Còn xảy ra tình trạng tung tin giả, nói xấu nhau giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động

(Baonghean) -  Với hơn 50 doanh nghiệp đăng ký đưa người lao động ra nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh, đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như tung tin giả, nói xấu nhau.

Thậm chí, trong số này có những công ty chỉ cử những tay “cò” khi về làm việc với địa phương, nhận tiền môi giới của người lao động nhưng sau đó “mang con bỏ chợ”.

Nhức nhối tình trạng lừa đảo 

Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu xuất khẩu lao động ở Nghệ An lớn, những đường dây tuyển người ra nước ngoài làm việc trái phép mọc lên như nấm. Do không thông qua các cơ quan chức năng, những người “nhẹ dạ cả tin” dễ dàng trở thành nạn nhân của những đường dây lừa đảo. Đến khi phát hiện ra thì đã muộn, “tiền mất tật mang”.

Với thủ đoạn về các vùng nông thôn, miền núi, tiếp cận với những gia đình đang có nhu cầu cho con em đi xuất khẩu lao động, những kẻ lừa đảo thường đánh vào tâm lý nôn nóng, muốn đi làm việc nhanh lại không muốn phải qua đào tạo.

Một thủ đoạn phổ biến nữa là thông qua các trang mạng rao tuyển người xuất khẩu lao động, mời chào với nhiều hứa hẹn hấp dẫn như làm việc ở các nước tiên tiến, công việc lương cao, không nặng nhọc... để thuyết phục. Những chiêu lừa như vậy không phải là mới, nhưng vẫn dụ dỗ được không ít người.

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, nhiều lao động từ các vùng quê tìm đến để nhận thông tin tư vấn về các thị trường XKLĐ. Anh Đặng Văn Quyết (xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương) đang có nhu cầu đi XKLĐ ở Đài Loan chia sẻ: “Chịu khó lặn lội mấy chục km xuống TP Vinh để tìm hiểu thông tin, chứ ngay ở quê cũng có nhiều người đến phát tờ rơi, thậm chí đến tận nhà để mời đi XKLĐ giá rẻ, thủ tục đơn giản nhưng tôi sợ bị lừa”.

Các doanh nghiệp tư vấn việc làm và ký kết hợp đồng với lao động. 	Ảnh tư liệu
Các doanh nghiệp tư vấn việc làm và ký kết hợp đồng với lao động. Ảnh tư liệu

Lật lại hồ sơ các vụ án lừa đảo liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động, không khó nhận thấy sự liều lĩnh của những “cò” XKLĐ. Mới đây nhất, đầu năm 2017, dư luận TP Vinh rúng động với vụ xét xử đối tượng Hoàng Thị Đào (61 tuổi, phường Cửa Nam, TP Vinh). Lợi dụng sự cả tin của một số người dân có nhu cầu cho con đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan và Hà Lan,  Đào hứa hẹn có thể đưa người đi xuất khẩu lao động với chi phí thấp, rồi sau đó đứng ra thu tiền.

Sau khi nhận tiền, Đào không đưa những nạn nhân đi xuất khẩu lao động như đã hứa mà dùng để tiêu vào mục đích cá nhân. Tổng số tiền Đào chiếm đoạt của 100 người gần 1,9 tỷ đồng và sau đó bỏ trốn khỏi địa phương. Đối tượng này đã bị tuyên phạt 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo đưa người ra nước ngoài làm việc. Đơn cử, năm 2014, Công an huyện Yên Thành đã bắt Giáp Văn Trung (36 tuổi) và Ngô Thu Lý (31 tuổi, cùng ngụ tỉnh Bắc Giang) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi bị bắt giữ, 2 người này đã kịp lừa đảo 28 người dân ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Tân Kỳ... với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Quá trình điều tra, công an chỉ thu hồi được 224 triệu đồng và 3.000 USD trả lại cho 2 người bị hại. 

Cạnh tranh thiếu lành mạnh

Hiện nay, tỉnh Nghệ An có khoảng 50 doanh nghiệp được cấp phép đưa người ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, ngoài việc đáp ứng nhu cầu cho người lao động, tình trạng này cũng đã nảy sinh ra nhiều hệ quả xấu, gây cản trở phát triển trong công tác xuất khẩu lao động.

Đăng ký XKLĐ tại Trung tâm giới thiệu việc làm Nghệ An. 	Ảnh tư liệu
Đăng ký XKLĐ tại Trung tâm giới thiệu việc làm Nghệ An. Ảnh tư liệu

Ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, thời gian qua trên địa bàn xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp có trụ sở ở ngoài tỉnh đăng ký cấp phép nhưng thường cử những cán bộ hợp đồng hoặc thông qua trung gian về làm việc với chính quyền và người dân, khiến việc quản lý gặp khó khăn.

“Thậm chí, họ chỉ cử những tay “cò” về làm việc. Có những tay “cò” sau khi nhận tiền của người dân rồi “đem con bỏ chợ”. Đối với những trường hợp này, cơ quan quản lý rất khó quy trách nhiệm” - ông Thắng nói. Trong những trường hợp người lao động may mắn được ra nước ngoài làm việc thì thông qua những tay “cò” này, chi phí môi giới cũng cao hơn rất nhiều.

Hiện nay, ở một số huyện, nhiều người lao động đã đặt cọc hàng chục triệu đồng cho môi giới nhưng bị “treo” suốt nhiều năm không đi được. Số tiền này chủ yếu họ vay mượn từ ngân hàng, không lấy được tiền, nhiều người dân lâm vào cảnh lao đao.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trung - lãnh đạo một công ty chuyên về xuất khẩu lao động đang hoạt động trên địa bàn Nghệ An cho rằng, tình trạng “loạn” doanh nghiệp XKLĐ và chất lượng phập phù như hiện nay khiến người dân hoang mang, gây khó khăn cho việc lựa chọn doanh nghiệp uy tín, giảm niềm tin của người lao động với các doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài ở một số huyện miền núi không cao nhưng vẫn có những thời điểm mỗi ngày có đến 3, 4 doanh nghiệp cùng về một địa phương để tuyển chọn lao động. Đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp tung tin giả để bôi nhọ nhau, gây nhiễu loạn, hoang mang cho chính quyền cơ sở cũng như người lao động. 

Ông Đặng Cao Thắng cho biết thêm: Thời gian tới, để quản lý tốt hơn tình trạng “loạn” doanh nghiệp XKLĐ, bên cạnh việc công khai danh sách các doanh nghiệp có chức năng tham gia tuyển chọn, đưa người lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các doanh nghiệp đã được cấp phép khi cử nhân viên về tuyển người phải giới thiệu đầy đủ tên tuổi, chức danh, địa chỉ... rõ ràng, nhằm đủ độ tin cậy, tránh trường hợp thông qua khâu trung gian, hạn chế những rủi ro cho người lao động.

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới