Giữ trọn đạo của người gieo chữ

(Baonghean.vn) - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để xã hội thể hiện lòng tri ân với những người đang ngày đêm lặng thầm thắp sáng con đường tri thức, dẫn dắt thế hệ trẻ đi đến tương lai. Kính trọng thầy giáo, cô giáo là đạo lý mà người Việt Nam nào cũng hiểu, cũng làm, để đất nước này mãi rạng ngời truyền thống tôn trọng đạo học và đề cao người dạy học.

Người thầy luôn là hình ảnh cao đẹp nhất trong mọi thời đại. Ảnh : Internet
Người thầy luôn là hình ảnh cao đẹp nhất trong mọi thời đại. Ảnh: Internet

Người làm nghề dạy học lấy niềm vui, sự tiến bộ, thành đạt của học trò làm lý tưởng nghề nghiệp, làm lẽ sống của mình mà không bao giờ so đo, tính toán. Đất nước ghi nhận công lao to lớn của hàng triệu thầy giáo, cô giáo hy sinh cả tuổi thanh xuân, vượt lên những khó khăn của cuộc sống, đem hết trí tuệ, tâm huyết của mình truyền dạy cho bao thế hệ học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Tổ chức Văn hóa - Giáo dục Liên Hợp quốc (UNESCO) đã tổng kết “ Chất lượng giáo dục không vượt khỏi chất lượng nhà giáo”. Đó là một sự đánh giá súc tích nhất, mang tầm nhân loại vai trò của người Thầy trong sự phát triển giáo dục của mọi quốc gia.

Bởi hơn ai hết, người thầy tham gia trực tiếp trong quá trình thiết kế hệ thống chính sách thông qua việc tham gia xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa…Thầy cô giáo cũng là người trực tiếp thực thi và chuyển tải những chính sách ấy để đào tạo ra những học sinh phát triển phẩm chất năng lực theo nghĩa là tự sáng tạo bản thân; Trong vai trò phản biện, thầy - cô giáo là người góp phần tích cực vào việc điều chính các chính sách giáo dục theo hướng hiệu quả, thực chất hơn.

Tình cảm thầy và trò trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Internet
Tình cảm cô và trò trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Internet

Giá trị của người thầy là giá trị vĩnh cửu cho từng con người, vĩnh cửu cho từng gia đình, vĩnh cửu cho cả một quốc gia và loài người. Giá trị ấy không bao giờ thay đổi và mất đi. Cái khó là phải hoạch định chính sách làm sao để giá trị ấy được phát huy một cách tối đa cho sự nghiệp trồng người.  

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiến hành quy hoạch tổng thể lại hệ thống trường sư phạm kèm theo các tiêu chuẩn bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo; có cơ chế tuyển sinh riêng đối với các trường sư phạm, bảo đảm chọn được những người giỏi, có năng lực và tâm huyết.

Việc đào tạo giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông trong các trường sư phạm cần được thực hiện gắn với thực hành, thực nghiệm tại các cơ sở giáo dục; cần có quy định về cơ chế tôn vinh đặc thù đối với nhà giáo (các danh hiệu, biểu tượng về cống hiến nghề nghiệp, các chương trình tri ân, cơ chế tôn vinh đột xuất...; tạo cơ chế để huy động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia ủng hộ, khen thưởng, động viên nhà giáo, tạo động lực cho nhà giáo cống hiến.

Người thầy trước yêu cầu của xã hội hiện đại không chỉ dừng lại ở những giá trị đạo đức truyền thống mà phải là những nhà giáo dục bắt kịp nhu cầu phát triển; Không chỉ là tấm gương tự rèn luyện nâng cao trình độ mà còn là người thầy công minh, biết lắng nghe, biết chia sẻ, thậm chí là tranh luận với người học để đi đến tận cùng lẽ đúng - sai; Không chỉ là người chuyển tải tri thức mà còn là người định hướng, truyền cảm hứng cho người học, làm cho người học có ý thức tự giác cao về việc học với sự nỗ lực của cá nhân, năng lực sáng tạo được khai mở, được tạo môi trường để thể hiện. Sự nỗ lực, cống hiến của các thầy giáo, cô giáo là tấm gương tốt nhất, là thước đo, là đích đến để học sinh ngưỡng mộ và noi theo.

Vì vậy, Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ là ngày để xã hội tôn vinh ý nghĩa cao quý của nghề dạy học và những người làm nghề dạy học, mà còn là dịp để mỗi thầy giáo, cô giáo tự nhìn nhận lại mình, không ngừng trau dồi đạo đức, nhân cách, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giữ trọn đạo của người gieo chữ./.

                                                                                 Vân Thiêng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới