Tục tắm lá thơm chiều 30 Tết

(Baonghean.vn) - Từ nhiều đời nay, thói quen đun nước lá thơm để tắm gội trong chiều 30 Tết đã trở thành một phong tục đẹp, thiêng liêng của người Việt mỗi khi chuẩn bị đón một năm mới đang đến gần.

d
Hái lá thơm để tắm gội ngày cuối năm trở thành một phong tục đẹp của người Việt.  Ảnh: Phương Thảo.

Theo truyền thống của người Việt, việc tắm gội bằng nước lá thơm vào ngày cuối năm giúp người ta tĩnh tâm sau bao mệt mỏi của cuộc sống mưu sinh, gột rửa những điều phiền muộn để đón năm mới. 

Được tắm gội bằng nồi nước lá mùi với hương thơm nồng nàn, ấm áp trong ngày cuối cùng của năm cũ là như thấy những điều chưa toại nguyện, chưa vẹn tròn hay những nỗi buồn phiền còn vương vấn trong tâm tư được trút bỏ.

a
Những loại lá thường được sử dụng là lá sả, lá hương nhu, lá chanh, lá trầu không, lá bưởi, bồ kết,... Ảnh: Phương Thảo.

Thói quen ấy đã trở thành một phong tục đẹp, thiêng liêng và là nét văn hóa của người Việt Nam không thể thiếu trong mỗi độ Tết đến xuân về. 

Theo y học, những loại lá thơm còn giúp lưu thông khí huyết, làm dịu cơn đau, phục hồi sức khỏe, tạo cho con người cảm giác thoải mái, khoan khoái. 

a
Nồi lá kết tinh của sự giản dị mà ấm áp vô ngần. Ảnh: Phương Thảo.
h
Nồi nước lá thơm từng gắn liền với ký ức thân thương từ sự yêu thương, chăm sóc của bà, của mẹ. Ảnh: Phương Thảo.
a
Mùi nước lá thơm chiều cuối năm, từ những cây cỏ quanh vườn, chỉ ngửi thôi mà lòng đã thấy thanh nhẹ, thư thái hơn rất nhiều… Ảnh: Phương Thảo.

Mùi hương của nước lá thơm đôi khi còn gợi lên ký ức êm đềm trong tâm trí mỗi người. Đó là mùi của sự chăm sóc, của tình yêu thương từ hơi ấm của bà, của mẹ. Một thứ mùi vị đặc trưng của đồng đất quê hương sẽ mãi lưu luyến, vương vấn trong cả năm để nhắc nhở mọi người về cội nguồn, về gốc rễ.

Nó giống như một thứ mùi của quá khứ, đưa ta ngược về những gì đã trải qua, để dành một khoảng tĩnh lặng nhỏ trong chiều cuối năm, cảm nhận những gì đã đến và đã đi./. 

 Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN

Tin mới