Phụ nữ mang thai nên tự nguyện xét nghiệm HIV

(Baonghean) - Thời gian qua, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã phát huy hiệu quả, nâng cao nhận thức về phòng tránh lây nhiễm HIV cho các bà mẹ mang thai.

Sau khi lập gia đình, sinh đứa con trai đầu lòng đã được 4 tuổi, nay mang bầu đứa thứ 2, nhưng chị Ngân Thị Dung (TP.Vinh) luôn chủ động trong thăm khám sức khỏe thai nhi theo định kỳ và chủ động xin xét nghiệm HIV dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Chị Dung chia sẻ: “Theo tôi, khi lập gia đình và có thai thì việc đi xét nghiệm HIV dự phòng lây nhiễm rất có ích. 

Các sản phụ lắng nghe cán bộ y tế tư vấn về tầm quan trọng của việc xét nghiệm máu sàng lọc phát hiện HIV.
Các sản phụ lắng nghe cán bộ y tế tư vấn về tầm quan trọng của việc xét nghiệm máu sàng lọc phát hiện HIV.

Đây là việc làm mà các thai phụ nên quan tâm và tham gia thực hiện, bởi nó không chỉ đem lại cho mình tâm lý thoải mái khi biết cơ thể mình và con mình mạnh khỏe, mà còn để kịp thời chữa trị nếu lỡ mình mắc bệnh phòng trường hợp lây truyền sang con”. Chị Hoàng Thị Linh ở xã Nghi Phú (TP. Vinh) cũng cho rằng: “Việc đi xét nghiệm HIV dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con là rất cần thiết và cực kỳ quan trọng. Dù chúng ta có lối sống lành mạnh, nhưng những sự cố không may trong cuộc sống dẫn đến phơi nhiễm HIV là khó ngờ tới”.

Chị Nguyễn Thị Hoa - Điều dưỡng trưởng Phòng khám thai, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh cho biết: Tất cả phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế đều được khuyến khích tự nguyện xét nghiệm HIV, được cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Theo số liệu thống kê, lây truyền HIV từ mẹ sang con là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm HIV ở trẻ dưới 15 tuổi và 99% số trẻ nhiễm HIV cũng từ nguyên nhân này. Hiện nay, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đã làm xét nghiệm HIV cho khách hàng và bệnh nhân là 6.316 ca, trong đó phát hiện HIV dương tính là 6 ca. Các ca bệnh này đều được cán bộ y tế của Trung tâm tư vấn và giới thiệu sang Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh để điều trị. Do đó, công tác xét nghiệm để phát hiện, điều trị cho bà mẹ mang thai bị nhiễm rất quan trọng.

Sau khi có kết quả xét nghiệm HIV dương tính, thì cần cung cấp các vấn đề sau: Tư vấn hỗ trợ tâm lý động viên người bệnh yên tâm tư tưởng, không lo lắng làm ảnh hưởng đến thai nghén và sức khỏe của bà mẹ; tư vấn cách chăm sóc thai nghén, nguy cơ lây truyền và cách can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; các phương pháp chăm sóc, điều trị và nuôi dưỡng em bé; tư vấn kế hoạch hóa gia đình, sử dụng bao cao su... 

Cán bộ y tế lấy máu xét nghiệm cho sản phụ tại Trung tâm CSSKSS tỉnh.
Cán bộ y tế lấy máu xét nghiệm cho sản phụ tại Trung tâm CSSKSS tỉnh.

Mặc dù từ trước đến nay, công tác tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV phòng, chống lây truyền từ mẹ sang con tại trung tâm luôn được chú trọng và quan tâm, đã có nhiều sản phụ được phát hiện và giới thiệu sang Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh để điều trị kịp thời. Tuy nhiên, thời gian gần đây chương trình đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc. 

Bác sỹ CKII Hoàng Quốc Kiều - Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh cho biết: “Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề khám và sàng lọc HIV cho sản phụ khám thai tại trung tâm. Bởi trước đây, từ tháng 9/2008, chương trình được thực hiện từ nguồn kinh phí của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh chuyển về làm xét nghiệm miễn phí cho những phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, đến năm 2014 nguồn kinh phí không còn nữa, nên các sản phụ muốn xét nghiệm phải tự chi trả. 

Tính đến 30/4/2016, Nghệ An đã phát hiện được 8.242 trường hợp nhiễm HIV, có 4.982 trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống và 3.260 trường hợp tử vong do AIDS. Đến nay, Nghệ An có 21/21 huyện, thành, thị với 440/480 xã, phường, thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV. Trong 6 tháng đầu năm, riêng đối tượng phụ nữ mang thai làm xét nghiệm HIV sàng lọc tại Trung tâm CSSKSS tỉnh 6.316 ca, trong đó phát hiện HIV dương tính là 6 ca.

Bên cạnh đó, trong nhận thức của người dân cho rằng HIV là loại bệnh ở đâu đó, chứ bản thân sẽ không bị vì nghĩ mình có cuộc sống trong sáng, vợ chồng tin tưởng nhau nên không bao giờ đi xét nghiệm HIV. Và đây là xét nghiệm tự nguyện nên khi tư vấn, họ hầu như không có ý định tham gia. 

Điều khó khăn nhất hiện nay là xét nghiệm cho bà mẹ mang thai tại huyện miền núi, đường xá đi lại xa xôi, vất vả, tỷ lệ lây truyền qua tiêm chích, quan hệ tình dục không an toàn khá cao… nên sàng lọc cho đối tượng bà mẹ mang thai chưa được cao và không được điều trị kịp thời”.

Để công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phát huy hiệu quả, thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh và Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản; có chính sách sàng lọc tất cả các bà mẹ mang thai phát hiện kịp thời để điều trị và quản lý trong thời gian thai nghén được tốt hơn.

Việc can thiệp cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong thời kỳ trước sinh, trong khi sinh và sau sinh cũng sẽ làm giảm số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ, cụ thể như:

- Các can thiệp trước sinh: Tư vấn xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bổ sung vitamin, sắt, dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội, sử dụng thuốc ARV để điều trị cho mẹ hoặc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… là những biện pháp hết sức cần thiết và hiệu quả làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- Các can thiệp trong khi sinh: Với những phụ nữ chưa tiếp cận các biện pháp can thiệp trước sinh, cần tư vấn xét nghiệm nhanh HIV, nếu dương tính thì sử dụng phác đồ ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo hướng dẫn, tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn… cân nhắc chỉ định mổ lấy thai, nhanh chóng lau sạch máu và sản dịch cho trẻ sơ sinh.

- Can thiệp sau sinh: Chủ yếu là tư vấn cho người mẹ về những lợi ích và nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú. Tốt nhất là nuôi trẻ bằng sữa thay thế nếu có điều kiện. Trường hợp không có điều kiện sử dụng sữa thay thế, cần hướng dẫn người mẹ cho con bú hoàn toàn trong thời gian đầu, sau đó cai sữa sớm chuyển ăn dặm ngay khi có thể để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ, ngoài ra trẻ cần được theo dõi và điều trị ARV.

Thúy Hiền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới