Viết tiếp chuyện "47 năm và hành trình ân nghĩa" "Cảm ơn Việt Nam!"

(Baonghean) - Báo Nghệ An cuối tuần số ra ngày 24/5/2015 có bài “47 năm và hành trình ân nghĩa” viết về chuyến đi đến Việt Nam của Thomas Eugene Wilber – con trai của  Walter Eugence Wilber – Trung tá phi công Mỹ từng bị bắn rơi vào năm 1968 trên vùng đất Thanh Chương (Nghệ An).
Các ông Thomas, Bùi Bác Văn, Nguyễn Văn Thu cùng thắp hương tại vị trí vừa chôn phần tóc của ông Walter.
Các ông Thomas, Bùi Bác Văn, Nguyễn Văn Thu cùng thắp hương tại vị trí vừa chôn phần tóc của ông Walter.
Thomas đến Nghệ An theo tâm nguyện của người cha để tìm kiếm những nhân chứng lịch sử hoặc nếu may mắn có thể biết được tin tức gì về Bernard Francis Rupinsk – viên phi công tử nạn trong chuyến bay cùng với Walter. Sau 3 lần đến Nghệ An, với sự giúp đỡ của rất nhiều người, Thomas đã xác định được khu vực máy bay rơi, ông cũng đã gặp được những người cần tìm kiếm. Đó là ông Bùi Bác Văn, Nguyễn Văn Thu, 2 trong số 3 người đầu tiên bắt giữ Walter Eugence Wilber sau khi máy bay bị bắn rơi. Thomas trở về Mỹ với lời hứa sẽ đưa cha mình trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, vì lâm trọng bệnh, Walter đã mất vào ngày 8/7/2015 và ông đã không thể thực hiện mong ước cuối đời của mình. Chúng tôi xin được viết tiếp câu chuyện này bằng những chi tiết cảm động và bất ngờ trong cuộc gặp gỡ tháng 8 cũng là lần thứ 4 Thomas trở lại Việt Nam- mảnh đất “tươi đẹp và thiết thân” của ông, nơi mà ông, cũng như người cha mới đi xa đã gặp những con người “nhân hậu đến vô cùng”.
Chiếc chậu hoa đặc biệt
Sau lần trở về Mỹ vào tháng 5/2015, Tom được ông Bùi Bác Văn trao lại 1 bộ phận của chiếc máy bay F4 mà ông Văn đã nhặt được sau khi bị bắn cháy 2 ngày. Đó chính là chiếc F4 do Walter cùng  Bernard  điều khiển cách đây 47 năm. Và trong chừng ấy thời gian, ông Văn đã biến cái bộ phận nào đó mà ông chẳng biết tên của chiếc máy bay kia thành cái lu đựng nước, và sau cùng là thành chậu trồng hoa. Mỗi năm, Tết đến, vợ chồng con cái ông Văn lại quây quần ngắm hoa đào trong chiếc chậu đặc biệt ấy. Hết Tết, nó lại được đem ra để trồng cúc hay trồng hoa mười giờ. Thảng hoặc, ông Văn nhìn cái chậu hoa ấy và mỉm cười với quá khứ. Chà, ngày ấy, cậu bé 15 tuổi là mình đã từng đối mặt với “giặc lái” Mỹ. Có ai ngờ, cái vật dụng tưởng chừng lạnh lùng trên chiếc máy bay trút đầy bom đạn kia, một ngày lại nở đầy những bông hoa rực rỡ. Thế đấy, có thể dùng nó để tấn công, có thể dùng nó để trồng hoa, quan trọng là con người ta lựa chọn để làm gì mà thôi. Ông Văn nghĩ vậy.
Chậu hoa đặc biệt làm từ một bộ phận của chiếc máy bay F4.
Chậu hoa đặc biệt làm từ một bộ phận của chiếc máy bay F4.
Nhận được “món quà” của ông Văn, Thomas đưa về Mỹ và thông qua các cơ quan chức năng đã xác định đó là 1 bộ phận của động cơ máy bay ném bom F4. Khỏi phải nói, cha của Thomas đã vui như thế nào. Trong lời trăng trối cuối cùng, ông Walter Eugence Wilber căn dặn các con rằng hãy dùng kỷ vật ấy để cắm những bông hoa của mọi người đến viếng ông trong lễ tang. Sau khi ông mất hãy trồng lên đó những cây hoa như chính những người phía bên kia bán cầu đã làm. Ngày 8/7/2015, Walter Eugence Wilber mỉm cười và trút hơi thở cuối cùng. Trong tang lễ của người cựu binh ở tiểu bang Pennsylvania, người ta thấy một chậu hoa rất lạ và ký ức một thời của viên trung tá phi công trở nên đầy ắp trong căn phòng nhỏ. Thomas đã rất xúc động khi kể về cha mình, về cuộc đời nhiều suy tư và giàu tình thương yêu của 1 cựu binh Mỹ. Thomas đã cho chúng tôi xem đoạn clip được 1 kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ thực hiện từ năm 1973, trong đó, cha ông đã thay mặt những người đồng quan điểm lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Đó thực sự là một tư liệu quý được gia đình nhà Wilber lưu giữ trong suốt thời gian qua. 
Nước mắt ngày hội ngộ
Trở lại với hành trình đến Nghệ An lần này của Thomas Eugene Wilber. Ông lại được gặp gỡ những người bạn của mình và họ tiếp tục có chuyến tìm về thôn 10, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương – nơi được xác định là khu vực máy bay bị bắn rơi năm nào. Giữa khung trời đầy nắng, trên cánh đồng lúa đã ngả vàng sắp vào vụ gặt, mọi người lặng lẽ đi bên nhau. Dường như có nỗi bồi hồi vun lên trong mỗi bước chân. Vẫn những gương mặt thân thiết ấy, gồm: ông Bùi Bác Văn, Nguyễn Văn Thu, Thomas Eugenne Wilber, Trung úy Nguyễn Trà My – cán bộ Bảo tàng Quân khu 4, bác sỹ trẻ Lê Đình Sáng  - người chúng tôi cậy nhờ giữ vai trò phiên dịch. Với bàn tay trần, ông Bùi Bác Văn đã không ngần ngại gạt từng khóm cỏ,  bốc từng nắm đất cho vào 1 chiếc lọ thủy tinh nhỏ. Rồi ông trao lọ đất cho Thomas.
47 năm trước vào ngày 16/6/1968, cũng tại vị trí này, ông Bùi Bác Văn khi đó 15 tuổi, Nguyễn Văn Thu 17 tuổi và Nguyễn Văn Mợi 21 tuổi (đã mất) là 3 người đầu tiên phát hiện và bắt giữ người lính phi công Walter Eugence Wilber sau khi máy bay bị bắn cháy. Gần nửa thế kỷ sau, tại mảnh đất Thanh Tiên, họ đã làm sống lại những câu chuyện lịch sử những tưởng đã bị lãng quên. Thomas nói rằng, nắm đất sẽ được ông mang về Mỹ và cho vào chậu hoa “đặc biệt” trong căn phòng lưu niệm của cha mình. Nhưng điều bất ngờ nhất không chỉ có vậy. Bằng tất cả sự nghiêm cẩn của mình, Thomas từ từ đưa tay lên ngực áo lấy ra một chiếc hộp nhỏ màu trắng, trong hộp là 1 nhúm tóc của bố ông. Những sợi tóc ngắn và trắng xóa. Thomas nói rằng, suốt cuộc đời mình Walter không nguôi day dứt về mảnh đất này, nơi Walter và Bernard bị bắn hạ trong phi vụ bay của 47 năm trước.
Bernard đã tử nạn và vùi thân xác tại mảnh đất này, chính vì vậy trước khi ông Walter qua đời, Thomas đã quyết định giữ lại một ít tóc của bố mình và đem chôn cất tại vị trí xưa kia. Thomas nói rằng, khi còn sống họ là những người đồng đội, đôi bạn thân thiết và nay họ sẽ lại được ở bên nhau. Thế rồi trên gò đất giữa cánh đồng, mọi người cùng nhau dùng tay không bới đất, họ chôn cất lọn tóc của người cựu binh Mỹ với thiết tha mong muốn linh hồn Walter Eugence Wilber sẽ hòa vào lòng đất, sẽ hội ngộ với bạn mình trên vùng đất từ lâu Walter coi như quê hương thứ 2. Trong khói hương nghi ngút cháy, dưới cây thánh giá được làm từ cành cây khô họ ôm lấy nhau và không giấu được những giọt nước mắt bùi ngùi. Ông Bùi Bác Văn nói rằng, trước khi ông Walter mất 2 ngày, ông Văn đã có một cuộc đàm thoại đặc biệt. “Thông qua cuộc gọi có hình trên hệ thống skynet, chúng tôi đã trò chuyện cùng nhau. Khi đó ông Walter đã yếu lắm rồi nhưng vẫn tỉnh táo.
Cuộc gặp gỡ kéo dài hơn 40 phút, Walter còn nhớ từng chi tiết vào cái ngày 16/6 của 47 năm trước. Ông Walter đã nói với tôi rằng, sau nhiều năm nhưng ông vẫn tự hỏi tại sao lúc đó tôi đã không dùng đòn gánh đánh vào bàn tay cầm súng lục của ông mà lại đánh vào bàn tay cầm bộ đàm”. Ông Bùi Bác Văn còn cho biết, Walter đã thực sự ấn tượng về điều này. Thậm chí hình ảnh cậu bé 15 tuổi đã ghim vào trí nhớ của Walter, thay đổi cách nghĩ, quan điểm của trung tá phi công trong biên chế lực lượng hải quân Hoa Kỳ. “Tôi nghĩ là người Việt Nam ai cũng sẽ hành động như tôi, như anh Thu hay anh Mợi. Cho dù hàng triệu người trên đất nước ta đã ngã xuống bởi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Ông Walter cũng nói rằng, nếu ông là người Việt Nam ông cũng sẽ có hành động tương tự. Tất cả đã qua. Ông Walter và người con trai Thomas muốn  chọn mảnh đất này làm quê hương thứ 2, được hòa một phần cơ thể vào đồng đất Thanh Chương cũng là việc nghĩa, việc tình rất đáng trân trọng” – Ông Bùi Bác Văn ngậm ngùi chia sẻ. Và cũng trong cuộc đàm thoại với người lính phi công sau 47 năm qua màn hình điện thoại, ông Văn đã không thể ngăn được dòng nước mắt khi bên kia bán cầu, ông Walter giơ bàn tay lên “thay lời chào từ biệt, để chỉ 2 ngày sau, ông ấy mãi mãi đi xa”.
Kết nối lịch sử
Về Nghệ An, Thomas cũng đã đến Bảo tàng Quân khu 4, nơi ông tiếp xúc trong lần đầu tiên trong hành trình kiếm tìm và viết tiếp câu chuyện lịch sử. Nhưng lần này, ông đến Bảo tàng với tâm thế khác, tâm thế của 1 người bạn. Ông muốn giúp Bảo tàng Quân khu 4 xác định chính xác một phần cánh của chiếc máy bay được người dân Quỳnh Lưu trục vớt cách đây không lâu. Qua Thomas, các cơ quan hàng không ở Mỹ đã xác định phần còn lại của máy bay đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4 thuộc loại máy bay ném bom F8, được sử dụng tại Việt Nam trước năm 1975. Như vậy, Thomas đến Việt Nam bởi ký ức của cha mình và ông trở thành người thân thiết với xứ Nghệ cũng để kết nối những câu chuyện thuộc về lịch sử.
Đại tá Nguyễn Công Thành, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 là 1 trong những người đầu tiên ở Nghệ An giúp đỡ Thomas và ông cũng là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện về cuộc hành trình kỳ lạ của người đến từ phía bên kia đại dương. Đại tá Thành khẳng định rằng, chiến tranh đã đi qua không ai được quyền quên những đau thương, mất mát do sự tàn khốc của bom đạn. Nhưng cũng không ai được quyền tước đi những giá trị lớn lao của cuộc sống hôm nay. “Thông qua những người như: Bùi Bác Văn, Nguyễn Văn Thu, Thomas Eugene Wilber chúng ta hiểu sâu sắc thêm về con người và tình người. Tất cả có thể bị thời gian vùi lấp, lãng quên, nhưng tình người luôn còn mãi” – Đại tá Nguyễn Công Thành khẳng định.
Con người Thomas luôn toát lên tính cách điềm đạm và rất tinh tế. Khi được mời ăn món nhút Thanh Chương, món cá đồng kho tương hay bát súp lươn - những đặc sản bình dân xứ Nghệ, rất vui ông gõ lên chiếc điện thoại di động của mình và bằng phần mềm dịch ra tiếng Việt, ông viết: “Rất thơm ngon. Cảm ơn các bạn”.  Và chắc hẳn mọi người mãi nhớ đến hình ảnh Thomas ngồi hát trong ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Văn Thu. Đó là một khúc dân ca của nước Mỹ, Thomas hát trong nhịp đàn mandolin do ông Thu đánh. Lời ca ấy như ngân vang mãi vào một ngày chớm thu ở đất Thanh Chương. Và trong hành trình này, chúng tôi cùng nhận ra, câu nói bằng tiếng Việt mà Thomas nói nhiều nhất và cũng rõ nhất, đó chính là lời cảm ơn: Cảm ơn, cảm ơn Việt Nam!
Đ.Tuấn- T.Vinh

Tin mới