Khát vọng của chàng trai 'da cam'

(Baonghean.vn) - Phan Sỹ Tân sinh năm 1996 (sinh viên lớp 55K1, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Vinh) được biết đến như một tấm gương nghị lực sống đầy mãnh liệt. Bị nhiễm chất độc da cam từ bố, em không đi lại được, tay chân co quắp, khả năng nói và viết hạn chế… Tuy vậy, em vẫn không đầu hàng số phận với mong ước được đến trường để hoàn thành ước mơ của mình.

Phan Sỹ Tân quê ở  xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Bố em là cựu chiến binh Phan Sỹ Tài, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với ông khi ông trở về và lập gia đình, nhưng ông đã đau đớn khi chứng kiến 2 đứa con mình lần lượt sinh ra bị dị tật do nhiễm chất độc da cam.

Từ nhỏ, cuộc sống của Tân đã gắn với bệnh viện, các trung tâm chỉnh hình. Thấy con trai đã lên 4 tuổi nhưng chưa biết đi, bố mẹ Tân lo lắng, chạy chữa khắp nơi. Thế nhưng, càng lớn lên, đôi tay và đôi chân của Tân tự dưng phát triển không bình thường, co quắp và dần bị tê liệt. Em chỉ lê lết quanh nhà, không đi lại được bình thường như bao đứa trẻ khác. Thời gian sau đó, những trận ốm đau dặt dẹo cứ nối tiếp nhau, ai cũng nghĩ Tân chẳng thể nào sống nổi.

Phan Sỹ Tân trong buổi học tại phòng thực hành máy tính tại trường Đại học Vinh(người đầu tiên, mặc áo xanh)
Phan Sỹ Tân (áo xanh) trong buổi học tại phòng thực hành máy tính tại Trường Đại học Vinh

Mặc dù không có khả năng vận động và rất khó khăn trong việc diễn đạt nhưng Tân rất ham học, hiểu chuyện và luôn vui vẻ, lạc quan. Thương con, ông Tài cũng nén lòng để con được đến trường như bao đứa trẻ khác. Bố của Tân tuổi đã cao, sức khỏe kém, ngoài đồng lương hưu ít ỏi, còn phải chạy ngược, chạy xuôi kiếm việc làm thêm để lo cho gia đình và Tân được tiếp tục theo đuổi ước mơ đi học. Hàng ngày, mẹ của Tân là bà Phan Thị Đào chỉ đủ thời gian để chăm sóc hai đứa con bị nhiễm chất độc da cam.  

Đáp lại sự yêu thương, động viên của gia đình, thầy cô, bạn bè, trong các năm học từ tiểu học đến trung học phổ thông, Tân đều đạt học sinh giỏi và đỗ vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Vinh. Khó khăn trong việc học của Tân là đôi tay em khó cử động được nên chữ viết nguệch ngoạc khiến thầy cô khó đọc để chấm bài. Hạn chế về điểm số trong các phần thi vấn đáp, viết nhưng bù lại Tân có khả năng tư duy và lập trình tốt. Tiếp xúc với Tân qua những tin nhắn trên mạng xã hội, em chia sẻ rất nhiều. Bàn tay trái của em chỉ sử dụng được hai ngón nhưng rất thành thạo lướt trên bàn phím máy tính. Bất kỳ ai cũng đều ấn tượng với cách đối đáp thông minh, trò chuyện dí dỏm của Tân. Tân đem lại cho mọi người cảm giác rằng Tân cũng bình thường như bao người bình thường, dù kém may mắn nhưng Tân luôn truyền cảm hứng và sự xúc động cho những người xung quanh về nghị lực sống.

Em Dương Thị Thanh, sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Vinh chia sẻ: “Tân rất vui vẻ hoà đồng và được các bạn trong lớp nể phục bởi tinh thần ham học hỏi. Mặc dù bản thân bạn đi lại rất khó khăn nhưng chưa bao giờ bạn ấy nghỉ học. Trong học tập, Tân luôn đạt kết quả khá cao, khả năng lập trình tốt.”

Chia sẻ về những dự định, ước mơ trong tương lai, Tân cho biết: “Trước mắt em sẽ hoàn thành chương trình học. Sau đó, tìm cách kiếm công việc ổn định cuộc sống. Em rất muốn được như hiệp sỹ công nghệ thông tin Công Hùng. Điều ấy còn rất gian nan nhưng em sẽ cố gắng phấn đấu”.

Ước mong của Tân mỗi ngày một lớn hơn, còn bố mẹ của Tân mỗi ngày một già yếu. Con đường của Tân mỗi ngày một khó khăn hơn khi hoàn cảnh và bệnh tật luôn là chướng ngại vật. Thế nhưng, dù đó là bão tố của cuộc đời, Tân vẫn tin rằng, cánh thuyền khát vọng của em sẽ vững vàng cánh sóng và vươn xa ra biển khơi.

   Thuý Hằng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới