Ngư dân Nghệ An vững vàng vươn khơi bất chấp lệnh cấm phi lý của Trung Quốc

Kỳ 1: Hải trình vươn khơi

Qua giới thiệu của ông Hồ Xuân Hường - Phó chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai), đúng 5h sáng, tôi có mặt ở cảng cá Lạch Cờn - một trong những cảng cá lớn nhất tỉnh Nghệ An... 

Tôi được gửi lên tàu của anh Nguyễn Văn Diện (43 tuổi, phường Quỳnh Phương), - một trong những ngư dân lão luyện ở TX.Hoàng Mai. Tàu anh Diện hành nghề lưới ba màn, chuyên đánh bắt ở vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc bộ với 10 thuyền viên.

“Vùng biển của mình thì mình đánh bắt. Họ sao mà cấm được mình” - ngư dân Nguyễn Văn Diện bắt đầu câu chuyện với tôi. “Nhưng mà phóng viên có say sóng không. Nếu như say thì không được đi đâu, giữa chừng chẳng ai đưa về cả”, anh nói tiếp. Để được lên tàu, tôi nói luôn là không, dù đây là chuyến đi biển đầu tiên của tôi. 

Những chiếc tàu nối đuôi nhau rời cảng Lạch Cờn ra khơi. Ảnh: Tiến Hùng
Những chiếc tàu nối đuôi nhau rời cảng Lạch Cờn ra khơi. Ảnh: Tiến Hùng

Trời vừa hửng sáng, một số thuyền viên đã có mặt trên tàu để chuẩn bị cho chuyến ra khơi dự kiến kéo dài gần nửa tháng. Các tàu khác đã ra khơi trước đó vài ngày vì sợ muộn con nước. Mọi công việc chuẩn bị diễn ra khẩn trương. “Nghề này phụ thuộc vào con nước, nếu ra muộn, gặp thủy triều yếu thì đánh được ít cá. Nếu ra sớm hơn còn chọn được những điểm đánh bắt tốt” - anh Diện vừa nói vừa loay hoay kiểm tra máy móc. Các thuyền viên khác cũng mỗi người một việc. Người thì vận chuyển lương thực lên tàu, người  khác lo bốc hơn 400 cây đá đưa vào khoang... 

Đầu giờ chiều, anh Diện nổ máy, hướng mũi tàu về biển khơi. Trên cảng, những người phụ nữ đứng dõi theo. Tàu chạy với tốc độ 6 hải lý/giờ, khi vừa ra khỏi cửa lạch, những dãy núi nhấp nhô gần cảng cá Lạch Cờn dần bị những con sóng che khuất. Chúng tôi đang hướng về vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc bộ. Hành trình 150 hải lý sẽ kéo dài gần 30 tiếng. Lúc này, các thuyền viên tranh thủ nghỉ ngơi để giữ sức cho những ngày vất vả sắp tới. Trong khi đó, thuyền trưởng Nguyễn Văn Diện vừa lái tàu vừa mở bộ đàm, liên lạc với những tàu trong đoàn đã ra khơi trước đó. 

Trên biển bộ đàm là phương tiện liên lạc duy nhất giữa các tàu, thuyền chủ yếu để thông tin cho nhau về tình hình ngư trường, trợ giúp khi cần thiết. Trong tiếng ỗm oãm giữa các thuyền trưởng phát ra từ bộ đàm, anh Diện kể, hồi nhỏ học chưa xong lớp 1 thì anh bỏ dở để theo cha đi biển. Anh “gác bút’ khi còn chưa kịp biết hết từng con chữ. “Trên tàu tôi là chủ nhưng cũng là người ít học nhất, không biết chữ. Nhưng mà đi hát karaoke thì vẫn được”, anh Diện vui vẻ nói. Các thuyền viên cười ồ, giải thích, ấy là anh ham hát, hát mãi đã thuộc nhuyễn lời...

Tàu cá Nghệ An vươn khơi. Ảnh: Tiến Hùng
Tàu cá Nghệ An vươn khơi. Ảnh: Tiến Hùng

Ấy nhưng, anh Diện là một thuyền trưởng thuyền cá đầy kinh nghiệm. Ở vùng biển này, anh Diện thuộc từng con sóng luồng gió, như thuộc hết các ngõ ngách ở làng chài Quỳnh Phương của anh vậy. Trước đây, thời gian đầu đi biển, anh làm thuê trên tàu của các ngư dân trong vùng. Năm 1998, anh vay mượn hơn 300 triệu đồng để đóng chiếc tàu đầu tiên. Anh trở thành chủ tàu và cũng là thuyền trưởng khi chưa đầy 25 tuổi. Từ đó đến nay, anh Diện đã đổi 4 lần tàu, chiếc sau to hơn chiếc trước. 

Cũng như phần lớn tàu cá của ngư dân Quỳnh Phương, tàu anh Diện hành nghề bằng lưới ba màn - loại lưới dùng để đánh bắt những hải sản sống ở tầng đáy. Mùa này, các tàu chủ yếu đánh bắt được loài cá rìu, hay còn gọi cá mỏ lết. Loài cá này thường dùng để xuất khẩu. Nhưng những hải sản phụ khác mặc dù không đánh bắt được nhiều nhưng giá cả đắt, cũng giúp các ngư dân có thu nhập đáng kể trong mỗi chuyến đi biển như sam, ghẹ đỏ hay cá mú...

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng trao đổi của những thuyền trưởng phát ra từ bộ đàm thông tin, việc một số tàu đánh được rất nhiều cá rìu ở trong lộng. Anh Diện tỏ ra đăm chiêu: “Ta sẽ đánh trong này thử xem, nếu không có cá thì ra khơi sau. Dù sao nó cũng nằm trên đường đi của mình”. Đến 22h, tàu chúng tôi đến khu vực mà các tàu khác thông tin có luồng cá. Ở đây đang cách đất liền 50 hải lý. Vẫn còn quá sớm để bắt đầu công việc thả lưới, thuyền trưởng Diện quyết định neo tàu, các thuyền viên tiếp tục ngủ.

Ngư dân chuyển đá lạnh vào khoang chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ảnh: Tiến Hùng
Ngư dân chuyển đá lạnh vào khoang chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ảnh: Tiến Hùng

5h sáng, anh Diện đánh thức các thuyền viên. Không ăn sáng, 10 thuyền viên vội vã bắt đầu ai vào việc nấy. Một số người hì hục nhổ neo, kéo lên tàu, số khác dỡ những tấm ván để lấy lưới từ trong hai khoang chứa ra. Lưới của tàu anh Diện dài đến 10 hải lý, được kết nối từ gần 500 tấm nhỏ, được các thuyền viên chia thành 5 đường lưới thả song song với nhau. Mỗi đường cách nhau khoảng vài trăm mét. Hai đầu đường lưới được nối với những cây cờ phao đánh dấu khu vực đánh bắt để cảnh báo các tàu khác không đi vào cũng như giúp thuyền viên nhận biết mỗi khi kéo lưới.

Sau hơn 3 tiếng, toàn bộ tấm lưới được thả xong. Anh Diện điều khiển tàu chạy vào giữa khu vực đánh bắt để neo, thuận lợi cho việc quan sát các đường lưới. Công việc đầu tiên đã hoàn thành, lúc này các thuyền viên mới nghỉ tay đánh răng, rửa mặt. Trong khi đó, đầu bếp Lin Đa tất bật nấu nướng để chuẩn bị bữa sáng cũng là  bữa trưa. Ăn xong, các thuyền viên sẽ có gần 2 tiếng nghỉ trưa sau đó bắt đầu công việc kéo lưới đến tận khuya, thậm chí những ngày “đen đủi” họ phải gỡ lưới đến tận sáng hôm sau vẫn chưa xong. Trong khoảng thời gian đó, chẳng ăn uống gì.

Bữa cơm đầu tiên của hải trình vươn khơi thật rôm rả. Trên khuôn mặt của các ngư dân tràn đầy hứng khởi, nghĩ về những đường lưới “bội thu” hải sản mà chỉ một lúc sau nữa thôi sẽ được kéo lên...

(Còn nữa)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới