Thi tổ hợp tuyển sinh vào lớp 10: Đi ngược lại với chủ trương giảm áp lực thi cử?

(Baonghean) - Thông tin đột ngột về việc sẽ triển khai môn tổ hợp tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay khiến phụ huynh có con năm nay lên lớp 9 hoang mang, lo lắng và cảm thấy con mình kém may mắn vì phải làm “chuột bạch”.

Thông tin đột ngột về việc sẽ triển khai môn tổ hợp tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay đang khiến cho những phụ huynh có con năm nay lên lớp 9 như chúng tôi những ngày này đều mang tâm trạng hoang mang, lo lắng và cảm thấy con mình kém may mắn vì phải làm “chuột bạch”.

Sở GD&ĐT nói rằng để triển khai kỳ thi tổ hợp này, Sở đã chuẩn bị cách đây 3 năm. Vậy trong 3 năm qua, Sở đã làm những gì? Đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các giáo viên... để bàn bạc, thận trọng tìm ra phương án tối ưu nhất và thời gian, lộ trình thực hiện thích hợp hay chưa?

Thí sinh Nghệ An tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Thí sinh Nghệ An tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Năm học mới đã cận kề, bao bộn bề, lo toan mà thầy cô và trò lớp 9 phải đang phải đối mặt thì nếu trong năm học này triển khai thi tổ hợp sẽ bắt buộc thầy cô, học sinh vừa hành quân, vừa xếp hàng để chạy theo cho kịp chủ trương. Việc tránh học lệch là định hướng đúng đắn, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nhưng phải có thời gian và lộ trình thực hiện.

Đề án của Sở Giáo dục và Đào tạo đến nay đã được UBND tỉnh phê duyệt, tuy rằng đến giờ Sở chưa thông báo cụ thể phương án như thế nào nhưng hãy giúp chúng tôi chỉ ra phương pháp nào để một học sinh như con tôi, chỉ giỏi môn Hóa học và Sinh học lớp 7 và 8, Vật lý và Tiếng Anh chỉ ở mức trung bình cả hai năm, có thể giỏi cả Vật lý, Tiếng Anh và Địa ở lớp 9. Và giờ đây, thời gian và đầu óc tập trung cho môn Hóa học, Sinh học sẽ bị giảm xuống, vì còn phải tập trung cho môn khác.

Các cháu đang trong độ tuổi THCS nhưng đã phải chịu áp lực để phục vụ cho kỳ thi kiểu mới này, các cháu sẽ phải như thế nào để gấp rút nhồi nhét, chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng cái gì cũng biết, nhưng thật ra chẳng biết gì trọn vẹn. 

Kiến thức là cả một quá trình tích lũy dần dần, chứ không thể một thời gian ngắn mà có được. Muốn xây nhà cao tầng thì móng phải vững chắc đã mới xây. Thời gian tới, sau khi có thông báo của Sở GD&ĐT, chắc chắn giáo viên lại phải tham gia tập huấn để chuyển hướng dạy theo đề thi trắc nghiệm của môn tổ hợp. Như vậy có lẽ quỹ thời gian học kỳ I sẽ mất hết.

Các trường sẽ “trở tay” như thế nào? Học sinh sẽ chuyển hướng ra sao, khi không có thời gian để kịp ôn thi làm quen với cấu trúc đề thi kiểu mới thì làm gì có tâm thế để bước vào kỳ thi? 

Một trong những mục tiêu mà ngành Giáo dục hướng đến là giáo dục toàn diện, trong đó chú trọng vào năng lực, phẩm chất nhưng lại làm học trò nặng về kiến thức.

Trước kỳ thi THPT, các trường THCS đã có một kỳ thi xét tốt nghiệp để học sinh lớp 9 đủ điều kiện dự thi THPT vì vậy không nhất thiết, Sở GD&ĐT phải tiến hành thêm kỳ thi với khối lượng quá lớn. Làm như vậy có thể nói là đi ngược lại với chủ trương cải cách giáo dục, giảm áp lực thi cử theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. 

Nguyễn Thành Trung

(Phường Cửa Nam, thành phố Vinh)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới