Đầu năm đi lễ chùa, xin 'lộc' chữ

(Baonghean.vn) - Không chỉ có tục đi lễ chùa, người dân huyện Yên Thành (Nghệ An) còn có một thói quen nữa là xin chữ đầu năm. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống của người dân quê lúa.

Trong không khí nhộn nhịp của hàng vạn du khách đi lễ chùa Gám (Xuân Thành - Yên Thành) vào ngày đầu năm, hình ảnh sư thầy Thích Chúc Khả cho chữ trước Thiền Viện đã mang lại một sinh khí đặc biệt, một nét đẹp văn hóa tâm linh điểm xuyết trong bức tranh toàn cảnh Tết ở quê lúa Yên Thành.

Sư thầy Thích Chúc Khả - viết thư pháp tại chùa Gám.
Sư thầy Thích Chúc Khả viết thư pháp tại chùa Gám.

Người đến xin chữ rất đông, nhưng đây là phong tục tốt đẹp, lại có ý nghĩa tinh thần rất lớn nên người dân không ngại xếp hàng chờ đợi để được sư thầy tặng chữ. Sau khi người xin chữ chọn nội dung, chỉ 30 giây đến 1 phút, bàn tay uyển chuyển của sư thầy đã viết nên từng con chữ như phượng múa, rồng bay.

Ông Nguyễn Cần - một nhà giáo về hưu cho biết: “Trước đây Yên Thành có cụ Nguyễn Duy Đối - nhà thư pháp tài hoa hàng đầu xứ Nghệ, mỗi năm Tết đến, Xuân về, người đến xin chữ rất đông, nhưng cụ đã mất năm 2014. Đây thực sự là một mất mát lớn cho quê hương. Nhưng điều đáng mừng là năm nay có sư thầy Thích Chúc Khả ở Chùa Gám đã khơi dậy và tiếp nối giá trị văn hóa truyền thống đó".

 Người đến xin chữ rất đông, nhưng đây là phong tục tốt đẹp lại có ý nghĩa tinh thần rất lớn nên người dân không ngại xếp hàng chờ đợi để được sư thầy tặng chữ.
Người đến xin chữ rất đông, nhưng đây là phong tục tốt đẹp lại có ý nghĩa tinh thần rất lớn nên người dân không ngại xếp hàng chờ đợi để được sư thầy tặng chữ.

Được biết, sư thầy Thích Chúc Khả viết được nhiều thể loại thư pháp, nhưng thầy chủ yếu viết bằng thư pháp Việt, theo sư thầy thì thư pháp Việt gần gũi, dễ cảm, dễ hiểu. Thư pháp Việt là một môn nghệ thuật và là một giá trị văn hóa cần được bảo tồn và phát huy. Đó cũng là một nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt tinh thần của người dân Việt Nam.

Người đến xin chữ đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề. Chữ được viết theo tâm nguyện của người xin, bày tỏ mong muốn về tài lộc, sức khoẻ, công danh... trong năm mới.  Ngoài ra nhiều người còn cho biết rằng: Nơi chốn Thiền Viện linh thiêng này xin được chữ của sư thầy đó là một điều may mắn.

Mẹ con cùng đi lễ chùa, xin chữ.
Mẹ con cùng đi lễ chùa, xin chữ.

Mỗi người mỗi ước vọng và gửi gắm những điều ấy vào những con chữ của thánh hiền mà họ đi xin về như một điều mong mỏi. Nhưng trên hết, việc xin chữ và cho chữ đầu Xuân là những điều tốt đẹp, mang giá trị nhân văn, không chỉ có giá trị đối với bản thân mà còn có ý nghĩa, ảnh hưởng tốt đến xã hội, tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng, cùng nhau hướng tới cái Chân - Thiện - Mỹ.

Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của người dân quê lúa Yên Thành nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

                                                                                                         Tiến Dũng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới