Số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề còn thấp

Mặc dù các chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang hướng tới tăng cường hỗ trợ người lao động học nghề để nâng cao tay nghề ngoài việc trợ cấp tiền mặt nhưng tỷ lệ người được hỗ trợ học nghề còn thấp. Hiện nay, số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp cao gấp hàng chục lần số người được hỗ trợ học nghề.

ư vấn hướng dẫn người lao động tìm việc và hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh: TTXVN)
Tư vấn hướng dẫn người lao động tìm việc và hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh: TTXVN).

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm: Khó khăn và tháo gỡ” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (Văn phòng Chính phủ) tổ chức vừa qua tại Hà Nội. 

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), chính sách về chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm có nhiều điểm mới hướng vào việc tư vấn, hỗ trợ học nghề cho người lao động, để họ sớm quay trở lại thị trường lao động. 

Theo quy định mới, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 9 tháng trở lên bắt đầu được hưởng chính sách hỗ trợ học nghề. Doanh nghiệp cũng được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề của người lao động, đây được coi là biện pháp phòng ngừa, hạn chế việc sa thải lao động của các doanh nghiệp…

Thống kê trong 10 tháng năm nay, có 21.212 người được hỗ trợ học nghề, số người có quyết định hỗ trợ học nghề tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, mặc dù có đến 444.954 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và 387.338 người được tư vấn giới thiệu việc làm nhưng mới chỉ có 21.212 người được hỗ trợ học nghề. 

Sau khi Quyết định 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tăng mức hỗ trợ học nghề mới đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 300.000 đồng/tháng lên 1.000.000 đồng/tháng, trong thời gian sáu tháng, số người được hỗ trợ học nghề ngày càng tăng nhanh tại một số địa phương có số người hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Tuy nhiên, tại nhiều vùng, công tác hỗ trợ học nghề còn yếu, có vùng không có hoặc có rất ít lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề.

Ông Lê Quang Trung cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay là nhận thức của một số người lao động, người sử dụng lao động về chính sách này còn hạn chế. Nhiều người chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia và hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động không trung thực khi khai báo tình trạng việc làm; các doanh nghiệp phần lớn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định nên không cập nhật chính xác số liệu về tình hình lao động tại địa phương.

Trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây chuẩn cho các mô hình hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện tốt các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và dạy nghề… Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm phát hiện những vướng mắc, những vi phạm hay trục lợi bảo hiểm thất nghiệp để kịp thời xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi tham gia và thụ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp./.

Theo Vietnam+

TIN LIÊN QUAN

Tin mới