Kẹo cà – món ngon ngày Tết

(Baonghean.vn) - Dịp Tết nguyên đán, người dân Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn…và nhiều vùng quê khác thường làm món kẹo cà dân dã, quen thuộc, để đãi khách ngày Xuân.

 Kẹo cà là cái tên mà người dân gán cho loại kẹo quê được làm từ mật mía, bột cốm, lạc rang, gừng tươi… trông nó như những quả cà. Dẫu hình thức của kẹo không bắt mắt như kẹo của các làng nghề nhưng chất lượng thì thơm ngon, ngọt ngào “đệ nhất”.

Một gia đình ở Thanh Chương làm kẹo cà đêm giao thừa
Một gia đình ở Thanh Chương làm kẹo cà đêm giao thừa

Nguyên liệu được chuẩn bị từ trước cả tháng trời, nhưng chỉ khi hoa đào đã nở, nồi bánh Tết đã bốc mùi hương thoang thoảng, thì nồi kẹo cà mới bắt đầu khuấy mật. Làm kẹo cà không khó, vừa rẻ, vừa ngon, nên mỗi dịp Tết về người dân quê mình lại náo nức làm món kẹo cà đón Tết.

Đêm giao thừa, bên ánh lửa bập bùng, nồi kẹo cà được bắc lên bếp, vừa đun vừa trông chờ mật “chín” để xáo kẹo ngon. Dường như cái rét của đêm giao thừa càng làm cho sự chờ đợi thời khắc sang canh bên nồi kẹo quê thêm phần thú vị.

Dù mỗi vùng có những bí quyết riêng, nhưng nhìn chung kỹ thuật làm kẹo cà  từ ngàn xưa vẫn vậy. Nấu mật sôi trào, khi nhỏ mật vào trong bát nước thấy lắng dưới đáy là cho bột nếp, lạc rang,  gừng tươi  vào đảo. Hỗn hợp này dẻo quánh phải dùng những chiếc đũa “bếp” lớn như ngón tay cái và người có sức mới đảo được nồi kẹo đã “già”.

Nguyên liệu nồi kẹo cà trên bếp
Nguyên liệu chế biến nồi kẹo cà trên bếp

Khi đổ kẹo ra mâm, mọi người trong gia đình sẽ ngồi vây quanh mâm kẹo nóng hổi, cùng nhau cắt, viên thành những cái kẹo đều đặn như  quả cà. Ngày nay,  dân mình còn chế ra kẹo ong, tuy hình thức khác nhau nhưng chất lượng cũng như  kẹo cà. Hỗn hợp kẹo được đổ lên mặt bàn hay tấm nhựa cứng, dạt mỏng thành hình chữ nhật hay hình vuông. Đặt thanh gỗ lên, dùng dao rạch thành những song kẹo dài như cái thước, rồi cắt nhỏ ra như những miếng khoai lang phơi dưới nắng hè.

Để làm được một mẻ kẹo cà ngon, giòn, tơi, sáng, đòi hỏi người làm phải nắm được kỹ thuật, trộn hỗn hợp đúng tỷ lệ, đúng thời gian. Nấu mật lâu quá thì kẹo sẽ cứng, sẽ sẫm màu, còn chưa đủ thời lượng thì kẹo sẽ non mềm, dễ chảy nước. Sau khi làm xong, kẹo được lăn qua một lớp bột khô chống ẩm, để nguội và cất vào nồi, chờ sang canh đãi khách.

èw
Một mẻ kẹo chuẩn bị được vo viên

Ăn kẹo cà, uống chè xanh ngày Tết là một nét đẹp trong tâm thức người Nghệ khi nghĩ về Xuân -  Tết của quê mình. Trong thoang thoảng mùi hương trầm, mọi người ngồi nhấm nháp từng viên kẹo cà, kẹo ong, cảm nhận cái ngọt ngào của mật, cái béo bùi của lạc, cái thơm nồng của cốm nếp, gừng tươi, nghe “vị quê” lan toả, trong không khí mùa Xuân đang về.

Ngày đầu năm đi chúc Tết, trên bàn khách nhà nào cũng có kẹo cà, kẹo ong. Giữa rất nhiều loại kẹo bánh ngày Xuân, ai cũng chọn lấy kẹo cà để ăn, để nếm, vì đó là sản phẩm ngon, sạch, an toàn, thể hiện sự độc đáo, sáng tạo trong nếp cảm, nếp nghĩ của người dân quê mộc mạc.

Đĩ

  Kẹo cà cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ đã góp phần làm cho ngày Tết cổ truyền của mỗi gia đình, thêm ấm cúng, đủ đầy và đậm đà bản sắc quê hương.

Trên thị trường, dẫu bánh kẹo làm sẵn vô cùng phong phú, bắt mắt, nhưng món kẹo cà  vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng người quê, làng quê - nơi đã sản sinh ra nó. Cuộc sống hiện đại, có nhiều đồ ăn, thức uống nhanh chóng, tiện lợi, song cũng lắm tai ương, nên những món ẩm thực “sinh ra từ làng”, ngày càng được nhiều người ưa thích, trong đó có kẹo cà.

Trong không khí ấm cúng, chan hoà của ngày đoàn tụ, nồi kẹo cà đượm mùi ngào ngạt, đã tạo thêm không khí đón Tết cho mỗi gia đình. Kẹo cà cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ đã góp phần làm cho ngày Tết cổ truyền  thêm ấm cúng, đủ đầy và đậm đà bản sắc quê hương.

                                                    Huy Thư

TIN LIÊN QUAN

Tin mới