Mai Thúc Loan dấy binh khởi nghĩa, thuyết phục và tập hợp anh hùng, hào kiệt đến từ 32 châu và các nước lân bang. Lời thoại, hay nói chính xác hơn là lời thơ sang sảng, hào khí, vang lên như lời khẳng định về tình đoàn kết thiết thân của dân tộc Việt sẽ vượt qua tất cả:
An Bang, Lâm Ấp, Chân Lạc, Kim Lân
Trước hổ đói của Đường triều 
là mồi ngon không thoát
Ngàn năm trước vong quốc đô trầm các
Ngàn vạn năm sau rình rập vong quốc đô
Nếu đứng xa nhau như chiếc đũa bơ vơ
Thì giặc ác kia thẳng tay bẻ gãy
Nhưng đoàn kết ba bốn cây chụm lại
Cả bó đũa kia đâu dễ hạ mình
Cả bó đũa sẽ mạnh mẽ hồi sinh
Cả bó đũa sẽ đập tan quân xâm lược...
Những lời thoại thốt lên, làn sóng xúc cảm run run khẽ dâng lên trong khán phòng rộng lớn. Thoáng thấy những giọt nước mắt đã rơi, không vì nỗi đớn đau căm phẫn mà bởi niềm hạnh phúc. Dung dị như mọi điều tất yếu khác trên đời, vở diễn đã đưa người xem trở về với cội nguồn tình yêu nước tự trong bản thể, dấy lên lòng tự hào quê hương, xứ sở đến lạ kỳ. 
Vở cải lương Mai Hắc Đế còn đánh dấu sự tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật và tôn vinh giá trị, phẩm chất người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đó là hình ảnh người mẹ Mai Thúc Loan, thà chết không chịu lấm thân dưới bàn tay tàn ác, ô hợp của đội quân Đại Đường. Đó là người vợ can trường, bất khuất Ngọc Tô. Đó còn là Bạch Vân - người con gái can trường, đã chấp nhận làm phu nhân Quang Sở Khách, với hy vọng dùng tình yêu cảm hóa cái ác, giúp Mai Hắc Đế trong công cuộc khởi nghĩa, xưng vương. Đó là những nữ nhi anh hùng xứ Đường Lâm, cùng hòa khí phách dựng xây nghiệp lớn... Xuyên suốt vở cải lương, sự xuất hiện của các nhân vật nữ nhi đã tạo nên những mắt xích dẫn chuyện cuốn hút, thổi vào tác phẩm niềm tin yêu, cảm phục trước hình ảnh người phụ nữ xứ Nghệ nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung vừa đức hạnh, vừa kiên cường.
Với người dân Nghệ An, nhân vật Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế trong lịch sử không phải là nhân vật xa lạ, nhưng tái hiện hình ảnh nhân vật anh hùng, gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hoan Châu lừng lẫy dưới hình thức vở diễn cải lương thì có phần khá lạ lẫm. Lạ, bởi với người Nghệ, phải nhìn nhận thực tế là cải lương còn chưa thực chuộng; lạ nữa, là thói quen xem vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử kéo dài non 3 tiếng đồng hồ dường như chưa có nhiều tiền lệ. Nhưng vượt qua những điều lạ lẫm ban đầu ấy, vở cải lương Mai Hắc Đế đã tự thân tạo ra một tiền lệ bất ngờ và đáng tự hào: thu hút và cuốn hút khán giả đến với sân khấu cải lương. Lăng kính nghệ thuật soi chiếu vào lịch sử đã thành công, đưa khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ gần hơn với lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và thông qua vở diễn, khẳng định chủ quyền và tinh thần tự do - độc lập của đất nước. 
Vở cải lương Mai Hắc Đế được công chiếu đúng thời điểm hướng tới kỷ niệm 1.302 năm khởi nghĩa Hoan Châu và trong bối cảnh tình hình khu vực cũng như thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Bối cảnh ấy mở ra cả những cơ hội lẫn thách thức trong quá trình phát triển đời sống kinh tế - xã hội và bảo vệ vẹn toàn chủ quyền đất nước, đòi hỏi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức rõ về giá trị của độc lập - tự do. Mặt khác, vở cải lương dung dị ấy còn chuyển tải những thông điệp sâu sắc, mang đến bài học quan trọng về tinh thần đoàn kết nội bộ cũng như cộng sự bang giao quốc tế. Bài học từ cách nay hơn 1.300 năm, bất chấp không gian và thời gian, vẫn nối mạch nguồn bất biến!
Phương Chi
TIN LIÊN QUAN

Tin mới