Đầu Xuân đi lễ chùa Gám

(Baonghean.vn) - Ngày đầu Xuân này, chùa Gám đón rất đông du khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh và thắp hương cầu mong cho năm mới tốt lành. Đây cũng là một trong những nét đẹp văn hóa của người dân vùng quê lúa Yên Thành.

Ngày đầu Xuân, thời tiết nắng đẹp, trong lành, dòng người đổ về chùa Gám ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành đông vui, nhộn nhịp. Mọi người đến chùa để thắp nén hương tìm sự thanh tịnh, cảm giác thư thái trong tâm hồn, cầu mong một mùa Xuân và năm mới sức khoẻ, an khang, thịnh vượng, mùa màng bội thu..

Ngay từ mồng 1 Tết, khuôn viên chùa Gám đã tấp nập người vãn cảnh, đi lễ chùa đầu năm
Ngay từ mồng 1 Tết, khuôn viên chùa Gám đã tấp nập người vãn cảnh, đi lễ chùa đầu năm

Chị Ngọc Hà, một du khách tâm sự: Tôi đưa cả gia đình về đây đi lễ chùa không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Qua đây cũng là dịp để giáo dục con trẻ về những giá trị tốt đẹp của truyền thống, cội nguồn, về nét đẹp của văn hóa tâm linh….” 

Không chỉ người lớn tuổi đi lễ chùa, mà các bạn trẻ cũng tấp nập đến chùa để bày tỏ lòng thành tâm, hiểu thêm về nét đẹp văn hoá tín ngưỡng nơi cửa phật. Phan Hào - một học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đăng Lưu nói: “Cảm giác đi lễ chùa đầu năm thật bình an. Em cùng các bạn đầu năm đi lễ chùa để xin chữ, để tìm hiểu thêm về Đạo Phật về những nét đẹp của văn hóa tâm linh và cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với mình và mọi người”.

Du khách xếp hàng xin chữ.
Du khách xếp hàng xin chữ.

Anh Phan Hiền- một phật tử phục vụ ở chùa Gám cũng cho biết: Bắt đầu từ 23 Tết khách thập phương khắp nơi đã về chùa rất đông và từ đó đến nay mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách trong và ngoài huyện đến với chùa Gám để thắp hương lễ phật đầu năm mới.

Với nét đẹp trong văn hoá nơi cửa Phật, dù lượng du khách đông trong ngày đầu Xuân, nhưng với sự sắp xếp khoa học của trụ trì chùa và ý thức của mọi người nên không có sự lộn xộn, chen lấn, đốt tiền, đốt vàng mã, thắp hương tràn lan. Từng dòng người đi lễ chùa trong sự náo nức nhưng trang nghiêm, thành kính linh thiêng. Mỗi người một ý nguyện chân thành, mong muốn bày tỏ tấm lòng thành kính của mình với đức Phật, tổ tiên.

Sư thầy cho chữ các du khách
Sư thầy Thích Chúc Khả viết chữ thư pháp cho du khách.

Tết đến Xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Và vào dịp đầu năm mới, người Việt  thường có phong tục đi lễ chùa đầu năm. Tục đi lễ chùa đầu năm không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng mà còn là nét văn hóa tốt đẹp, lưu truyền.

Sư thầy phát lộc chùa cho du khách và phật tử.
Sư thầy phát lộc chùa cho du khách và phật tử.

Được biết, chùa Gám (Chí Linh Tự) từ lâu là cụm văn hóa tâm linh khá nổi tiếng. Theo sử sách, chùa Gám  thờ các vị thần có công bảo quốc, hộ dân: Cao Sơn, Cao Các, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, Tam tòa Đại Vương, Tứ vị thánh nương. Chùa Gám có lối kiến trúc, điêu khắc, hoa văn và họa tiết được xác định là công trình kiến trúc Phật giáo theo tông phái Trúc Lâm. 

Hằng  năm, vào dịp Lễ hội đền - chùa Gám được tổ chức từ ngày 14-16/2 (âm lịch) có hàng vạn khách thập phương du Xuân, đến chiêm bái cảnh chùa.

Hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An đã cho phép khôi phục hoạt động Phật giáo tại chùa Gám, đồng thời xây dựng nơi đây một thiền viện, phái Trúc Lâm với quy mô lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ. Dự án có tổng diện tích quy hoạch xây dựng 316,575 ha thuộc địa phận 2 xã Xuân Thành và Tăng Thành, bao gồm 5 khu vực chính: Khu di tích gốc được bố trí tại chùa Chí Linh (Xuân Thành).

Ngày 4/4/2015, tại Rú Gám, xã Xuân Thành đã diễn ra lễ đặt đá xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành và khởi công hạng mục tượng Đại Phật An Quốc.  Hiện, công trình tâm linh này đang chuẩn bị hoàn thành.

Sau khi xây dựng xong, công trình sẽ là nơi lưu giữ nhiều thư tịch, văn hóa phật giáo đặc sắc và giá trị, phục vụ cho tất cả mọi người có nhu cầu tìm hiểu về đạo Phật. Bên cạnh đó, tạo thêm cảnh quan du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, lưu giữ, phát huy và tiếp nối tư tưởng của dòng thiền Trúc Lâm.


                                                                                                   Tiến Dũng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới