Cô gái Nghệ An và hành trình 15 ngày chinh phục Everest Base Camp

(Baonghean.vn) - 15 ngày bền bỉ lên đến độ cao 5.365m trong điều kiện sinh hoạt vô cùng khắc khổ, Mai Diệu Thúy luôn tự nhủ: Không lùi bước, mình là người Việt Nam!

Vượt lên chính mình

Mai Diệu Thúy (1983), sinh ra và lớn lên ở TP.Vinh, chủ 2 tiệm Miao’s Pizza nổi tiếng và là phượt thủ khá tên tuổi trong cộng đồng những người đam mê "du lịch bụi".

Những ngày đầu tháng 3/2016, trên facebook của Diệu Thúy bắt đầu xuất hiện vài hình ảnh đầu tiên về hành trình chinh phục Everest Base Camp, thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.

Nepal rất nổi tiếng với nhiều cung đường trekking như cung Annapura Circuit,  Gokyo Lake, upper và lower Mustrang… Trong đó, cung Everest Base Camp là một sự lựa chọn hoàn hảo nếu bạn chưa đủ sức leo Everest nhưng vẫn muốn tới được Trạm căn cứ - Base Camp, điểm cắm trại ở độ cao khoảng hơn 5.000 m. Đây là điểm dừng chân gần nhất để chiêm ngưỡng đỉnh núi Everest nổi tiếng thế giới.

Với những người đam mê trekking như Thúy, ngọn núi Everest và những cung vòng quanh núi luôn hiện hữu niềm khát khao chinh phục. Vì vậy, việc tham gia đoàn đi Everest Base Camp được cô quyết định rất nhanh, chỉ vài tháng trước thời điểm khởi hành.

Đoàn của Thúy chụp ảnh lưu niệm trước khi chính thức bước vào hành trình chinh phục Everest Base Camp.
Đoàn của Thúy chụp ảnh lưu niệm trước khi chính thức bước vào hành trình chinh phục Everest Base Camp.

Đoàn gồm 12 người, đều là những người bạn thân thiết đã đồng hành cùng nhau trong nhiều chuyến du lịch, khám phá trước đó. Lịch trình cho chuyến leo núi được vạch chi tiết, với sự quyết tâm cao của tất cả thành viên trong đoàn.

Ngày 3/3, đoàn đặt chân đến thủ đô Kathmandu (Nepal) và từ đây, Diệu Thúy cùng các bạn đi máy bay tới Lukla (độ cao 2.850m) - một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới với đường băng dài vẻn vẹn 800 m và rất dốc. Từ Luckla, hành trình chinh phục Everest Base Camp chính thức bắt đầu với những ngày dài leo núi bền bỉ, qua những Phakding, Namche Bazzar, Dingboche, Lobuche …

Mai Diệu Thúy ghi lại hình ảnh kỷ niệm khi vừa bắt đầu những chặng đầu tiên.
Mai Diệu Thúy ghi lại hình ảnh kỷ niệm khi vừa bắt đầu những chặng đầu tiên.

Diệu Thúy cho biết, mỗi người tự mang trên lưng balo hành lý nặng từ 3-5kg, và mỗi ngày, hành trình leo núi một thêm nặng nhọc bởi độ cao ngày càng tăng, cùng với đó, lượng ô xi ít dần đi và áp suất không khí thấp khiến các thành viên trong đoàn bị hội chứng độ cao, với các triệu chứng khó thở, đau đầu, tim đập nhanh …

Bản thân Diệu Thúy vốn thể trạng tốt nhưng cũng không tránh được việc sức khỏe giảm sút. Những cơn đau đầu và chóng mặt đến thường xuyên hơn, khi đoàn nhích dần đến độ cao của Everest Base Camp.

Thời tiết lạnh xuống -20oC khiến cơ thể như đóng băng. Ngày dường như dài vô tận với quãng đường trung bình mỗi ngày di chuyển lên đến hơn 15km đường núi trập trùng, hiểm trở.

Băng tuyết phủ dày, bước chân nặng nhọc hướng về
Băng tuyết phủ dày, bước chân nặng nhọc hướng về Everest Base Camp.

Thúy không nhớ đã đi qua bao nhiêu sườn núi chênh vênh bề ngang chỉ độ 2m, và những khúc thắt eo con kiến một bên vực thẳm, một bên núi dốc đứng, tuyết phủ dày trắng xóa. Chưa kể những buổi chiều sương mù thình lình từ đâu ập đến tưởng như cả bầu trời đổ sập trước mắt.

Có những lúc, người đi bên nhau không thấy mặt, đoàn dần bị tách thành nhiều nhóm di chuyển rời rạc. Trong tiếng gió vần vũ gầm rít, gương mặt bỏng rát vì tuyết táp vào sắc lạnh, họ lấy hết sức bình sinh gọi tên nhau và ngộp thở vì hạnh phúc nhìn thấy các thành viên trong đoàn đều bình yên vượt qua “cung đường tử thần”.

Có những ngày thức dậy từ trạm nghỉ, chuẩn bị bắt đầu “cuộc chiến” mới, Diệu Thúy cảm thấy dường như đôi chân không còn thuộc về cơ thể mình, và ngay cả việc thở ra – hít vào cũng khó nhọc vô cùng.

Sinh tử chỉ cách một bước chân. “Trên đường tới Everest Base Camp, chúng tôi nhìn thấy vô số bia mộ lưu danh những người vĩnh viễn nằm lại nơi này. Sợ hãi không? Có chứ, nhưng ý định dừng lại thì không!

Những lúc đó, tâm trí chỉ tự nhủ một điều duy nhất: phải đi đến đích, không bỏ cuộc. 3 tour guide người Nepal dẫn đoàn đi không ngừng tấm tắc rằng đã dẫn nhiều đoàn Việt Nam đi Everest nhưng chưa từng gặp người Việt Nam nào bỏ cuộc giữa chừng, dù thể lực người Việt không thể so được với người phương Tây. Trong điều kiện kham khổ và thách thức như thế, tôi nghĩ, chính ý chí kiên cường của người Việt Nam đã giúp tôi và các bạn vượt qua”. – Mai Diệu Thúy tâm sự.

“Giàu có” hơn sau mỗi chuyến đi

Đoàn chạm đích Everest Base Camp vào ngày 13/3. Không kể xiết niềm hạnh phúc của Diệu Thúy và các bạn đồng hành lúc đó.

Dù đôi tay tê cứng vì băng tuyết và hơi thở ngắt quãng, nhưng ngay lập tức Thúy đã cố gắng tìm kiếm những viên đá nhỏ xung quanh mình và xếp hai chữ: Việt Nam. Tình yêu nguồn cội thiêng liêng như vỡ òa vào khoảnh khắc đó, lâng lâng trong tất thảy thành viên trong đoàn.

Mai Diệu Thúy xếp những viên đá nhỏ thành chữ Việt Nam trên Everest Base Camp.
Mai Diệu Thúy xếp những viên đá nhỏ thành chữ Việt Nam trên Everest Base Camp.

15 ngày miệt mài trên hành trình chinh phục Everest Base Camp, đoàn của Diệu Thúy đi dọc qua rừng ôn đới, hoang mạc, núi đá, hố băng … và gặp nhiều diễn biến thời tiết khác nhau, lúc sương mù, lúc tuyết nặng hạt … Nhưng cô gái kiên cường ấy vẫn khẳng định, cảm giác lúc vượt qua gian khó, vượt qua thách thức giới hạn của bản thân mình là cảm giác hạnh phúc hơn hết thảy.

Những giọt nước mắt đã rơi trên hành trình tuổi trẻ ấy, mà với Thúy, đó là những giọt nước mắt đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Thúy khóc khi tìm lại được đoàn mình sau đợt sương mù tưởng đã lạc nhau. Thúy khóc trước cảnh đẹp “đến nghẹt thở” của người Mẹ thiên nhiên. Thúy khóc vì những trải nghiệm giá trị của tuổi thanh xuân, của tình người ấm áp …

Diệu Thúy ghi lại dòng lưu bút trên lá cờ Việt Nam ở trạm nghỉ Namche Bazzar.
Diệu Thúy ghi lại dòng lưu bút trên lá cờ Việt Nam ở trạm nghỉ Namche Bazzar.

Sau chuyến đi, nhiều người hỏi Mai Diệu Thúy, du lịch cực khổ vậy, đi làm gì?

“Vì đằng sau mỗi thử thách là niềm vui sướng khi khám phá được những mới lạ kỳ vĩ của thiên nhiên, nhìn thấu bản năng sinh tồn mãnh liệt của con người và hiểu rõ hơn về chính mình.

Sau những phút giây tưởng như đánh đổi cả tính mạng là thư thái an nhiên, cảm nhận nguồn năng lượng diệu kỳ chạy suốt châu thân, thôi thúc mình sống tốt đẹp hơn, bớt bon chen vị kỷ.

Và vì mỗi người chỉ có một tuổi trẻ và thế giới ngoài kia rộng lớn vô cùng. Hãy cứ đi và chiêm nghiệm. Tôi cảm thấy mình “giàu có” hơn sau mỗi chuyến đi!” – Thúy khẳng định.

Mai Diệu Thúy chia sẻ, cuốn sách tác động nhiều nhất đến quan điểm sống của cô là cuốn “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”. Cô đọc cuốn sách ấy khi 13 tuổi.

Clip Mai Diệu Thúy ghi lại trên hành trình chinh phục Everest Base Camp:

.

Phương Chi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới