Chuyện kể của người lính bảo vệ Đại tướng Chu Huy Mân

(Baonghean.vn) - Gần 20 năm quân ngũ là ngần ấy thời gian tham gia chiến đấu, đến bây giờ hồi tưởng lại ông Chu Văn Tam cũng không biết tại sao mình còn sống được đến giờ, đi qua thời bom đạn, biết bao đồng đội đã hy sinh, nằm lại ở chiến trường, nhưng những ngày tháng bảo vệ Đại tướng Chu Huy Mân (từ năm 1965 đến 1971) ông luôn nhớ mãi.

Đại tướng Chu Huy Mân và cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 đón Bác Hồ về thăm đơn vị. Ảnh tư liệu
Đại tướng Chu Huy Mân và cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 đón Bác Hồ về thăm đơn vị. Ảnh tư liệu

Chúng tôi về xã Lạng Sơn huyện Anh Sơn, tìm gặp cựu chiến binh Chu Văn Tam, ngay từ đầu làng mọi người chỉ rành rẽ con đường dẫn vào nhà ông. Trước mắt tôi là một người đàn ông đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm nhưng nước da vẫn hồng hào, thân hình vạm vỡ. Và đặc biệt ông có một trí nhớ mẫn thiệp. Với ông, những kỷ vật hồi chiến tranh được là vô giá, được ông cất giữ cẩn thận, đặc biệt là những tấm ảnh ông chụp với Đại tướng Chu Huy Mân.

Bên ấm chè xanh, những ký ức một thời hoa lửa ùa về: “Thời trai trẻ, tôi khoẻ lắm, ăn không biết no, làm không thấy mệt, đi thanh niên xung phong gần 10 năm thì về quê cưới vợ. Tháng 2 năm 1961, tôi lên đường nhập ngũ về Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, đóng quân ở huyện Bố Trạch - Quảng Bình. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, được cấp trên cử đi học Trường Đặc công ở Xuân Mai (Hà Nội ngày nay). Sau khi trở lại đơn vị, tháng 8 năm 1963, đơn vị tôi đi B”, mắt ông ánh lên niềm tự hào khi nhớ về thời xông pha chiến trận.

Là lính đặc công trinh sát nên các trận đánh lớn, nhỏ ông luôn đi đầu. Trận đánh đáng nhớ nhất với ông ở chiến trường B, đó là cuộc đảo chính Diệm Nhu tháng 11 năm 1963, lúc đó đơn vị tham gia đánh vào trung tâm đầu não của địch ở ấp chiến lược Đắc Tang. Đơn vị phải hành quân trong đêm. Đúng 1h00 sáng bắt đầu nổ súng. Nhưng do quân ta bố trí mìn đánh cửa mở không đủ sức công phá nên đơn vị ông không thể vào được phía trong, địch phát hiện chúng dùng hoả lực bắn tới tấp. Lúc đó ông giữ súng Đại liên bắn yểm trợ cho anh em tiếp tục phá cửa mở.

Tuy nhiên do chênh lệch về khả năng tác chiến, đơn vị ông phải lui về phía sau để củng cố lực lượng và chờ thời cơ tiến công. Ba tháng nằm ngoài rừng lấy áo mưa, lấy bạt thay chiếu, bộ đội đói, rét; ông và đồng đội bị chí, rận bủa vây khắp người, da lở loét nhưng tinh thần chiến đấu không hề giảm sút.

Năm 1964, Bộ Quốc phòng điều các đơn vị chủ lực về giải vây Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ở Đà Nẵng đang bị địch kìm kẹp. Ông được biên chế về đơn vị V30, bảo vệ vòng ngoài. Một hôm, BTL Quân khu 5, đi kiểm tra tình hình ăn ở các đơn vị mới về vùng đồng bằng. Khi đến V30, sau khi nghe báo cáo tình hình, thủ trưởng Mân đứng dậy biểu dương tinh thần chiến đấu, khắc phục khó khăn của đơn vị. Trước lúc ra về thủ trưởng Mân giao nhiệm vụ cho chỉ huy V30 tìm một đồng chí có sức khoẻ tốt, gan dạ, mưu trí, giỏi võ, có kinh nghiệm chiến đấu về làm bảo vệ cho Tư lệnh.

là kỷ vật vô giá hồi chiến tranh được ông cất giữ cẩn thận.
Tấm ảnh Đại tướng Chu Huy Mân là kỷ vật vô giá hồi chiến tranh được ông Chu Văn Tam cất giữ cẩn thận.

Tối đó, đơn vị gọi ông lên phòng giao ban. Trên đường đi ông suy nghĩ, không biết việc lành hay dữ mà đêm khuya còn lên gặp chỉ huy. Bước vào phòng, chỉ huy giao nhiệm vụ: “Sáng mai đồng chí về BTL Khu 5 công tác, nhiệm vụ của đồng chí là bảo vệ đồng chí Châu. Đây là một vinh dự, tự hào đối với bản thân và V30; tuy nhiên, trách nhiệm cũng rất nặng nề, chỉ huy đơn vị tin tưởng đồng chí sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Đêm đó nằm đến gần sáng ông vẫn không ngủ được, phần vì vui, phần vì lo lắng, không biết đồng chí Châu ở BTL khu 5 là ai? Nhiệm vụ mới có làm được không. Sau này, quá trình đi công tác với thủ trưởng Châu, ông mới biết đó chính là Chu Huy Mân. Lúc đó Chu Huy Mân mới đeo quân hàm thiếu tướng.

Nói về người Tư lệnh Khu 5 và là đồng hương xứ Nghệ, ông bảo: “Thủ trưởng Mân là người quyết đoán, tuy nhiên khi quyết định những vấn đề lớn ông tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, lấy ý kiến tập thể rồi mới quyết định. Là Tư lệnh nhưng ông sống giản dị, tính tình cởi mở, dễ gần, rất quan tâm chiến sỹ của mình. Chính đức tính đó đã dạy cho tôi nhiều bài học làm người.”

CCB Chu Văn Tam bên tấm ảnh của thủ trưởng cũ - Đại tướng Chu Huy Mân.
CCB Chu Văn Tam bên tấm ảnh của thủ trưởng cũ - Đại tướng Chu Huy Mân.

Nhắc về kỷ niệm thời đi bảo vệ Tư lệnh, ông kể: Trong một lần Tư lệnh đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của các đơn vị thì bị địch phát hiện, dùng hoả lực bắn tới tấp, vừa chui xuống hầm tránh đạn được vài mét thì bị pháo bắn trúng miệng hầm bị lấp kín, đoàn luồn theo cửa sau thoát được ra ngoài nếu như chậm một tý xe tăng sẽ lao lên tiêu diệt hết.

Hay trong một lần Tư lệnh đang trên đường từ Tây Nguyên về Đà Nẵng bị địch phát hiện chúng rải chất độc hoá học mọi người trong đoàn bị ngạt thở do thiếu ô xi, nhiều người sức khoẻ yếu, không ôm được súng, ông là lính đặc công quan sát thấy một con đường chạy xuống suối nên dẫn cả đoàn men theo dòng suối thoát hiểm.

Năm 1972, ông được cấp trên cử đi học tại Trường sỹ quan lục quân 1 (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn), năm 1975 tốt nghiệp về nhận công tác ở Quân khu tả ngạn, năm 1979, do hoàn cảnh gia đình khó khăn ông xuất ngũ trở về địa phương. Bây giờ đã có chắt nội, chắt ngoại, con cháu đề huề, sức khoẻ còn tốt. Tham gia chiến đấu được tặng thưởng 3 Huân chương Giải phóng, một Huân chương Kháng chiến hạng 2 và nhiều phần thưởng khác…

Ông luôn hồi tưởng và hình dung những ngày trận mạc, đặc biệt là những năm tháng chiến tranh ở bên cạnh bảo vệ Đại tướng Chu Huy Mân. Trách nhiệm rất nặng nề nhưng cũng thật vinh dự. Mới đó mà đã 45 năm trôi qua. 

Tường Hiếu

TIN LIÊN QUAN

Tin mới