Cổng trường - một miền ký ức

(Baonghean) - Quãng thời gian được khoác trên mình chiếc áo học trò như một thước phim đẹp mà mỗi người trong chúng ta đều muốn lưu giữ lại. Mỗi khi đi qua những cổng trường rợp bóng áo trắng ríu rít giờ vào học hay buổi tan trường, lòng không khỏi xốn xang, tưởng như chính mình cũng đang sống lại những năm tháng hoa mộng…
Ngày ngày, tôi vẫn thường không biết bao nhiêu lần đi qua những con đường Lê Hồng Phong, Phan Bội Châu, Đinh Công Tráng,…Nếu có ai hỏi điểm chung giữa những con đường ấy là gì? Có lẽ điều đầu tiên tôi nghĩ đến sẽ là những ngôi trường này trên mặt đường này. Đi qua đây những giờ cao điểm, cả đoạn đường ngập trong màu áo trắng của các em học sinh và rộn lên những tiếng chuyện trò, cười đùa rôm rả. Trái với một số người thường ngần ngại khi đi qua những đoạn đường có trường học vào giờ cao điểm vì ngại ách tắc, tôi đặc biệt thích hoà mình vào khung cảnh đông đúc ấy. Ở đó, tôi thấy mình bỗng như bé lại, như sống lại những ký ức khó phai của tuổi học trò. 
23
Giờ tan trường ở trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Sỹ Minh
Cổng trường - có lẽ không ai từng là học sinh mà không lưu giữ những kỷ niệm gắn liền với “địa điểm “ huyền thoại này. Cổng trường có thể từng là cánh cửa dẫn đến “thế giới mới” đối với những cô, cậu học trò lần đầu tiên bước chân vào ngôi trường mới. Đó cũng lại là cánh cổng “ngăn sông cách chợ” mà học sinh phải vượt qua một cách khó khăn nếu lỡ thức dậy muộn vào buổi sớm mai đến trường. Khi tiếng trống điểm giờ ra chơi, sẽ là lúc cần đến tài “ngoại giao” để thuyết phục bác bảo vệ mở cổng trường cho các cô cậu ra ngoài mua quà vặt. 
Còn vào giờ tan trường, cổng trường đích thị là “thiên đường” của học sinh. Các quán xá trước cổng trường bỗng nhiên tấp nập. Từng tốp học sinh ngồi vắt vẻo trên xe đạp, túm tụm nói chuyện rộn cả một góc đường. Những khuôn mặt háo hức khi bàn về “kế hoạch” lượn lờ quán xá sau buổi học. Những cái vẫy tay lưu luyến tạm biệt bạn bè của các cô cậu học sinh được bố mẹ đón về. Để rồi khi tất cả những thanh âm tươi vui và náo nhiệt ấy lắng xuống, những bóng áo trắng tản đi các ngả phố, cổng trường lại trở về với vẻ im lìm, tĩnh lặng, hoà vào khung cảnh phố phường. 
Nếu chỉ nhìn qua, hẳn người ta sẽ nghĩ cổng trường nào cũng như cổng trường nào, cũng cánh cổng cao và rộng, khác chăng là biển tên của ngôi trường đó. Nhưng không, cũng như những con người khác nhau, mỗi cổng trường lại có những đặc trưng nhất định không lẫn vào đâu được. Ví dụ, cổng trường tiểu học, THCS và THPT đã khác nhau nhiều lắm. Trước cổng trường tiểu học bao giờ cũng có nhiều hàng, quán hoặc các gánh hàng rong bán đồ ăn sáng. Sáng sáng khi đưa con đến trường, các bậc phụ huynh - thường không có đủ thời gian chuẩn bị đồ ăn sáng cho con ở nhà - luôn ghé lại vài phút bên gánh hàng ăn sáng để mua một hộp xôi, chiếc bánh mỳ, mùa đông thì có ngô luộc, bánh bao nóng hổi. 
Còn trước cổng trường THCS, vẫn có các hàng quán ăn sáng, thêm vào đó là các quán ăn vặt, giải khát, bán các món ăn được học sinh ưa thích như kem, hoa quả, đồ ăn nhanh,…Có một điểm khá thú vị là các bà, các chị chủ quán ở đây cực kỳ dễ tính, sẵn sàng chiều theo mọi yêu cầu của các vị “thượng đế” nhỏ tuổi. “Chiều lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, chẳng thế mà tên của các bà, các chị chủ quán được học sinh gọi luôn làm tên quán, và bao giờ cũng được gọi một cách trìu mến. Tôi nhớ trước cổng trường THCS mà tôi từng theo học khi xưa có một quán ăn vặt mà học sinh trong trường gọi là “Quán cậu mự”, bởi sự thân thiện của vợ chồng chủ quán, tạo cho chúng tôi cảm giác gần gũi như một gia đình. 
Kem ốc quế - thứ quà vặt được nhiều học sinh ưa thích. Ảnh: Internet
Kem ốc quế - thứ quà vặt được nhiều học sinh ưa thích. Ảnh: Internet
Cổng trường THPT lại thường vắng hàng quán hơn trường tiểu học và trường THCS. Có lẽ bởi hầu hết các trường THPT đều nằm trên các mặt đường, tuyến phố lớn, có vỉa hè được quản lý tương đối nghiêm ngặt. Nhưng điều đó cũng không ngăn được một chiếc xe kem hay kẹo kéo đậu lại trước cổng trường vào những giờ tan trường. Cảnh tượng lúc đó thật vui mắt: một nhóm học sinh áo trắng tinh khôi, ánh nhìn trong trẻo chăm chú dõi theo động tác thuần thục của người bán hàng. Chỉ một cây kem nhỏ hay một miếng kẹo kéo cũng đủ làm những khuôn mặt nhỏ sáng bừng lên niềm vui ngây thơ. 
Mấy hôm nay, khi đi qua những đoạn đường có trường học, không thể không chậm lại giây lát để nhìn ngắm những bóng áo trắng nô nức tụ họp trước cổng trường, mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Không còn bóng dáng những hàng quán thường ngày, trước cổng trường những ngày này ngập trong sắc hoa tươi và những tấm băng rôn chào mừng ngày lễ của các thầy, cô giáo. Bên cạnh các em học sinh vẫn khoác trên mình chiếc áo đồng phục, có cả những người học trò cũ về thăm trường xưa, gặp gỡ bạn bè và thầy cô. Có những người rời khỏi trường vẫn còn là những cô bé, cậu bé, ngày trở về đầu đã điểm những sợi bạc, đôi khi đưa theo con cái cũng đang theo học ngay tại chính mái trường này. Kể làm sao hết nỗi bồi hồi, xúc động khi thăm lại cảnh cũ, người xưa. Cổng trường xưa là nơi thầy trò chia tay mỗi người mỗi ngả, nay lại trở thành nơi chốn để hội tụ, sum vầy. 
Tôi tưởng như có thể đã quên bẵng đi ngày lễ kỷ niệm 95 năm thành lập trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - ngôi trường nơi mình từng theo học - nếu như không nhận được tin nhắn của một người bạn cũ: “Về hội trường không cậu, lớp ta ai cũng về đông đủ cả rồi”.  Bần thần mất vài giây, tưởng như đang sống lại những ngày mà mỗi buổi tan trường lại túm tụm trước cổng trường, bàn luận rôm rả: Đi đâu? Ăn gì? Làm gì? Bỗng thấy lòng chùng xuống một nỗi niềm khắc khoải. Làm sao có thể quên những kỷ niệm gắn liền với trường lớp, thầy cô và bạn bè cũ? Làm sao có thể vô tâm lãng quên, dù chỉ là chốc lát, những năm tháng tuyệt đẹp ấy? Những nỗi niềm nhớ nhung đưa chân tôi trở về lại trước cổng trường xưa để thấy mình bỗng như bé lại. Vẫn còn nghe đâu đây tiếng bạn bè í ới gọi nhau tới lớp, tiếng thầy cô giục giã chuyện bài vở, tôi nhắm mắt hoà mình vào dòng học sinh bước qua cánh cổng trường thân thuộc khi xưa. Một tiếng trống trường vang lên, đã dứt từ lâu mà sao những thanh âm cứ vọng mãi trong tôi, gọi cả một miền ký ức quay trở lại…
Hải Triều

Tin mới