Tìm hướng làm giàu từ dệt thổ cẩm ở Quỳ Hợp

(Baonghean) - Từ nhiều năm nay, việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã được huyện miền núi Quỳ Hợp quan tâm. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cho thấy chưa được người dân hưởng ứng tích cực, mặt khác việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cũng chưa được chú trọng.

Chị Sầm Thị Hạnh, xóm Đồng Huống, xã Châu Quang có thời gian gắn bó với nghề dệt thổ cẩm khá lâu. Sản phẩm của chị được người tiêu dùng ưa chuộng nên làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Chia sẻ về công việc này, chị Hạnh cho biết: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Châu Quang từng bị mai một đi nhiều. Đến cuối những năm 2000, từ sự hỗ trợ của Tổ chức hòa bình và phát triển Tây Ban Nha, xã được chọn để triển khai dự án khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt thổ cẩm. Từ đó, nghề mới dần được khôi phục.

Chị Sầm Thị Hạnh (xã Châu Quang, Quỳ Hợp) trên khung dệt thổ cẩm của gia đình.
Chị Sầm Thị Hạnh (xã Châu Quang, Quỳ Hợp) trên khung dệt thổ cẩm của gia đình.

Từ khi triển khai dự án nói trên, hàng trăm chị em trong xã Châu Quang có nguyện vọng đã được đào tạo nghề và tạo điều kiện để phát triển nghề theo hướng sản xuất hàng hóa: “Mỗi một tháng, nếu chăm chỉ chúng tôi có thể sản xuất được 2 - 3 chân váy, với mức giá trung bình khoảng 800.000 đồng/chiếc cũng đã giúp chị em cải thiện được cuộc sống”- chị Hạnh cho biết thêm.

Hiện toàn xã Châu Quang có 600/1.600 hội viên hội phụ nữ có nghề tay trái là nghề dệt thổ cẩm. Nhìn vào số lượng, đây là con số khá lớn, tuy nhiên, theo như chị Võ Thị Xuân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ  phân tích: Làng có rất nhiều người làm nghề, nhưng chỉ sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm chưa cao, chị em nói là làm nghề nhiều năm, nhưng cũng chỉ sản xuất được những mẫu cũ, hoa văn đơn điệu và kỹ thuật đơn giản. Thị trường tiêu thụ chủ yếu mới ở chợ Đồng Nại trong xã, chứ chưa mở rộng được sang các huyện và các nước lân cận.

Lý do chính là giá thành cao, công nhiều nên chị em không hoàn toàn dệt theo phương thức truyền thống (dùng tơ tằm tự nhiên) mà chủ yếu mua chỉ công nghiệp ở ngoài chợ về, dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao và kế hoạch khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm sau một vài năm thí điểm đã phá sản hoàn toàn. 

Trong 5 năm qua (2011 - 2016), thực hiện 3 đề án về hỗ trợ đào tạo nghề, khôi phục nghề truyền thống, tạo việc làm cho chị em vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số của Chính phủ, Hội LHPN huyện Quỳ Hợp đã phối hợp các ngành chức năng tổ chức được 7 lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho 210 học viên ở 8 xã vùng sâu tham gia.

Nói về nghề dệt thổ cẩm, chị Ngô Thị Hiên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳ Hợp khẳng định: Là địa bàn miền núi, hội viên hội phụ nữ là đồng bào dân tộc chiếm gần 50% nên việc khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm ở Quỳ Hợp có ý nghĩa rất lớn. Trong đó, quan trọng nhất là góp phần gìn giữ nghề truyền thống. Đồng thời, nếu biết phát huy tốt, đây sẽ là điều kiện để giúp chị em phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo”. 

Kỳ vọng là thế, nhưng quá trình thực hiện cũng cho thấy, mặc dù việc đào tạo nghề cho chị em trên địa bàn triển khai khá tốt, nhưng sau khi đào tạo xong, việc tìm đầu ra cho sản phẩm lại gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là bởi hiện nay, thị trường cho mặt hàng này không nhiều. Trong khi đó, muốn vươn ra thị trường lớn và có thể xuất khẩu, thì chất lượng hàng chưa đảm bảo.

Tại bản Nhang, xã Châu Cường, dù là bản đã được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ khung dệt thổ cẩm, cũng là bản đầu tiên của huyện đang làm hồ sơ để xét công nhận là làng có nghề, nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự khả quan.

Chị em phụ nữ xã Châu Thái với sản phẩm thổ cẩm của địa phương.
Chị em phụ nữ xã Châu Thái với sản phẩm thổ cẩm của địa phương.

Chị Vi Thị Quang - Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “Toàn xã có 50 hộ làm nghề dệt thổ cẩm nhưng vẫn chỉ dừng lại ở hộ gia đình. Sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ quanh quẩn trong vùng, chưa có ai đứng ra bao tiêu sản phẩm”.

Để khắc phục hạn chế này, đầu tháng 10 vừa rồi, câu lạc bộ “Tổ liên kết dệt thổ cẩm” của xã Châu Cường đã ra đời nhằm mục đích tạo việc làm cho hội viên, phụ nữ trong thời gian nông nhàn, giúp tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.

Tuy vậy, qua 2 tháng hoạt động, câu lạc bộ chủ yếu chỉ dừng lại ở tập hợp hội viên, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Riêng vấn đề quan trọng nhất khôi phục sản xuất, xây dựng thị trường tiêu thụ thì chưa được đề cập đến. Hoặc cũng có thể đây là vấn đề vượt ra ngoài khả năng của chị em”.

Trước thực tế đó, mong muốn lớn nhất của chị em chính là nguồn tiêu thụ ổn định để từ đó chị em có cơ sở để phát triển, mở rộng ngành nghề. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm và tạo điều kiện để nghề dệt thổ cẩm phát triển, coi đây vừa là một giải pháp để phát triển kinh tế, vừa là hình thức để giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc.

Quỳ Hợp cũng là một trong những huyện được chọn xây dựng huyện điểm văn hóa của cả nước, vì vậy, trong chiến lược phát triển cũng cần có kế hoạch xây dựng sản phẩm văn hóa, du lịch của địa phương, trong đó chú trọng ưu tiên những ngành nghề gắn với bản sắc, văn hóa của vùng.

Mỹ Hà
 

Tin mới