Nỗi đau người mẹ có 5 con nhiễm chất độc da cam

(Baonghean) - 5 đứa con bị nhiễm chất độc da cam từ người cha từng tham gia chiến trường miền Nam, cuộc sống bất hạnh của gia đình bà Nguyễn Thị Lân (xóm Tây Vạn, xã Nghi Vạn, Nghi Lộc) dường như chưa bao giờ dứt...

Để tìm được nhà của mẹ con bà Nguyễn Thị Lân không khó, cứ đến đầu xóm hỏi nhà ông Chuyển, bà Lân thì đến đứa trẻ con cũng biết.

Đúng là không khó thật, ngôi nhà thấp tẹt, tềnh toàng với cái bàn thờ tạm bợ, cái nắng giữa trưa được đà chui tọt vào căn nhà trống của mẹ con họ, tiếng lất phất của bao bì, túi bóng dùng để “đậy nhà” nghe rõ mồn một, mấy mẹ con của những người đàn bà bất hạnh xúm lại khi có người lạ vào. Những ánh mắt hoang dại khiến người khác nhìn vào đau đến tận tim gan…

Bà
Bà Nguyễn Thị Lân - người mẹ bất hạnh với 5 đứa con nhiễm chất độc da cam.

Bà Lân kể: “Năm 1976, ông Chuyển (SN 1947) vào miền Nam tham gia cách mạng, đến năm 1967 thì về quê. Cùng năm đó, ông ấy và tôi nên duyên vợ chồng với bao hy vọng về một tương lai tốt đẹp. Lần lượt 4 cô con gái và 2 cậu con trai ra đời, nhưng không may một đứa con trai vừa lọt lòng đã mất.

Nén nỗi buồn đau, 2 vợ chồng chúng tôi dồn sức lo miếng cơm, manh áo cho 5 đứa con. Thế nhưng, bất hạnh không dừng lại ở đó. Đến lúc này, chúng tôi mới nhận ra rằng những năm tham gia chiến trường miền Nam, ông ấy đã bị nhiễm chất độc da cam, hệ quả là cả 5 đứa con cũng bị ảnh hưởng.

Đứa con trai không ý thức được về bản thân, không bao giờ mặc quần áo, suốt ngày đi lang thang. Đến năm 17 tuổi trong một lần đi men theo bờ sông nó ngã xuống mà chết...”. Nói đến đây, bà Lân gạt dòng nước mắt chảy tràn trên gò má. 

Mẹ con chị Thiêu (con gái cả bà Lân) và túp nhà tạm bợ
Mẹ con chị Thiêu (con gái cả bà Lân) và túp nhà tạm bợ.

Đau đớn, bất lực nhìn 2 đứa con trai lần lượt ra đi, 4 cô con gái cũng không bình thường, ông Chuyển ngã bệnh. Người đàn ông trụ cột gia đình đã từng kiên cường trước bao mũi tên, hòn đạn của kẻ thù nay lại không thể gượng dậy bởi những nghiệt ngã mang tên chất độc màu da cam. 3 năm sau cái chết của cậu con trai, ông Chuyển cũng qua đời. 

Oái oăm là ngày trước ông Chuyển, cậu con trai và một cô con gái nữa được hưởng chế độ nạn nhân chất độc màu da cam, nhưng khi ông và cậu con trai mất đi thì chế độ đó cũng bị cắt. Những đồng tiền trợ cấp ít ỏi, phần nào đỡ đần gia đình nay không còn, mọi gánh nặng đè lên đôi vai người đàn bà đã qua tuổi 60.

Người con gái đầu là Thái Thị Thiêu do ảnh hưởng của chất độc da cam không ai lấy, nên đã “xin” một đứa con về nuôi. Cậu con trai của chị Thiêu năm nay 6 tuổi nhưng còi cọc và cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nên ánh mắt trông rất ngây dại. Thương con, bà Lân dựng cho mẹ con chị Thiêu một ngôi nhà trong vườn cạnh nhà bà. 

Ngôi nhà vợ chồng ông Chuyển, bà Lân “chắt chiu cả đời” nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng.
Ngôi nhà xộc xệch, tạm bợ mà bà Lân đang ở.

Người con gái thứ hai là chị Thái Thị Thi (SN 1993) do biết bố mẹ không có tiền tổ chức đám cưới nên tự mang quần áo sang…nhà chồng ở. Người con gái thứ ba là Thái Thị Vị vào miền Nam làm thuê rồi yêu một người đàn ông quê Thanh Hóa, nghe đâu khi biết chị Vị mang thai, tìm hiểu biết được gia đình chị bị nhiễm chất độc da cam nên hủy cưới. Chật vật một thân một mình nơi xứ người, chị mang bụng bầu về quê nương nhờ mẹ già. Giờ đây, cậu con trai của Vị đã được 6 tháng tuổi. Còn cô con gái út Thái Thị Soa (SN 1995) hiện đang làm thuê trong miền Nam.

Ông Thái Doãn Vân – Trưởng xóm Tây Vạn cho hay: Hoàn cảnh của gia đình bà Lân rất thương tâm, Hội Phụ nữ xã và một số người đã gom góp tiền để xây nhà cho mẹ con bà Lân nhưng chưa làm được vì chưa đủ tiền, mong sao sẽ có nhiều người hơn nữa chung tay giúp đỡ để bà Lân thực hiện được ước mơ có một ngôi nhà để yên tâm trong cuộc sống, phần nào xoa dịu nỗi đau da cam".

Mọi sự giúp đỡ xin gửi đến bà Nguyễn Thị Lân (xóm Tây Vạn, xã Nghi Vạn, Nghi Lộc) hoặc phòng Phát hành - Hoạt động xã hội Báo Nghệ An (số 3, Đại lộ Lê-nin - TP Vinh).

 Phan Thoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới