Đã đến lúc phải truy tố linh mục cực đoan, lập lại trật tự tôn giáo

(Baonghean.vn)- Sức chịu đựng của con người cũng có hạn, sự khoan dung của luật pháp cũng ở chừng mực nhất định, đã đến lúc cần phải trừng trị nghiêm hành vi của những kẻ đội lốt linh mục.

» Linh mục Đặng Hữu Nam kích động, lợi dụng trẻ em và bóp méo sự thật về ngày 30/4

 » Linh mục Đặng Hữu Nam thực sự là ai ?

 » Giáo dân Nghệ An vạch trần sự biến chất của linh mục Nguyễn Đình Thục

 » Nguyễn Đình Thục – 'ngựa đã quen đường cũ'
 

Hiện tại riêng đạo Công giáo trên bình diện cả nước chúng ta có trên 4.518 nhà thờ giáo xứ giáo họ, chưa kể các nhà nguyện của các dòng tu, (thống kê năm 2014). Ngoài ra chúng ta còn có các công trình nghệ thuật Công giáo như tượng đài, hang đá, nghĩa trang, các trung tâm hành hương,…

Như vậy có thể nói với trên dưới 6.000 ngôi nhà thờ, nhà nguyện lớn nhỏ trên cả nước, chúng ta đang sở hữu một không gian vô cùng quan trọng và đồ sộ về điểm tâm linh của đạo công giáo, đóng giữ một vai trò phục vụ nhu cầu thờ phượng, sinh hoạt tôn giáo và hướng dẫn đời sống tâm linh của gần 7 triệu tín đồ Công giáo, một ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

oàn cảnh nhà thờ đá Bảo Nham
Việt Nam có trên dưới 6000 nhà thờ, nhà nguyện lớn nhỏ. Trong ảnh, nhà thờ đá Bảo Nham, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ảnh tư liệu.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng chỉ so sánh hai khía cạnh đủ để biết nhà nước này, chế độ này đã tạo mọi điều kiện để các tôn giáo trong đó có công giáo phát triển. Tất cả các cơ sở thờ tự, nhà thờ, nhà nguyện đều nằm ở những vị trí thuận tiện về giao thông, kinh tế xã hội phát triển. Chưa nói đến nhiều nơi những mảnh đất bờ xôi, ruộng mật của người nông dân phải nhường chỗ cho những ngôi thánh đường khi di dời từ vị trí cũ về vị trí mới.

 Diện tích bình quân khuôn viên của một ngôi nhà thờ, nhà nguyện nhỏ nhất cũng đến 300 m2, lớn nhất có những khuôn viên lên đến cả chục ha, nếu nhân lên với trên 6000 nhà thờ, nhà nguyện thì con số này không hề nhỏ.

Sự quan tâm không chỉ dừng lại ở đó, việc chủ trương phát triển kinh tế xã hội đến vùng sâu, vùng xa cũng là một việc làm cấp thiết mà nhà nước đang đặt lên hàng đầu, so với các vùng đồng bào dân tộc ở biên giới, hải đảo, vùng rẻo cao thì đồng bào công giáo có điều kiện kinh tế xã hội, hạ tầng cơ sở mấy chục năm sau vùng đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn chưa theo kịp. Điển hình có những họ giáo chỉ có hơn 30 hộ  mà nhà nước đầu tư một hệ thống điện thắp sáng trên 5 tỷ đồng, đường giao thông hàng chục tỉ đồng, điều này chính những người công giáo ở những vùng đó là thấm thía nhất, biết ơn nhất về chính sách và sự quan tâm của Đảng và nhà nước ta.

 Một chính sách hòa hợp dân tộc, một chính sách tự do tôn giáo không có một thời kỳ nào hưng thịnh như thời đại ngày nay mà bộ phận Nhân dân có tín ngưỡng tôn giáo trên khắp đất nước Việt Nam đang hưởng thụ.

Tuy nhiên trong mấy năm trở lại đây lợi dụng tính khoan dung của pháp luật, lòng vị tha của con người Việt một bộ phận chức sắc đạo Công giáo đã bất chấp pháp luật, lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào theo đạo lợi dụng kẽ hở của pháp luật, cấu kết với bọn phản động ở nước ngoài công khai các hoạt động chống phá Đảng nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai linh mục cực đoan Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục đã bán đứng Chúa.
Hai linh mục cực đoan Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục đã bán đứng Chúa.

Xâu chuỗi một số sự vụ điển hình mà một bộ phận linh mục tại Giáo phận Vinh thực hiện từ năm 2012 đến nay chúng ta thấy rõ điều đó. Từ vụ việc tại Nghi Phương ( Nghi Lộc), Yên Khê (Con cuông) đến Nghi Kiều ( Nghi Lộc) Quang Sơn, Đại Sơn (Đô Lương); gần đây nhất  ở Song Ngọc ( Quỳnh Ngọc), Phú Yên (An Hòa) Quỳnh Lưu, hai linh mục Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam đã coi thường kỉ cương, phép nước, chà đạp lên nhân phẩm của đồng bào có đạo, bôi nhọ thanh danh đạo công giáo, xuyên tạc lịch sử, đi ngược lại lợi ích dân tộc, ngạo mạn cho mình là vua, là chúa, ngang nhiên thách thức dư luận, thách thức pháp luật.

Tất cả những hành động đó, chúng ta thấy đều có chung một kịch bản và sự nương nhẹ của chính quyền các cấp dẫn đến bộ phận linh mục này được lướt làm càn. Đã đến lúc thể chế chính trị của đất nước cần siết chặt để lập lại trật tự tôn giáo ngay trên chính trên quê hương, đất nước của chúng ta.

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, quyền công dân và nghĩa vụ công dân không tách rời nhau. Điều 15 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định:Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội;  Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Ấy vậy mà số chức sắc cực đoan này không tôn trọng một ai, ngang nhiên bêu rếu, bôi nhọ cán bộ lãnh đạo các cấp, xúi dục một bộ phận đồng bào công giáo nhẹ dạ chống người thi hành công vụ, đập phá tài sản nhà nước, tài sản cá nhân, cứ xem tôn giáo của mình là bất khả xâm phạm, là có vùng trời riêng, đến như  một giáo dân khi được gắn cho cái mác chủ tịch HĐMV giáo họ cũng ngang nhiên thách thức dư luận, đòi lấy mạng sống của người khác...

Nhân dân cực kỳ bức xúc đối với những hành động đó. Nhưng vì sự thượng tôn của pháp luật, vì sự bình yên của quê hương, xứ sở nên mọi người dân còn theo dõi những động thái của Nhà nước, xem Nhà nước sẽ xử lý như thế nào đối với loại tội phạm này.

 Điều 11 Hiến pháp cũng quy định...Mọi hành vi chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”. Người dân đang mong chờ sự nghiêm minh của pháp luật, cách ly những phần tử  như  Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam ra khỏi xã hội bởi những phần tử cực đoan đó đi đến đâu, gieo rắc hận thù dân tộc đến đó. Còn một số bà con giáo dân chỉ vì hội chứng đám đông, vì thần quyền, vì luật vâng lời mà họ phải chịu nghe theo những phần tử cực đoan đó, họ thiếu kiến thức về xã hội kể cả nhận thức về giáo hội, khi “ chủ chăn” của họ bị cách ly khỏi đời sống xã hội thì mọi người công giáo mới đều được sống yên ổn theo đúng nghĩa của một đạo giáo chân chính.

Đã đến lúc các cơ quan thực thi pháp luật không thể nương nhẹ cho những hành động phản quốc, hại dân như vậy. Trên thế gian này, không thể có một linh mục rao giảng lời Chúa mà quên đi bổn phận truyền giáo, họ dùng thánh đường trở thành nơi hô khẩu hiệu, nơi tụ tập làm việc phàm tục. Không hiểu bề trên của các vị linh mục này nghĩ gì, để những linh mục này làm ô uế, mất thanh danh đạo công giáo, chống lại chế độ, đi ngược lại lợi ích dân tộc thì chính bề trên của họ cũng phải chịu trách nhiệm.

Chúng ta không vì những cái gọi là dân chủ, nhân quyền mà để  số linh mục cực đoan này chà đạp lên nhân phẩm, đạo đức và  thành quả cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã phải đổi bằng xương, bằng máu mới có được ngày hôm nay.

Chứng cứ đã rành rành, cộng đồng người công giáo khổ với hai tên cực đoan này thế là quá đủ. “Đau một lát, mát cả đời”, chúng ta sẵn sàng đón nhận các đoàn bảo vệ nhân quyền, tự do tôn giáo của quốc tế đến để mục sở thị tại đất nước chúng ta. Từ văn bản pháp quy cao nhất của Nhà nước  đến các chính sách về dân tộc, tôn giáo thực tiễn đang diễn ra ở đất nước này cũng đủ minh chứng cho cộng đồng quốc tế thấy được sự “dối trá, bóp méo sự thật” của các vị linh mục cực đoan kia.

Điều 24 Hiến pháp 2013 cũng đã  minh định “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của chúng ta.

 Chúng tôi đề nghị nhà nước, lúc này, thời điểm này cần lập lại trật tự trong đời sống tín ngưỡng của các tôn giáo nói chung, đạo công giáo nói riêng để tất cả đều phục vụ lợi ích của con người, phục vụ lợi ích dân tộc,  bởi không có một tôn giáo nào, đảng phái nào nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật và thể chế chính trị của một quốc gia, dân tộc.

Tiếng dân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới