Hỗ trợ nhà ở cho người có công: Những vướng mắc cần tháo gỡ!

(Baonghean) - Ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở”. Thực hiện quyết định này, tỉnh Nghệ An đã tập trung triển khai với phương châm “đúng đối tượng, đúng chế độ và thời gian quy định”. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm, đến nay nhiều gia đình người có công vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ do những vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời.

Nhà xây xong, tiền hỗ trợ vẫn chưa về!

Từ thực tế, có thể khẳng định lại rằng, việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng có ý nghĩa hết sức to lớn. Ông Võ Huy Hường - Phó Phòng LĐ-TB&XH Thị xã Cửa Lò cho biết: “Với sự vào cuộc tối đa của cả hệ thống chính trị nên cuối năm 2013, qua 2 bước rà soát, Thị xã Cửa Lò đã tổng hợp được danh sách 81 hộ gia đình người có công được hỗ trợ về nhà ở của 7/7 phường. Trong đó hỗ trợ xây mới 29 hộ, sửa chữa là 52 hộ. Và đến năm 2014, thị xã đã tiến hành các thủ tục giải ngân nguồn vốn và cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22, với tổng số tiền 2,22 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những nảy sinh, bất cập, điển hình như việc khi rà soát thì chỉ phải hỗ trợ sửa chữa nhưng đến khi dỡ nhà lại xuống cấp nghiêm trọng cần phải làm lại nên chúng tôi phải linh hoạt giải quyết. Với những trường hợp như vậy, một trong những cách làm của thị xã là chủ động trích từ nguồn đền ơn đáp nghĩa để kịp thời hỗ trợ đảm bảo tiến độ công trình. Nhờ đó, đến nay, tất cả các hộ gia đình người có công thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở đều được sống trong những căn nhà vững chắc, khang trang”.

Lãnh đạo xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) trao tiền hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách.
Lãnh đạo xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) trao tiền hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách.

Tuy nhiên, ngoài thị xã Cửa Lò, hầu hết ở các huyện, thành, thị còn lại trong tỉnh, còn rất nhiều người có công thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở nhưng vẫn chưa được cấp kinh phí để xây mới hoặc sửa chữa. Bất cập nảy sinh là do điều kiện nhà ở xuống cấp trầm trọng không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, hoặc theo phong tục tập quán (năm hợp tuổi làm nhà) nên một số gia đình mặc dù chưa được bố trí kinh phí nhưng đã vay mượn để sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng lại nhà ở nên lâm vào cảnh nợ nần.

Ông Đặng Văn Bài là bệnh binh ¼ ở xóm 4A, xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu), năm nay đã gần 60 tuổi vẫn đau đáu nỗi niềm cả gia đình đang sống trong nợ nần. Ông Bài cho biết, năm 2013 gia đình được cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội xã Ngọc Sơn thông báo thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ để xây nhà, với số tiền 40 triệu đồng.

Tuy chưa nhận được tiền hỗ trợ, nhưng vì ngôi nhà đã quá xuống cấp nên cả gia đình vẫn quyết định đi vay tiền để làm nhà mới, khi nào nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước sẽ trả sau. Mọi việc sau đó diễn ra theo đúng kế hoạch, gia đình ông đã có ngôi nhà mới, chỉ có điều chờ mãi tiền hỗ trợ vẫn chưa thấy đâu!

Ông Nguyễn Công Chất khối Tây Hòa, phường Nghi Hòa, (TX. Cửa Lò) trong ngôi nhà được hỗ trợ theo QĐ 22 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Công Chất khối Tây Hòa, phường Nghi Hòa, (TX. Cửa Lò) trong ngôi nhà được hỗ trợ theo QĐ 22 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê, toàn xã Ngọc Sơn có 77 hộ được hưởng chế độ theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 2 hộ nhận được tiền hỗ trợ xây, sửa nhà, 75 hộ còn lại vẫn đang… chờ.  

Ông Đặng Minh Hoài - Phó Trưởng phòng Phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Thực hiện rà soát nhà ở người có công theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu được phê duyệt xây dựng mới 1.054 nhà và có 315 nhà cần được sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách khó khăn nên mới được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa 50 nhà; huyện xây dựng 13 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng; còn lại các hộ khác từ năm 2014 đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ”. 

Hiện không ít gia đình người có công khắp các địa phương trên toàn tỉnh cũng phải đi vay mượn để xây, sửa nhà và lâm vào cảnh nợ nần. Ông Nguyễn Doãn Hoàn (76 tuổi), xóm 7, xã Xuân Tường (Thanh Chương) là 1 trong 80 đối tượng thuộc diện hỗ trợ theo Quyết định 22. Ngôi nhà được xây dựng từ tiền gom góp suốt cuộc đời cùng tiền vay mượn, anh em gom hết để hoàn thành đã hơn 1 năm nay nhưng vẫn chưa có tiền hỗ trợ. Ông Hoàn cho biết: “Nghe thông báo tôi thuộc diện được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà nên vợ chồng bàn nhau xây dựng nhà để kiếm chỗ thờ phụng sau khi mất. Giờ nhà xây xong rồi nhưng nợ chưa trả hết vì tiền hỗ trợ của trên vẫn chẳng thấy đâu”.

Lối mở từ xã hội hóa

Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ22) quy định: Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với xây mới nhà ở và phải bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (cứng nền, khung - tường cứng và mái cứng), có diện tích sử dụng tối thiểu 30m², có tuổi thọ từ 10 năm trở lên; hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung - tường và thay mới mái nhà.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng số hộ người có công với cách mạng cần được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh là 26.846 hộ. Trong đó số nhà cần xây mới là 13.748, sửa chữa là 13.098 (số lượng đối tượng cần hỗ trợ này đã được ngành LĐ -TB&XH thẩm định và thống nhất), tổng số kinh phí ngân sách cần có lên tới gần 816 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đợt bố trí vốn đầu tiên và cũng là duy nhất cho tới thời điểm này (kể cả vốn đối ứng của tỉnh) vào cuối năm 2013 mới chỉ hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 1.018 hộ (xây mới 713 hộ và sửa chữa, cải tạo 305 hộ).

Như vậy có thể thấy số hộ cần hỗ trợ thuộc diện được thụ hưởng theo Quyết định 22 ở tỉnh ta còn lại là rất nhiều (25.828 hộ). Đối tượng cần hỗ trợ cũng chủ yếu thuộc thành phần già yếu, neo đơn và không có sức lao động, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Ông Chu Anh Tuấn - Trưởng phòng Nhà ở, Sở Xây dựng cho biết: “Trước thực tế đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng gửi báo cáo, kiến nghị đến Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các bộ, ngành sớm đề xuất với Chính phủ giải ngân kinh phí kịp thời. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các công văn trả lời đều nêu lên thực tế nguồn ngân sách eo hẹp và chính sách hỗ trợ cần được triển khai lâu dài, phù hợp với khả năng ngân sách…”

Về việc nhiều hộ gia đình người có công sau khi nhận được quyết định hỗ trợ đã tự vay mượn tiền để làm nhà trong khi chưa nhận được tiền hỗ trợ, dẫn đến không có khả năng chi trả, theo ông Tuấn thì: “Về lý, việc tự vay vốn để xây dựng nhà là không đúng với tinh thần của Quyết định 22. Tuy nhiên, xét về góc độ “con người”, nhiều lúc cần phải thông cảm. Bởi Quyết định 22 có hiệu lực từ năm 2013, trải qua 4 năm, có nhiều ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, không thể ở được, nên việc người dân tự vay mượn sửa chữa, xây dựng là điều dễ hiểu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bổ sung nguồn để kịp thời hỗ trợ những gia đình gặp khó khăn nhất?”

Để góp phần khắc phục khó khăn về nhà ở cho các đối tượng người có công trong khi nguồn vốn Trung ương đang “tắc”, theo ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH: “Một giải pháp quan trọng là các địa phương cần tăng cường huy động quỹ Đền ơn đáp nghĩa và các nguồn vốn xã hội hóa để xây mới, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng này. Bởi chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã hỗ trợ, xây dựng mới cho 92 hộ gia đình có công với cách mạng có nhà ở, với kinh phí 5,98 tỷ đồng và sửa chữa nâng cấp 100 nhà với kinh phí 2,55 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa”. 

Tại Công văn số 901/BXD-QLN ngày 8/5/2014, Bộ Xây dựng (cơ quan chủ trì thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg) đã có chỉ đạo UBND các tỉnh: "Rà soát số lượng đối tượng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở trong Đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thẩm tra và chỉ triển khai thực hiện hỗ trợ sau khi có chủ trương của Chính phủ". 

Minh Quân - Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Tin mới