Quang Trung, đi tìm ký ức tầng cao

(Baonghean.vn) - Loạt bài về Quang Trung đã chạm vào ký ức của hàng ngàn người đã từng sống nơi ấy. TS toán học Lê Thống Nhất ngỏ lời “nếu có chêm được dòng nào, gửi hộ tôi lời cám ơn nhân dân Quang Trung đã đùm bọc vợ chồng tôi chừng ấy năm trời”. Có người ở phương xa hỏi: “Này cậu, Quang Trung ngày ấy, bây chừ ra răng?”

Ông Nguyễn Văn An, công dân đầu tiên của khu nhà tầng cùng các cháu nội, ngoại.
Ông Nguyễn Văn An, công dân đầu tiên của khu nhà tầng cùng các cháu nội, ngoại.

Tôi trở lại Quang Trung vào trưa hè nắng nóng. Vô tình, tôi bắt gặp lại ông Nguyễn văn An, nguyên là trưởng phòng quản lý nhà và công trình công cộng của Sở Xây dựng Nghệ Tĩnh. Do đặc thù công tác, ông chính là những cư dân đầu tiên của khu nhà tầng, từ đầu năm 1976. Khi tôi hỏi về quá trình tái thiết lại khu nhà tầng, ông nắm khá rõ:

-  Người ta sẽ xây dựng ngay ở Cầu trượt tòa cao tầng, gom hết dân A1,A5,A6 lên đấy, rồi mới tiếp tục cuốn chiếu. Đấy khu quây tôn đang tiến hành làm móng, nhanh thì 2 năm nữa mới xong.

Ông khá đông con nên một thời lam lũ. Gần như có tí đất thừa đuôi thẹo nào ông đều trồng rau, để 6 đứa con có cái mà ăn. Căn phòng số 6 nhà A3 của ông hơn 4 thập kỷ qua giờ đã xuống cấp, trần bong rộp và ngả màu thời gian.

***

Có người thắc mắc: Tại sao con gái nhà tầng nặng cân khó lấy chồng? Không gì tốt hơn là chỉ cho mọi người đường lên thiên đường bằng các thanh sắt gắn trên tường. Nếu nặng trên 50 kg, rất khó có chàng trai nào “đủi đít” để đưa người yêu lên gác thượng tâm sự, thời ấy chưa có internet nên không có điều kiện tâm sự thì chỉ có ế là cái chắc. Đó cũng là lý do khiến con gái nhà tầng chăm tập thể dục để giữ dáng thon thả. Tôi đã chứng kiến chị Hồng Anh (sau làm hiệu phó trường mẫu giáo Quang Trung) đã yêu và cưới anh Công Như, cảnh sát hình sự thành phố bởi chỉ có anh mới đưa chị lên đỉnh tòa nhà. Mỗi lần nhắc lại, chị tủm tỉm cười:

-  Ngày ấy, chị chỉ nặng có …63 cân, may có anh mày chứ, mấy ông lẻo khẻo … chịu!

Tôi vô tình bắt gặp dưới gầm cầu thang chiếc xe đạp đang khóa chặt vào song sắt. Ngày ấy, khách đến nhà tầng ngại nhất là khiêng xe đạp lên gác. Xe đạp thời bao cấp còn quý hơn xe máy bây giờ, để sểnh ra là mất. Năm nào tổng kết ít nhất cũng mất năm, bảy cái xe đạp; những hôm mất điện thì nhiều người đến thăm bạn ở Quang Trung rồi đạp xe về. Để xe dưới đất thì không có ai trông hộ, vác lên tầng thì không quen, lại thúc vào người đi ngược chiều.

Những cô gái đẹp thường nuôi đám “vệ tinh”, trông hộ xe đạp cho đám “cây si”, công trả bằng kem. Có tình huống, kem ăn rồi bỏ đi chơi trốn tìm, mất biến xe, chả biết phân xử sao cho phải bởi cái hợp đồng giao dịch ấy chỉ có ở Quang Trung.

Luyện võ ngày hè. Ảnh: Tư liệu cá nhân của tác giả.
Luyện võ ngày hè. Ảnh: Tư liệu cá nhân của tác giả.

Tôi đi tìm lại lò võ Quang Trung một thời. Võ sư là anh Nguyễn Thanh Lâm, nay là trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Nam Đàn. Thường là độ 9-10 giờ tối là chúng tôi tụ tập nhau xuống đất để học thầy, đứng tấn và múa quyền, những bài quyền võ dân tộc. Khi mệt nhoài thì cả bọn mới kéo nhau lên sân thượng để ngủ, đưa vào giấc mơ ngày sau trở thành những cảnh sát hình sự có trình độ võ thuật điêu luyện.

Giờ thì khu Quang Trung phát triển và có khá nhiều sân bóng chuyền nhưng thời chúng tôi bóng đá là môn được trẻ con ưa thích. Những cái tên như Ngọc Đa, Ngà Voi (nhà A2), Bắc Sơn, Quang Đại, Phúc Tồ (nhà A3), Thắng Mạch (nhà B1)… một thời là ngôi sao sân cỏ của thành phố. Trong đó, Nguyễn Hữu Thắng đi theo nghiệp sân cỏ đã trở thành đội trưởng đội tuyển quốc gia và hiện nay đang nắm giữ vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia.

Đội bóng nhà A3. Ảnh: Tư liệu cá nhân của tác giả.
Đội bóng nhà A3. Ảnh: Tư liệu cá nhân của tác giả.

Chiều nào các nhà cũng thi đấu giao hữu và các mạnh thường quân đồng thời kiêm luôn HLV các đội bóng. Sau mỗi trận đấu là những lời khen, chê, bình luận kéo dài đến tận đêm… và vì thế nên các đội bóng Quang Trung có chất lượng tương đối tốt.

Nhà tôi ở có ông Ngọc “đen” con lai châu Phi to, cao công tác ở Phòng Thể dục thể thao TP nên được huấn luyện rất bài bản. Ba đứa con ông tên là Hoàng, Hảo, Hiếu đều đen và khỏe hơn chúng tôi rất nhiều nên đội bóng nhà A3 luôn thi đấu ngang ngửa với các đội mạnh khác trong khu. Sướng nhất là hôm nào được ông HLV Ngọc mượn cho mấy chiếc áo có số khoác vào, lòng lâng lâng như kiểu “chiếc áo làm nên thầy tu” ngỡ như mình đang là tuyển thủ quốc gia ra sân.

(còn nữa)

                                                                                             Phan Hảo

TIN LIÊN QUAN

Tin mới