Mùa thả trúm, bắt lươn đồng

(Baonghean.vn) - Những ngày này, trên các cánh đồng quê, người dân Đô Lương, Yên Thành, Nam Đàn, Hưng Nguyên.. đang vào mùa thả trúm, bắt lươn đồng.

Lúa Xuân đang thì con gái cũng là lúc mùa lươn đồng chính vụ. Những ngày này, trên các cánh đồng quê, người dân Đô Lương, Yên Thành, Nam Đàn, Hưng Nguyên.. đang vào mùa thả trúm, bắt lươn đồng.

Bắt lươn có nhiều cách, mỗi cách có một ưu thế riêng. Trước đây, nhiều người dân chuyên sống bằng nghề câu lươn, họ dùng một chiếc câu dây, ngoắc mồi là những con giun, thả trực tiếp vào hang lươn quanh ruộng hoặc bờ ao. Ưu điểm của cách này là kiếm được lươn to, có khi câu được những con lươn nặng 0,3 – 0,5 kg.

Một số người thì dùng bai sắt, thuổng chuyên dụng để bắt lươn, cách này chỉ dùng khi ruộng đã hết lúa, hoặc lúa mới cấy đang còn thấp. Tuy nhiên, dùng ống nứa, ống nhựa có mồi để nhử lươn là cách được nhiều người dùng nhất.

Theo anh Lý, ngày trước người ta thường dùng ống nứa để nhử lươn, miệng ống gắn 1 cái “tôi” đan bằng giang, phía cuối ống thì dui mấy cái lỗ thông hơi cho lươn sống. Vài năm trở lại đây, họ chuyển sang dùng ống nhựa, kể cả cái “tôi”. Họ dùng kéo cắt 1 đoạn ống nhựa thành tia và óm nhỏ  bằng dây cao su để làm “tôi”. Mồi thả trúm là giun đất và ốc bươu vàng, các thứ đều được bằm nhỏ. Cứ 100 cái trúm thì cần khoảng hơn 0,5 k mồi.Anh Nguyễn Hải Lý, một “chuyên gia thả trúm” lâu năm ở xóm Mậu 1, xã Kim Liên (Nam Đàn), cho biết: Thả trúm bắt lươn đồng được người dân ở đây làm quanh năm, nhưng làm đồng loạt vẫn là lúc cuối Xuân cho đến đầu Thu, khi thời tiết ấm áp, nhất là khi lúa đang thì con gái. Ưu điểm của thả trúm là hiệu quả, nhẹ nhàng, bắt được nhiều lươn.

Bắt lươn có nhiều cách, nhưng dùng trúm bắt lươn là cách được nhiều người dùng nhất. Ảnh: Huy Thư.
Bắt lươn có nhiều cách, nhưng dùng trúm bắt lươn là cách được nhiều người dùng nhất. Ảnh: Huy Thư.

Hàng ngày, khoảng 16 h - 17h, người làm nghề bắt đầu chở trúm ra đồng đi thả. Nơi nào đặt trúm thì họ lấy một ít bùn làm “dấu” lên bờ ruộng, lúc đi lấy, trúm cứ lần theo “dấu” đó mà nhặt ống. Tầm 5h sáng, những người làm nghề đã gọi nhau thức giấc đi nhặt trúm, đổ lươn.

Cứ sáng sớm hay chiều muộn, đi trên những cánh đồng ở Nam Đàn, thấy nhiều người dân chạy xe máy giữa ruộng, chở theo những bì ống nhựa, hay xách bì đi lại lom khom thì đó chính là người đi thả trúm, bắt lươn. Anh Lý cho biết, ở Kim Liên, Nam Lĩnh…mỗi xã có khoảng vài chục người làm nghề thả trúm, mỗi người thường có từ 100 – 300 trúm. Riêng anh có 200 trúm, mỗi bữa ra đồng phải 2 tiếng đồng hồ mới thả xong, mỗi đêm kiếm được khoảng 8 – 10 kg lươn đồng. 

 Lươn đồng đang là  thực phẩm được ưa chuộng trong mùa hè. Ảnh: Huy Thư.
Lươn đồng đang là thực phẩm được ưa chuộng trong mùa hè. Ảnh: Huy Thư.

Trước đây, người làm nghề thả trúm thường gánh “ống lươn” bằng 2 cái sọt, hoặc cột sọt vào sau xe đạp, nay thì ai cũng dùng xe máy đi đặt trúm. Anh Nguyễn Đình Khánh (47 tuổi) ở xóm 1, xã Nam Lĩnh (Nam Đàn) người có thâm niên 15 năm trong nghề cho biết: Tôi có 150 trúm, thường đi thả khắp các cánh đồng ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, các xã quanh TP Vinh. Mỗi đêm cũng kiếm được khoảng 4– 5 kg lươn. Kinh nghiệm cho thấy, năm nào có lụt thì sau lụt, lươn sẽ nhiều hơn”.

Những người chuyên làm nghề thả trúm, mỗi đếm họ mang hàng trưm cái trúm đi khắp các cánh đồng từ Thanh Chương đến Thành phố Vinh. Ảnh Huy Thư.
Những người chuyên làm nghề thả trúm, mỗi đêm họ mang hàng trăm cái trúm đi khắp các cánh đồng từ Thanh Chương đến Thành phố Vinh. Ảnh Huy Thư.

Nhà anh Khánh làm 1 mẫu ruộng, vụ chiêm được gần 3 tấn lúa, chỉ đủ lương thực cho người và chăn nuôi. Tuy trồng lúa là chính nhưng thả trúm bắt lươn mới là công việc đem lại thu nhập chính cho gia đình. Anh Khánh chia sẻ: “Lúc nông nhàn phải đi thả trúm kiếm tiền tiêu. So với nhiều công việc khác như thợ xây, phụ hồ… thì thả trúm khỏe hơn nhiều mà thu nhập cũng không thua”

Mùa hè đang đến, nhu cầu các món ăn từ lươn đồng tăng cao, nên lươn bán khá dễ. Người đi thả trúm không phải mang lươn ra chợ, mà nhà buôn sẽ đến lấy tận nhà. Theo những người làm nghề, giá lươn biến động theo mùa, thường thì mùa đông cao hơn mùa hè, vì trời rét ít người đi thả trúm.

Giá lươn hiện đang giao động từ 90 – 130 nghìn đồng/kg. Mỗi đêm, mỗi người làm nghề thả trúm bắt lươn cũng kiếm được 300 nghìn – 1 triệu đồng. Anh Lê  Bá Điền ở xóm Mậu 1, xã Kim Liên (Nam Đàn) phấn khởi cho biết: “Nghề thả trúm đã đem lại cuộc sống ổn định cho gia đình tôi” .

                                                        Huy Thư

TIN LIÊN QUAN

Tin mới