Quy định mức phí mới của Luật sư

Từ 1/1/2016, mức phí thành viên của Luật sư thống nhất là 200.000 đồng/Luật sư/tháng. Mức phí tập sự hành nghề Luật sư cao nhất không quá 5 triệu đồng/người và phí gia nhập Đoàn Luật sư không quá 10 triệu đồng/Luật sư. Hai mức phí này do các Đoàn Luật sư tự quyết.
Tại phiên họp lần thứ 2 diễn ra ngày 14/12, Hội đồng luật sư toàn quốc (HĐLSTQ) đã thông qua nghị quyết về các mức phí trong hoạt động Luật sư áp dụng từ 1/1/2016.
Trước đây, các Luật sư đóng 2 loại phí thành viên đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Theo đánh giá, đây là hình thức 'phí chồng phí' khiến Luật sưphải chịu cảnh 'một cổ hai tròng'.
Tuy nhiên, nguồn thu từ phí thành viên vẫn chưa đáp ứng được chi phí duy trì hoạt động thường xuyên của một số Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư. Để đảm bảo bù đắp chi thường xuyên, một số Đoàn Luật sư  thu phí thành viên ở mức trên 300.000 đồng/tháng.
Phiên họp thứ 2 của Hội đồng luật sư toàn quốc thông qua Nghị quyết về phí thành viên luật sư
Phiên họp thứ 2 của Hội đồng luật sư toàn quốc thông qua Nghị quyết về phí thành viên luật sư
Ước tính, nếu tỷ lệ thu phí thành viên LĐLSVN đạt trên 80% trong giai đoạn 3 năm (2012 - 2014), nguồn thu phí thành viên sẽ bù đắp đủ nhu cầu chi của LĐLSVN. Nhưng từ năm 2009 đến nay, các thành viên LĐLSVN còn nợ hơn 10 tỷ đồng phí thành viên.
Hàng năm, tỷ lệ thu phí thành viên chỉ đạt trung bình 45 - 55% do một số LS không nộp hoặc chậm nộp 2 loại phí thành viên ĐLS và LĐLSVN. Một số không nộp phí thành viên LĐLSVN.
Vì vậy, HĐLSQT đã quyết định mức phí thành viên (bao gồm cả phí thành viên ĐLS và LĐLSVN) thống nhất là 200.000 đồng/Luật sư/tháng để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các Luật sư thành viên của các Đoàn Luật sư. Đồng thời sẽ áp dụng tỷ lệ điều tiết phí thành viên về LĐLSVN dựa vào số lượng Luật sư của các đoàn.
Theo đó, Đoàn Luật sư có 1.000 Luật sư trở lên trích nộp 50%; Đoàn Luật sư  có 300 - 999 Luật sư  trích nộp 30%; Đoàn Luật sư  có 50 - 299 Luật sư  trích nộp 20%; Đoàn Luật sư  có dưới 50 Luật sư  trích nộp 10%.
Việc trích nộp tỷ lệ như vậy xuất phát từ tinh thần đoàn kết hỗ trợ giữa các Đoàn Luật sư, giúp cho các Đoàn Luật sư có ít Luật sư, nguồn thu không đủ chi sẽ được giữ lại nguồn phí để hoạt động. Ngược lại các đoàn có nhiều Luật sư, nguồn thu cao sẽ trích nộp nhiều hơn về cho LĐLSVN.
Năm 2015 có 6 Luật sư  bị kỷ luật xóa tên khỏi Đoàn Luật sư 
Trong năm 2015, LĐLSVN nhận được 77 đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến LS. Phần lớn các đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo LS vi phạm đạo đức, ứng xử nghề nghiệp, tranh chấp về thù lao giữa Luật sư  và khách hàng và đã được giải quyết theo thẩm quyền. Qua đó, các Đoàn Luật sư  đã xử lý kỷ luật xóa tên 6 Luật sư. 
Theo LĐLSVN, hiện tượng cản trở quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư trong các vụ án hình sự vẫn còn tồn tại ở một số nơi, một số cơ quan, đặc biệt là cơ quan điều tra.
Các Luật sư tư vấn cho người dân tại Toà soạn Báo Nghệ An.
Các Luật sư tư vấn cho người dân tại Toà soạn Báo Nghệ An.
Do đó, Liên đoàn và các Đoàn Luật sư đã tập trung vào công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Luật sư, cùng với việc tham gia tích cực vào quá trình tạo lập môi trường pháp lý và hoàn thiện  pháp  luật bảo đảm quyền hành nghề của Luật sư.
Năm 2015, Liên đoàn nhận được 33 trường hợp đề nghị bảo vệ quyền lợi của Luật sư. Trong đó 6 trường hợp chuyển về ĐLS đại diện bảo vệ; 25 trường hợp Liên đoàn đã và đang có văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng tôn trọng quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư và 2 trường hợp  không thuộc thẩm quyền giải quyết của LĐLSVN.
Áp dụng mô hình đào tạo tiên tiến
Theo LĐLSVN, tháng 7/2016, Trường Đào tạo nghề Luật sư Việt Nam sẽ thực hiện kế hoạch tuyển sinh và đào tạo năm 2016.
LS.Nguyễn Đình Thơ - Chủ  nhiệm Ủy ban đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phổ biến pháp luật cho biết, Trường sẽ đào tạo 12 tháng, trong đó học tại trường 9 tháng và tập sự  nghề nghiệp 3 tháng. Đối tượng tuyển sinh là cử nhân luật trên cả nước. Quy mô đào tạo trong năm đầu là 300 học viên, những năm sau sẽ tăng dần đi đôi với việc nâng cao chất lượng đào tạo. Từ năm 2020 – 2021 trở đi quy mô đào từ 800-1.000 học viên.
Việc đào tạo, bồi dưỡng Luật sư của Nhà trường được thực hiện trên cơ sở áp dụng kết hợp các mô hình đào tạo tiên tiến như mô hình đào tạo kép, đào tạo trực tuyến… để nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng Luật sư, giảm được chi phí đào tạo, bồi dưỡng.
Theo kế hoạch, trong tháng 12/2015, Liên đoàn sẽ trình Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ tư pháp phê duyệt Đề án thành lập và Điều lệ Trường để đến tháng 5/2016 phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng Luật sư năm 2016 cho khóa đào tạo đầu tiên của trường dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 7/2016.'
Theo Pháp luật Việt Nam

Tin mới